Cả nước có hơn 600 sàn giao dịch bất động sản nhưng hoạt động của các sàn vẫn chưa được quản lý một cách có hiệu quả và còn nhiều sai phạm
Những kỳ vọng về sự đóng góp của sàn giao dịch bất động sản (BĐS) vào việc minh bạch hóa thị trường BĐS đến nay vẫn chưa như mong muốn. Mặc dù sàn giao dịch mọc ra như nấm mà thị trường vẫn rối.


Các khách hàng của dự án The Montana đến nhà chủ đầu tư để đòi lại tiền. Ảnh: C.T.V

Mua căn hộ qua sàn vẫn... “chết”!

Cuối tháng 12-2010, TAND quận Tân Bình - TPHCM đã chính thức nhận đơn kiện của các nạn nhân trong vụ bán nhà trên giấy tại dự án The Montana (quận Tân Phú - TPHCM) với yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP TM-DV- May mặc - XNK Ngân Thanh phải trả lại tiền gốc và lãi cho khách hàng. Có lẽ các nạn nhân này không nghĩ đến việc dù đã cẩn thận mua căn hộ thông qua sàn giao dịch BĐS nhưng kết quả vẫn “tiền mất, tật mang”.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương, một nạn nhân mua căn hộ tại dự án này, cho hay vào tháng 9-2009, qua sự tiếp thị và phân phối độc quyền của Công ty BĐS Eden, chị đã ký hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng dự án căn hộ The Montana với Công ty Ngân Thanh. Sau khi hoàn thành, chị sẽ nhận được căn hộ B5-05 diện tích 75m2, với tổng giá trị hơn 1,1 tỉ đồng. Việc góp vốn sẽ chia làm 3 đợt, thời gian dự kiến bàn giao căn hộ vào quý III/2010. Hiện chị Hương đã nộp cho Công ty Ngân Thanh hơn 900 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau đó Công ty Ngân Thanh đã không triển khai dự án như cam kết khiến hàng loạt khách hàng lâm vào cảnh trắng tay. Sau khi sự việc bị “bể”, Công ty Ngân Thanh đã hứa hoàn trả số tiền góp vốn kèm theo lãi suất làm 3 đợt. Song đến nay, chủ đầu tư chỉ trả cho chị Hương được một đợt 30%, khoảng hơn 300 triệu đồng.

Trên đây chỉ là một trường hợp rối rắm điển hình trong hoạt động của các sàn giao dịch BĐS. Một số chủ đầu tư cũng mở sàn nên giao dịch mất tính khách quan. Thậm chí, thông tin sàn là nơi hợp thức hóa một số giao dịch “đã rồi” cũng khiến uy tín của sàn giao dịch BĐS tụt giảm. Quy định buộc bán BĐS qua sàn khiến nhiều công ty địa ốc phải san sẻ lợi ích kinh tế, thông tin dự án cho bên môi giới. Hơn nữa, hoạt động của công ty địa ốc cũng bị ảnh hưởng khi không nắm phần chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đó là cái cớ khiến các công ty địa ốc “xé rào” qua việc tự lập sàn giao dịch BĐS.

Trong khi đó, điều kiện để mở sàn giao dịch BĐS theo chuẩn của Bộ Xây dựng lại không quá phức tạp, chi phí thành lập và hoạt động không cao nhưng lợi ích của sàn đối với công ty địa ốc là lớn. Lập sàn giao dịch BĐS đúng là một công đôi ba việc cho công ty địa ốc và nếu lập dưới pháp nhân của công ty con, công ty địa ốc còn thoát luôn quy định “không được vừa là bên môi giới vừa là bên mua hoặc bên bán”, dù công ty địa ốc trên thực tế vẫn kiểm soát toàn bộ quá trình mua bán.

Sai phạm nhiều hơn hiệu quả

Mặc dù mới tiến hành kiểm tra 66 sàn trên tổng số 293 sàn giao dịch BĐS tại TPHCM nhưng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã phát hiện tới 34 sàn vi phạm quy định hoạt động. Và theo nhận xét của đoàn thanh tra, số sàn thực sự tốt chỉ chiếm khoảng 15%, sàn vi phạm ít chiếm trên 50%, còn lại là các sàn có vi phạm nặng. Nếu căn cứ đúng các quy định của pháp luật thì khó có thể tìm ra được sàn tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Sai phạm lớn nhất là hầu hết chủ đầu tư “né” giao dịch qua sàn bằng cách thực hiện các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua BĐS và họ mở sàn chỉ để bán sản phẩm của chính mình. Điều này khiến các giao dịch qua sàn chỉ mang tính hình thức, làm hạn chế việc đầu tư qua sàn.

Thống kê của Cục Quản lý Nhà và BĐS - Bộ Xây dựng cho biết nếu tháng 6-2010, TPHCM có 233 sàn giao dịch BĐS thì tới tháng 9-2010 đã có 293 sàn, trung bình mỗi tháng có 20 sàn ra đời. Trong khi đó, giao dịch BĐS qua sàn chỉ chiếm khoảng 50% (TP Hà Nội chưa tới 30% và cả nước chỉ có khoảng 40% lượng BĐS giao dịch qua sàn). Có thể nhìn thấy hiệu quả giao dịch qua sàn chưa cao bởi tính chuyên nghiệp tại các sàn còn yếu. Phần lớn sàn giao dịch BĐS do chủ đầu tư tự thành lập để bán sản phẩm của chính mình.

Vì vậy tính cạnh tranh thấp, nhu cầu chia sẻ thông tin chưa cao, các sàn không xây dựng chiến lược lâu dài và chỉ mang tính đối phó. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp, chủ đầu tư đã bán hết các căn hộ cho khách hàng rồi mới thuê sàn giao dịch BĐS bán lại cho chính những khách hàng đó. Nhiều sàn giao dịch không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ cho ngành chức năng. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, mặc dù cả nước có khoảng 600 sàn BĐS nhưng chỉ có 20% sàn thực hiện báo cáo hoạt động về bộ.

Chỉ để làm “kiểng”?

Ở góc nhìn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS, để các sàn giao dịch thực hiện đúng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải xác định được mình thành lập sàn giao dịch BĐS để làm gì. bởi nếu lập sàn giao dịch chỉ để bán các sản phẩm của mình mà không phục vụ thị trường thì tốt nhất là không nên thành lập.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho các sàn giao dịch BĐS nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như tính minh bạch của các sàn. Thực tế hiện nay cho thấy phần lớn sàn giao dịch BĐS đều “tự bơi” trong hoạt động của mình.
T.Anh

Cafeland.vn - Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland