Mười năm qua, thị trường nhà ở và bất động sản đã có bước chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu như: tổng diện tích, số lượng hộ dân có nhà ở, chất lượng và diện tích ở bình quân đều tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên nhu cầu về chỗ ở của người dân cũng tăng không kém, đặc biệt tại các khu vực đô thị và đối tượng có thu nhập thấp, dẫn đến tình trạng lượng cung chưa đáp ứng lượng cầu về nhà ở.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, riêng tại khu vực đô thị, khoảng bảy triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội, tương đương tổng diện tích hơn 150 triệu m2, nguồn vốn đầu tư từ 300 nghìn đến 400 nghìn tỷ đồng. Gần đây, với hàng loạt chính sách khuyến khích, ưu đãi, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm tới phân khúc thị trường nhà ở xã hội.

Mặc dù vậy, việc tạo được quỹ đất sạch để triển khai dự án xây dựng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chủ yếu trông chờ vào quỹ đất 20% tại các khu đô thị cho nên một khi chưa hình thành các khu đô thị thì phần đất dành cho nhà ở xã hội vẫn 'nằm trên giấy tờ'. Vì vậy, việc tạo lập quỹ đất xây dựng nhà ở là hết sức cần thiết, một mặt đáp ứng nhu cầu về chỗ ở ngày càng tăng của người dân, mặt khác khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng mạnh dạn đầu tư.

Nhằm mục đích giải bài toán về chỗ ở cho người lao động, người có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép lập Quỹ tiết kiệm nhà ở. Theo đó, quỹ sẽ được thành lập với mục tiêu cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp (khoảng 20 đến 25% so với lãi vay ngân hàng) kèm theo những quy định chặt chẽ về đối tượng và điều kiện vay. Quỹ cũng sẽ dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được xây dựng tương tự mô hình bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến từ 1 đến 2% tổng tiền lương hằng tháng của người lao động. Những người về hưu sẽ được rút về toàn bộ số tiền đã đóng góp và cộng với một phần lãi suất mang tính hỗ trợ trượt giá. Hiện với chín triệu người lao động đang hưởng lương, chỉ cần góp 1% số lương mỗi tháng, hàng năm quỹ sẽ có khoảng 10 nghìn tỷ đồng, góp phần đáng kể cải thiện chỗ ở cho người dân.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, có nhiều ý kiến cho rằng những người đã có nhà thì không đóng góp vào quỹ tiết kiệm nhà ở. Nếu vậy, cơ sở để tồn tại và phát triển quỹ này là rất khó. Theo quan điểm của Bộ, nên kêu gọi bắt buộc đóng góp cho Quỹ nhà ở vì nếu kêu gọi tự nguyện thì lại chỉ có người nghèo đóng với nhau, vì vậy số tiền thu được để cho một người mua nhà sẽ rất lâu. Hơn nữa, nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cho nên người nghèo không biết tới bao giờ mới đến lượt. Ngoài ra, nguồn huy động của quỹ cũng có thể mở rộng, áp dụng cho nhiều đối tượng thuộc các thành phần kinh tế, đã có hoặc chưa có nhà. Những người không có nhu cầu về nhà, khi về hưu, họ được rút toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi. Cơ chế hoạt động của quỹ cũng khác các quỹ, ngân hàng vì chỉ vay chuyên dùng nhà ở và hoạt động ở mức bảo toàn vốn, bảo đảm chi phí hoạt động cho bộ máy quản lý quỹ chứ không có lợi nhuận. Trường hợp có lợi nhuận cũng gộp vào cho người dân và doanh nghiệp vay xây, mua nhà. Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, học tập mô hình phổ biến và hiệu quả ở một số nước như Hàn Quốc, Xin-ga-po... và đang tìm phương án áp dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Mục đích của Quỹ tiết kiệm nhà ở chính là để giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho người dân. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lo ngại tính khả thi của quỹ này. Ngay trong bước đầu thành lập quỹ đã vấp phải khá nhiều vấn đề cần giải quyết.

Một là, bắt buộc hay không bắt buộc đóng góp vào quỹ. Hình thức quỹ phát triển nhà ở không còn mới trên thế giới, đã có nhiều nước áp dụng hiệu quả mô hình này như các nước Bắc Ấu thông qua hình thức hợp tác xã nhà ở với nguồn huy động chủ yếu từ những người có nhu cầu mua nhà ở, sau đó tự thành lập ban kiểm soát, tự quản lý phân phối và bỏ phiếu công khai khi xét đối tượng được mua nhà. Hiện mặt bằng lương của nước ta còn thấp nhưng lại chịu nhiều khoản đóng phí bắt buộc (9% lương) như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nên đối với những đối tượng đã có nhà ở thì khoản phí đóng cho nhà ở là không cần thiết. Có thể cần tới vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ ban đầu cho quỹ tiết kiệm nhà ở tương tự như việc phát triển nhà ở xã hội thông qua các chính sách hỗ trợ thông thoáng, chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào chín triệu người lao động đang hưởng lương. Đồng thời kêu gọi, khuyến khích phong trào ủng hộ người chưa có nhà thông qua quỹ tiết kiệm nhà ở theo phương châm 'lá lành đùm lá rách'.

Hai là, tính công khai minh bạch trong quản lý và phát triển quỹ. Thực tế quan ngại này là có cơ sở vì tính minh bạch trong quản trị tại Việt Nam chưa cao, còn lỏng lẻo cho nên rất dễ nảy sinh tiêu cực, đặc biệt quỹ này liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, vốn luôn là đề tài 'nóng' nhiều năm qua. Để bảo đảm quản lý, vận hành quỹ đúng mục đích, tránh tiêu cực tham nhũng thì cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, khoa học.

Việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ là một biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho nhiều người lao động đang gặp khó khăn về nhà ở, tuy nhiên cũng cần tính toán thật kỹ, cần một bước đi thận trọng vì quỹ này liên quan đến phần lớn người lao động.

Cafeland.vn - Theo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland