Đây là một trong nhiều định hướng phát triển được Đảng bộ và Chính quyền Tp. HCM xác định cho giai đoạn từ nay đến 2025. Mục tiêu của định hướng này là xây dựng một đô thị văn minh hiện đại có thể duy trì sự phát triển bền vững, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam.


Cảnh quan đô thị sẽ quy hoạch theo hướng tôn trọng và thân thiện với thiên nhiên, tận dụng tối đa lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường thiên nhiên: đặc biệt bảo vệ và tận dụng mạng lưới sông rạch, sử dụng hiệu quả ánh sáng mặt trời, gió tự nhiên.…

Siêu đô thị đa hướng

Phát huy vai trò là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển kinh tế-xã hội, đã có nhiều mô hình quy hoạch đô thị được Tp.HCM thực hiện. Đầu năm 2010, một đề án quy hoạch nhằm tạo động lực cho Tp.HCM phát triển trên cơ sở liên kết với các địa phương xung quanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đến 2025 Tp. HCM được xác định là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á.

Điều quan trọng nhất là quy hoạch này đã đem đến tư duy mới về sự phát triển gắn kết kinh tế-xã hội của Tp.HCM với cả khu vực phát triển năng động tại phía Nam có quy mô hơn 30.000km2, bao gồm cả Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang.

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM Trần Chí Dũng cho rằng: Các thông số thu thập được cho thấy tốc độ đô thị hóa cao trong thời gian với số dân hơn 7 triệu người đã gây ra tình trạng quá tải cho bộ mặt đô thị. Do đó việc phát triển không gian đô thị theo hướng đa tâm, phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh để giảm áp lực dân số là một trong nhiều nội dung sẽ được các cơ quan chức năng thực hiện.

Mô hình phát triển vùng Tp.HCM trong tương lai theo hình thức tập trung-đa cực. Vùng đô thị trung tâm là Tp.HCM với bán kính 30km kết nối với Biên Hòa (Đồng Nai) và Thủ Dầu Một (Bình Dương). Các đô thị vệ tinh khác được xây dựng thành các khu đô thị mới như: Nhơn Trạch, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Long Thành, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè; Cần Giờ, Thuận An. Xa hơn là các đô thị vùng phụ cận loại 3-4 như Dầu Giây, Vĩnh Cửu, Tân Uyên, Mỹ Phước, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Giuộc.

Được “chia lửa” từ các đô thị phụ cận, đến năm 2025, Tp.HCM sẽ có tổng diện tích xây dựng đô thị là 100.000ha, đáp ứng nhu cầu dân số khoảng 10 triệu người, gồm dân số các quận nội thành khoảng 7 đến 7,4 triệu người; khách vãng lai và tạm trú khoảng 2,5 triệu người.

Hướng đến phát triển bền vững

Xuất phát từ thực tế phát triển đô thị từ sau 1975, tại các vùng ven của Tp.HCM đã tồn tại những mảng xanh nông nghiệp quý giá. Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, đây là bộ lọc khổng lồ giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí và cân bằng môi trường cho cộng đồng.

Chính vì vậy, trong quy hoạch vùng lần này, một vùng nông nghiệp khoảng 43.600 ha đất ngoại thành gồm 3 tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh cũng được xác định chỉ giới để bảo vệ. Đây là vùng đối trọng để làm mềm hóa khu vực đô thị với hàng trăm nhà cao tầng, khu công nghiệp, nhà máy vốn phát sinh nhiều chất thải đô thị.

Trong nhiều phiên họp bàn về định hướng phát triển của địa phương, thường trực UBND Tp.HCM đã yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất phát triển đô thị trong các khu vực nông-lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái này. Đồng thời, cấm xây dựng trong khu vực hành lang bảo vệ dọc các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Nhà Bè.

Đặc biệt, để khắc phục có hiệu quả hiện tượng ngập nước do biến đổi khí hậu và ùn tắc giao thông, nhiều giải pháp quy hoạch cũng đã được nghiên cứu để sớm triển khai.

Đó là hệ thống đê bao nhỏ và đê biển phòng chống ngập úng, hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và tách nước thải ra khỏi hệ thống cống chung, nạo vét mở rộng kênh rạch để xóa các điểm ngập. Một khoản đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng sẽ xây dựng hệ thống đê bao khép kín với chiều dài 170 km theo bờ hữu sông Sài Gòn (từ Bến Súc), sông Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ Đông đến thị trấn Đức Hòa (Long An).

Chương trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông cũng được gấp rút triển khai. Về giao thông đường thủy, sẽ tiến hành nạo vét đảm bảo lưu thông cho 2 luồng sông Lòng Tàu và Soài Rạp. Bên cạnh đó, cần di dời các cảng Tân Cảng, Ba Son, Nhà Rồng và Khánh Hội. Thay vào đó là phát triển khu cảng Cát Lái, Hiệp Phước.

Về đường không, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển của khu vực và thế giới. Phát triển cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) với công suất 100 triệu hành khách/năm phục vụ cho sự phát triển chung của vùng.

Trong nội thị Tp. HCM, sẽ cải tạo bến bãi hiện có và xây thêm mới để hình thành mạng lưới giao thông tĩnh và khuyến khích xây các bãi đỗ xe cao tầng. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng mới 19 cầu đường bộ vượt qua các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải. Thành phố cũng sẽ xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị như xe điện chạy trên mặt đất, đường sắt một ray tự động đi trên cao.

Nhận định về quy hoạch vùng này, đại diện nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ Xây dựng đã khẳng định đây là mô hình hợp lý và linh hoạt, chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng quá tải về dân số, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố thành một siêu đô thị hiện đại ngang tầm khu vực cũng như thế giới. Theo thời gian cùng với những bước đi khoa học và căn cơ, diện mạo của một thành phố kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, phát huy các bản sắc tốt đẹp của dân tộc sẽ dần hoàn thiện, xứng đáng là điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư, là trung tâm kinh tế năng động nhất của cả nước.
Cafeland.vn - Theo Website Thanh tra
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland