29/12/2010 7:01 AM
Sau khi mở rộng, Hà Nội trở thành một trong những Thủ đô rộng nhất châu Á. Việc mở rộng về giới hạn địa lý, cần phải đi cùng với bài toán quy hoạch hạ tầng và phát triển văn hóa thì Hà Nội mới “khổng lồ” được cả về tầm vóc và văn hóa.
Sau khi mở rộng, Hà Nội trở thành một trong những Thủ đô rộng nhất châu Á. Việc mở rộng về giới hạn địa lý, cần phải đi cùng với bài toán quy hoạch hạ tầng và phát triển văn hóa thì Hà Nội mới “khổng lồ” được cả về tầm vóc và văn hóa. Đó là tâm sự của PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh dành cho phóng viên Đại Đoàn Kết.

Phải phát triển văn hóa xứng với tầm vóc

Năm 2010 khép lại với sự kiện lớn trong giới quy hoạch kiến trúc là bản Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ông đánh giá về Đồ án quy hoạch này như thế nào?

Đó là dự án xây dựng một Thủ đô hoành tráng và đồ sộ. Nhưng nó chỉ to về vật chất nhưng lại chưa tính đến các yếu tố văn hóa xứng đáng với tầm vóc của nó. Thủ đô Hà Nội của chúng ta được xây dựng qua 1.000 năm lịch sử. Chất văn hóa được xây dựng từ thế hệ này qua thế hệ khác, qua những cuộc đấu tranh vĩ đại mới có được. Chúng ta không nên ảo tưởng xây dựng được một quy hoạch vĩ đại chỉ trong vòng 20 năm, với chỉ một đề án sơ sài.

“Đồ án sơ sài”? Ý ông là...

Đồ án quy hoạch này được “vẽ” ra trong thời gian ngắn nhưng lại đề cập đến vấn đề quá đồ sộ. Đồ án này dự tính Hà Nội cần 34.000 ha đất sạch để phát triển. Khoảng 160 tỷ USD để đầu tư hàng trăm dự án, hạng mục thiết yếu. Quy mô gấp 3-4 lần so với quy mô thành phố 1.000 năm lịch sử! Đó là một khoảng thời gian quá ngắn để tính đến các yếu tố liên quan đến phát triển, mà cơ bản nhất là dân số và văn hóa. Một công trình xây dựng làm sai phải đập đi làm lại còn gây tốn kém, gây khốn đốn cho nhiều người. Nếu việc phát triển thành phố mới mà có khiếm khuyết thì ta sửa sai ra sao? Với tôi, Đồ án quy hoạch do Bộ Xây dựng chủ trì chỉ giống như một bức tranh để chiêm ngưỡng chứ không thể quản lý được và không thể trở thành hiện thực. Nó được làm gấp rút như vậy chỉ có giá trị thành tích chào mừng chứ chưa có giá trị sử dụng, đặc biệt đối với một Thủ đô có bề dày lịch sử.

Theo ông thì quy hoạch chung Hà Nội hiện nay cần nhất là điều gì?

Quy hoạch Hà Nội hiện nay cần phải thực hiện bài bản, mạnh tay và dứt khoát. Nếu cứ để mạnh ai nấy làm, xây dựng lổn nhổn như hiện nay thì bộ mặt Thủ đô sẽ biến dạng trong một sớm một chiều.

Hà Nội ngổn ngang quá!

Ông đánh giá thế nào về bộ mặt quy hoạch kiến trúc của Hà Nội hiện nay?

Tôi mà nói thì thế nào cũng có người bảo “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Nhưng bạn thử đứng trên một tòa nhà cao tầng để nhìn Hà Nội thì sẽ thấy lố nhố các kiểu kiến trúc xây dựng khác nhau. Mạnh ai nấy làm, người có tiền xây to, ít tiền xây bé, ít hơn nữa thì xây chắp vá tạm bợ... Ai cũng lo cho được việc của mình mà không ai bắt buộc phải xây dựng như thế nào cho có quy củ, gìn giữ bộ mặt Thủ đô cả. Hà Nội có hàng nghìn năm phát triển nhưng vẫn cứ như một đại công trường đang xây dở. Dây điện như mạng nhện chằng chịt, nhà siêu mỏng vẫn mọc lên, lúc nào người ta cũng thấy thiếu không gian để thở. Không thể phủ nhận có những nơi kiến trúc đẹp nhưng nhìn tổng thể thì Hà Nội ngổn ngang quá!

Hẳn là khi lập quy hoạch, người ta cũng phải tính đến cải thiện những điều này?

Rất tiếc là bản vẽ lại xa rời với thực tế như thể dùng tẩy để xóa vết chì trên giấy để vẽ lại một thành phố “trong mơ” phát triển bền vững, toàn diện, hàng đầu. Nhưng thực tế trước khi xây dựng phải tính đến các yếu tố thực tế và giải quyết các vấn đề liên quan đến cả một cộng đồng dân cư to lớn và những giá trị văn hóa nằm sâu bên trong nó. Hơn nữa, đô thị phải là một thể thống nhất. Không thể bố trí thân một nơi, đầu não một nẻo và làm gấp trong thời gian ngắn.

Theo ông, một quy hoạch thiếu tính thực tế thì sẽ gây ra những hậu quả gì?

Một quy hoạch không thực tế gây ra rất nhiều thiệt hại. Dùng từ “quy hoạch treo” rất hay. Nếu một đồ án quy hoạch mà bị treo sẽ lãng phí cả về tri thức, thời gian, tiền bạc. Người dân rơi vào khu vực đó thì rất khổ. Nó giống như một bản án. Đi không được, ở không xong. Đưa ra một quy hoạch không chắc chắn, không khả thi thì thiệt hại vô cùng về mặt kinh tế, xã hội. Thời gian qua có rất nhiều người trục lợi và có nhiều người “méo mặt” khi giá đất Ba Vì lúc tăng lúc hạ cũng vì quy hoạch “trung tâm Thủ đô” được đưa lên Ba Vì. Quy hoạch là ảo. Nhưng khi được công bố bởi một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì sẽ có nhiều người dân tin. Vì thế, càng có căn cứ để nói rằng không nên vội vàng loan báo về một quy hoạch “bất khả thi”.

Quy hoạch phải tính đến yếu tố văn hóa

Theo ông, quy hoạch Hà Nội cần tính đến yếu tố gì?

Phát triển Hà Nội phải tính đến nhiều yếu tố đặc biệt là yếu tố tâm linh và văn hóa, con người. Hà Nội là một Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nói như vua Lý Công Uẩn là vùng “địa linh nhân kiệt”, “Rồng cuộn hổ ngồi”. Một Thủ đô cổ kính với 1.000 năm văn hiến vào bậc nhất thế giới. Trong phong thủy thì nói rằng đây là vùng đất mang lại hạnh phúc cho con người. Đó chính là tâm linh và tâm linh chính là tinh thần. Cho nên trong quy hoạch phải tính đến cuộc sống hạnh phúc của con người, phù hợp với tầm phát triển của dân số và nhu cầu của nhân dân, lại nên hòa hợp với xu thế phát triển của nhân loại.

Để Hà Nội có một bộ mặt đẹp, hiện đại và cổ kính thì cần đến một tầm quy hoạch chiến lược dài hơi, bài bản với sự đầu tư nhiều tâm sức của các nhà khoa học hàng đầu. Hà Nội khi đó sẽ khác vừa to lớn vừa trí tuệ và bề dày văn hóa cũng xứng đáng với tầm vóc.

Vậy ông thích Trung tâm Thủ đô nằm ở đâu?

Trung tâm hành chính Thủ đô vẫn phải để trong đô thị trung tâm nơi mà 1.000 năm về trước cụ Lý Thái Tổ đã đặt ở đây. Nơi đây quy tụ các giá trị văn hóa lịch sử linh thiêng như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, trung tâm Ba Đình, Thành Cổ, Phố Cổ... Đây cũng là nơi cao ráo nhất, thuận tiện nhất về dân cư. Nó đã được thử nghiệm qua 1.000 năm. Xét về vị trí địa lý và cấu tạo địa mạo thì Hà Nội có thế đất đẹp. Hơn nữa, xu thế đô thị quốc tế hiện đại là phát triển hướng ra biển, cớ sao mình lại đi vào núi?!!
Cafeland.vn - Theo ĐĐK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland