16/01/2011 12:49 AM
Các công trình xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm và thân thiện với môi trường là một giải pháp tốt cho việc xây dựng đối với TPHCM - một trong 10 TP bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình xanh hiện nay tại TPHCM vẫn chỉ là sân chơi của “nhà giàu”

Theo thống kê của nhiều nước trên thế giới, chất thải từ các ngành công nghiệp phục vụ xây dựng công trình phát sinh nhiều khí thải nhất trong các lĩnh vực: chiếm từ 40%-60% tổng lượng khí thải (chủ yếu là chất thải từ ngành công nghiệp sản xuất sắt, thép, xi măng...).

“Xanh” không phải chỉ trồng cây!

Trong suy nghĩ của nhiều người, chữ “xanh” gắn liền với màu xanh cây cối nên cứ trồng nhiều cây xanh quanh công trình thì sẽ thành công trình xanh. “Chính tôi cũng đã từng nghĩ như thế.

Tôi trồng cây, nuôi cá trong chính văn phòng của tôi, nhìn rất mát mẻ, rất “thiên nhiên” nhưng một thời gian tôi phát hiện không phải “xanh” mà tôi đang “phản xanh” vì tôi dùng điện bơm nước vào hồ cá, dùng nước sạch tưới cây và xả nước thải vào môi trường, chưa kể cây và cá đó lấy đi của tôi rất nhiều ôxy!” - kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, kể lại một kinh nghiệm.

Tất nhiên, việc trồng thêm nhiều cây xanh cho công trình cũng là một điều cần khuyến khích, vấn đề là trồng như thế nào để phát huy hiệu quả cần phải tính toán cho hợp lý.

Các khu đô thị mới ở VN chưa có những công trình xanh đúng nghĩa để có thể nâng cấp giá trị. Ảnh: C.T.V

Công trình xanh là những công trình thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên, trong đó người ta sử dụng các vật liệu xây dựng không gây ô nhiễm môi trường (cả trong quá trình sử dụng lẫn trong quá trình sản xuất) như vật liệu làm từ nguyên liệu tái chế, gạch không nung... hay sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng: đèn led thay cho đèn neon chẳng hạn.

Về kiến trúc, công trình xanh phải hài hòa với thiên nhiên, tối thiểu phải được 30% ánh sáng tự nhiên, thông thoáng tự nhiên tại các khu phụ: hành lang, nhà vệ sinh..., chẳng hạn thay vì đóng hết cửa rồi bật đèn và gắn thiết bị điều hòa thì phải thiết kế để đón ánh sáng mặt trời và gió được nhiều nhất.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường có thể tiết kiệm 30%-40% năng lượng, lại giảm phát thải, hiệu ứng nhà kính, hiện tượng bức xạ nhiệt...

Bị trói chân vì cơ chế

Khái niệm công trình xanh, kiến trúc xanh hay kiến trúc sinh thái đang là thời thượng trong lĩnh vực xây dựng công trình trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, ở VN, các khái niệm này mới được quan tâm và chập chững thực hiện.

Theo ông Lưu, hiện nay, VN chưa có các tiêu chuẩn để đánh giá công trình xanh mà phải sử dụng tiêu chuẩn của thế giới, phổ biến nhất là hệ thống Leed (của Mỹ), Breeam (của Anh)... Tuy nhiên, việc ứng dụng các hệ thống tiêu chuẩn này sẽ có những điểm không tương thích với điều kiện tự nhiên của VN.

Vừa qua, Hội đồng Công trình xanh của VN đã ban hành bộ tiêu chuẩn Lotus nhưng vẫn đang thí điểm. Tại VN, các công trình xanh đúng nghĩa (đáp ứng các hệ thống tiêu chuẩn) chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần nhiều chỉ đi theo xu hướng xanh một phần, tức là hoặc sử dụng một vài loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường hoặc thay đổi được một số thiết bị cũ kỹ tốn nhiều năng lượng...

Theo nhiều doanh nghiệp, khái niệm công trình xanh còn khá mới mẻ, vì vậy Nhà nước phải là đơn vị tiên phong để tích lũy kinh nghiệm, hướng dẫn các doanh nghiệp và người dân thực hiện theo. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, các công trình từ vốn ngân sách Nhà nước khó mà thực hiện theo khái niệm công trình xanh.

Vốn đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng hiện nay quy định thấp nhất là 1 triệu đồng/m2 (dành cho nhà ở riêng lẻ) và cao nhất chỉ khoảng 7,8 triệu đồng/m2.

“Với vốn đầu tư này thì xây một công trình bình thường đã khó, nói gì đến một công trình xanh, trong khi mức giá chênh lệch giữa vật liệu xây công trình xanh với vật liệu bình thường là 30%-40%.

Ví dụ như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được xây dựng cách nay gần 100 năm nhưng với vốn đầu tư xây dựng công trình được quy định hiện nay dù có tăng gấp đôi cũng không đủ để xây dựng một trường Nguyễn Thị Minh Khai tương tự.

Tuy nhiên, cũng có một số công trình vốn đầu tư ngân sách nhưng lại xanh vì đây là những công trình đặc thù: Ví dụ Kho bạc Nhà nước TP hay Đài Truyền hình TP vì yêu cầu an ninh, cách âm... tường phải xây dựng dày với chất liệu đặc biệt, may mắn là những chất liệu này có thể chống nóng, chống bức xạ... vì vậy nghiễm nhiên nó “xanh” thôi!” - ông Lưu cho biết.

Việc xây dựng công trình xanh tại VN hiện mới chỉ dừng ở khuyến khích chứ chưa có cơ chế bắt buộc nào. Vì vậy, chỉ có một số công trình xây dựng bằng vốn đầu tư nước ngoài mới chấp nhận bỏ ra suất đầu tư lớn để xây dựng các công trình xanh và công trình xanh hiện nay vẫn chỉ là sân chơi của “nhà giàu”.

Cafeland.vn - Theo Thu Sương (NLD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland