Khai thác không gian ngầm tại TPHCM đã được thực hiện từ lâu với việc ngầm hóa hàng ngàn km đường ống cấp, thoát nước, đường dây điện thoại, dây điện, cáp truyền hình… Tuy nhiên, hệ thống ngầm này chưa được sắp xếp một cách hợp lý. Vì vậy, TPHCM đã quyết định nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm để khắc phục những bất cập nêu trên, đồng thời cũng để thực hiện một yêu cầu lớn hơn trong nhiều năm tới: hình thành đô thị dưới lòng đất!

Một góc tầng ngầm dùng để kinh doanh ở một cao ốc tại quận 1. Ảnh: Kim Ngân

Nan giải đánh giá hiện trạng

Một góc tầng ngầm dùng để kinh doanh ở một cao ốc tại quận 1. Ảnh: Kim Ngân

Nan giải đánh giá hiện trạng

Để quy hoạch được thực hiện với tính khả thi cao, có sự kế thừa cái cũ, các nhà quy hoạch sẽ phải làm một bước nghiên cứu rất quan trọng: đánh giá hiện trạng. Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đây cũng chính là khâu khó nhất trong việc lập quy hoạch không gian ngầm tại TPHCM. Cách nay khoảng 20 năm, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp, TPHCM đã định lập quy hoạch không gian ngầm trên cơ sở thí điểm nghiên cứu hiện trạng không gian ngầm của một phường tại quận 3. Tuy nhiên do tính chất phức tạp của hệ thống này, ý định trên buộc phải dừng lại ở mức… thí điểm.

Có thể hình dung sự phức tạp của hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm của TPHCM, thông qua câu chuyện xảy ra ở công trường thi công dự án Đại lộ Đông-Tây. Ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây, kể, khi các nhà thầu bắt đầu đào xuống đất sâu để chuẩn bị thi công công trình thì bất ngờ thấy một đường cáp nhỏ chạy ngang qua. Không ai biết dây cáp ngầm này ở đâu ra vì trong hồ sơ mà các ngành kỹ thuật liên quan cung cấp không thấy có sợi cáp này. Ban quản lý dự án gửi văn bản đề nghị các ngành kiểm tra lại, đồng thời đăng thông tin trên các báo với mong muốn tìm ra chủ nhân của sợi cáp. Báo đã xuất bản, văn bản đã được gửi đi nhưng hàng tháng sau vẫn không thấy chút tin tức nào về chủ nhân của sợi cáp. Công trường thi công không thể chờ đợi thêm, Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây buộc phải xin phép UBND TPHCM cho phép cắt sợi cáp. Buổi sáng cắt thì ngay buổi chiều chủ nhân của sợi cáp xuất hiện. Chính họ cũng không biết đấy là dây cáp của mình cho đến khi cáp bị cắt, thông tin liên lạc bị đứt…

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Toàn, đây là hậu quả của nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử. Rất nhiều hồ sơ kỹ thuật của các công trình được ngầm hóa trước năm 1975 đã bị thất lạc. Sau 1975, việc thực hiện các thủ tục về ngầm hóa các công trình kỹ thuật ở nhiều chỗ, nhiều đơn vị cũng không được thực hiện đúng quy trình nên giữa hồ sơ và thực tế nhiều khi cũng sai lệch rất lớn. Cũng vì thế mà việc thi công đào đường ở TP luôn phải dừng lại để di dời một hệ thống ngầm bất ngờ xuất hiện.

Ưu tiên sự tồn tại của công trình chính

Ông Lê Toàn cho rằng, trước mắt nên ưu tiên điều tra một số hệ thống công trình ngầm chính có tính chất quan trọng. Những hệ thống ít quan trọng hơn sẽ được xem xét cụ thể từng trường hợp trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Hiện nay đa phần hệ thống ngầm của TP chỉ sâu tối đa 3m nên việc định vị các hệ thống chính cũng không quá khó, nhất là khi chúng được thực hiện dựa trên sự hợp tác của các cơ quan liên quan.

Đồng quan điểm với ông Lê Toàn, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho biết thêm, mục tiêu lâu dài của TP khi nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm: không chỉ phát triển hạ tầng kỹ thuật ngầm mà còn đưa thêm nhiều hoạt động xuống dưới lòng đất nhằm chia tải cho mặt đất. Tuy nhiên, trong vòng 5-10 năm tới, mọi nghiên cứu vẫn sẽ tập trung cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật cùng các dịch vụ đi kèm.

Ví dụ, đi cùng với việc xây dựng hệ thống metro, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất các giải pháp phát triển các nhà ga metro cùng với trung tâm thương mại dịch vụ. Tính chất thương mại của các nhà ga sẽ hấp dẫn người dân đến và dần dần sử dụng metro thay vì xe cá nhân. Nhà ga có thể kinh doanh được nên công trình xây dựng nhà ga có thể đưa ra kêu gọi tư nhân đầu tư. Nhà nước chắc chắn sẽ bớt phải chi một số tiền không nhỏ từ việc xã hội hóa này. Từ các nhà ga metro, nếu có chính sách phù hợp Nhà nước cũng có thể kêu gọi chủ đầu tư các cao ốc gần đó xây dựng các đường ngầm kết nối với hệ thống metro. Trên các con đường ngầm này, nhà nước có thể cho chủ các cao ốc mở các dịch vụ kinh doanh để hoàn vốn…

“Từng bước nghiên cứu, từng bước thực thi bám theo sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm chính - đó là con đường khả thi trong việc nghiên cứu lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch không gian ngầm tại TPHCM”- ông Nguyễn Đình Hưng nói.

Cafeland.vn - Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland