Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Những chính sách trong bản Chiến lược này sẽ được hoàn chỉnh sớm để trình Chính phủ trước ngày 14/2 tới. Nếu được thực thi, nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở sẽ được tháo gỡ.
Giúp người nghèo có nhà

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trên thực tế trong lĩnh vực nhà ở còn rất nhiều tồn tại, vướng mắc cần khắc phục. Chính vì vậy cần thiết phải tiến hành nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở, làm cơ sở pháp lý để Nhà nước có các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy lĩnh vực nhà ở phát triển, tạo điều kiện để mọi người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp có thể tạo lập chỗ ở phù hợp và ổn định, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và công cuộc hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn sắp tới.


Một trong các tồn tại phải kể đến đó là những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở đã ban hành trước đây chỉ thông qua các ưu đãi cho từng dự án, thông qua các doanh nghiệp kinh doanh nhà mà chưa trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chú trọng nhiều đến việc phát triển nhà ở thương mại, nhà ở có tiện nghi cao, thu hồi vốn nhanh mà chưa quan tâm đến phát triển nhà ở cho những người có thu nhậpthấp, có khó khăn về nhà ở như: Cán bộ, công chức, những người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc các khu kinh tế. Mặt khác, trong thời gian vừa qua, nguồn cung về nhà ở trên thị trường mới chỉ tập trung phát triển các loại căn hộ để bán, Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích phát triển nhà ở để cho thuê cũng như tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân từ "sở hữu nhà" chuyển sanghình thức "thuê nhà" để ở như đã được hình thành và phát triển ở nhiều nước trên thế giới.


Mặc dù đã có sự tham gia của nhiều định chế tài chính trong việc phát triển nhà ở, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống tài chính về nhà ở đầy đủ, chưa thành lập được các quỹ đầu tư để phát triển nhà ở như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác bất động sản, thị trường thế chấp bất động sản chưa hoạt động có hiệu quả, nguồn vốn cho phát triển nhà ở còn thiếu, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng trung hạn và dài hạn. Thị trường nhà ở phát triển tương đối nhanh nhưng chưa bền vững, thông tin về thị trường còn thiếu và chưa minh bạch, các giao dịch chưa bảo đảm tính công khai, vai trò quản lý của Nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra, hoạt động của thị trường chưa chuyên nghiệp, cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn đến gây nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, những người mua nhà ở…

Nhiều chính sách sẽ thực thi đồng loạt

Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 21,5m2 sàn/người, trong đó nhà ở đô thị bình quân đạt 26m2 sàn/người, nhà ở nông thôn bình quân đạt 18,8m2 sàn/người. Đến năm 2020, đạt mức 25m2 sàn/người, nhà ở đô thị bình quân đạt 29m2 sàn/người, nhà ở nông thôn bình quân đạt 21m2 sàn/người.

Rất đáng chú ý là nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở. Những chính sách được đề xuất tuy không mới, nhưng nếu được thực thi có thể tạo được sự thay đổi khá căn bản cho việc phát triển nhà ở cũng như thị trường bất động sản. Liên quan đến Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ đưa ra đề xuất yêu cầu thông báo công khai thông tin và lấy ý kiến góp ý của người dân có liên quan trong tất cả quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở (kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà thầu; lập, phê duyệt quy hoạch và dự án; đầu tư xây dựng; giao dịch nhà ở và quản lý sử dụng) trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, website) và tại các trụ sở cơ quan Nhà nước để người dân dễ tiếp cận, kiểm tra, giám sát.

Đề xuất mới trong phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành là thực hiện bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng khi giao dịch về nhà ở để quản lý về thuế và hạn chế rủi ro cho người dân; có cơ chế khuyến khích các giao dịch nhà ở của người dân thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản (như được hưởng ưu đãi về thuế chuyển nhượng, lệ phí trước bạ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xác nhận sở hữu cho người mua nhà ở qua sàn giao dịch bất động sản).

Liên quan đến thuế nhà, đất, giải pháp được đưa ra là điều chỉnh tăng thuế nhà đất nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả bất động sản và hạn chế đầu cơ; đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp sử dụng nhiều nhà ở, đất ở hoặc có sở hữu nhà ở với quy mô lớn. Quy định sử dụng một tỷ lệ nhất định thuế sử dụng đất (khoảng 50%) để hỗ trợ cho những người bị thu hồi đất nông nghiệp trong một thời gian nhất định (từ 10 - 15 năm) để họ có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Quy định giảm thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà ở để hạn chế thất thu thuế cho Nhà nước; quy định áp mức thuế thu nhập cá nhân cao hơn nếu cá nhân mua bán nhà ở trong thời gian ngắn (1 - 2 năm). Đồng thời, giảm thuế suất đối với các dự án nhà ở xây dựng cho các đối tượng xã hội là người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN, sinh viên các trường đại học, cao đẳng
Cafeland.vn - Theo KT&ĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland