29/12/2010 3:49 AM
"Như với hồ sơ cấp GCN hoặc đăng ký biến động nhiều nơi còn yêu cầu người dân nộp thêm nhiều giấy tờ trái quy định. Hoặc đã có bản đồ địa chính, hoặc người dân chỉ làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nhưng vẫn tiến hành trích đo thửa đất để thu phí…"
* Tồn tại tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép khá lớn!

* Thủ tục cấp GCN còn nhiều phiền hà

Theo Nghị quyết 07/2007 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu được đặt ra là thống nhất cấp một loại giấy cho nhà đất và đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), phấn đấu đến năm 2010 cả nước hoàn thành cấp giấy chứng nhận (GCN) đối với tất cả các loại đất. Tuy nhiên, năm 2010 đã hết, và hiện vẫn còn "trên 40% đất chuyên dùng, trên 30% đất ở đô thị, trên 20% đất ở nông thôn chưa được cấp GCN". Đó là điều được ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê đất đai, Bộ TN - MT cho biết tại hội nghị về lập hồ sơ địa chính và cấp GCN, được tổ chức ngày 27-12.

Theo Tổng cục Đất đai, số chưa được cấp GCN phần lớn đều do trường hợp còn tồn đọng có nguồn gốc phức tạp hoặc vi phạm pháp luật đất đai vì khó khăn trong quá trình xử lý. Bên cạnh mục tiêu cấp xong GCN cho toàn bộ đất đai trên toàn quốc không hoàn thành đúng hạn, thì thủ tục đăng ký, cấp GCN cũng còn nhiều phiền hà, thủ tục kéo dài... "Như với hồ sơ cấp GCN hoặc đăng ký biến động nhiều nơi còn yêu cầu người dân nộp thêm nhiều giấy tờ trái quy định. Hoặc đã có bản đồ địa chính, hoặc người dân chỉ làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nhưng vẫn tiến hành trích đo thửa đất để thu phí…" ông Phấn cho biết thêm. Vì vậy, người dân vẫn bức xúc, và trong một số khảo sát về tình hình cải cách TTHC, các thủ tục về đất đai, nhất là thủ tục xin cấp GCN được xếp đầu bảng về mức độ phiền hà, phức tạp, kéo dài!


Nộp hồ sơ xin cấp GCN tại UBND phường

Còn theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai, việc đo đạc lập bản đồ địa chính các khu vực đất ở đô thị, đất ở nông thôn và đất nông nghiệp ở các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu để phục vụ mục tiêu hoàn thành cấp GCN. Vì vậy, việc cấp GCN hiện nay ở các địa phương vẫn chủ yếu dựa vào sử dụng các loại bản đồ hiện có hoặc phải trích đo độc lập từng thửa đất, khiến chi phí tăng do phải đo vẽ bản đồ địa chính để chuẩn hóa số liệu sau này. Chưa kể, việc chỉnh lý bản đồ địa chính trong quá trình đăng ký, cấp GCN đối với các trường hợp có sai sót, thay đổi thường không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đồng bộ ở các cấp, dẫn đến tình trạng có nhiều thửa đất có vị trí, diện tích không thống nhất giữa bản đồ với hồ sơ, sổ sách địa chính và GCN được cấp cho người dân.

Ông Nguyễn Tiến Khang, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê đất đai, cho biết thực trạng đáng quan tâm, là trong năm năm qua, tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép ở các địa phương xảy ra rất phổ biến. Cụ thể là bán, chuyển mục đích trái phép đất nông nghiệp thành đất ở tại các vùng ven của TP HCM và Hà Nội, hoặc gom đất nông nghiệp để chờ dự án, dẫn đến bỏ hoang hóa đất ven các thành phố lớn, chuyển đất trồng lúa nước sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc Bộ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển, việc quản lý sử dụng đất còn tồn tại tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất khá lớn. Đáng quan tâm, hiện cả nước còn trên 500.000 ha đất đã được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, quản lý và sử dụng chưa chặt chẽ, dẫn đến bị các đối tượng khác lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích. Việc xử lý vi phạm trong sử dụng đất đai còn chậm. Đến nay mới có trên 700 ha đất được xử lý với hình thức chủ yếu là thu hồi đối với các trường hợp lấn chiếm, cho thuê mượn trái pháp luật, sử dụng không đúng mục đích, chưa sử dụng...

Để khắc phục các tình trạng trên, Bộ TN - MT yêu cầu UBND các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, đặc biệt, xem xét trách nhiệm của chính quyền các xã, phường, thị trấn buông lỏng quản lý đất đai để xảy ra tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích trái phép mà không ngăn chặn, xử lý và báo cáo.
Cafeland.vn - Theo PL&XH
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland