13/04/2011 1:01 AM
Quy hoạch đô thị là nghệ thuật tổ chức không gian sống, với ý nghĩa đó quy hoạch phải mang đầy đủ dáng dấp của phạm trù cái đẹp. Thật dễ để nói một thành phố nào đó đã quy hoạch đẹp chưa, bởi quy hoạch không cần ẩn dụ, ám chỉ, giấu ý, chỉ cần thuận tiện, thoải mái, hài hòa, thẩm mỹ… Thế nên khi “đại công chúng” nói: Quy hoạch xấu! Thì đó là chân lý.

Xấu do không thuận tiện

Hãy thử tưởng tượng xem, bạn phải mất một giờ lái ô tô đến một địa điểm mà nếu đi bộ bạn chỉ mất mười phút. Nơi bạn ở không có những dịch vụ công cộng như phòng đọc, thư viện, công viên, hồ bơi… muốn đến được những nơi đó bạn phải ngồi vài liên tuyến xe buýt.

Hoặc giả việc phải đi hàng cây số đưa rước con cái bạn đi học khiến bạn phát điên mỗi ngày nhưng bạn cũng không thể làm cách nào khác chỉ đơn giản vì quanh nơi bạn ở không có lấy một trường học.

Những bất tiện này thường gặp ở nhiều đô thị nước ta. Do phát triển nóng về nhà ở mà “quên” các công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Xấu do quá tải quy mô dân số

Nhiều đô thị ở ta thường gặp chuyện lạ đời làm nhà trước khi làm đường. Nhưng làm đường rồi thì lại xuống cấp, chật, ách tắc vì quy mô dân số lớn hơn dự tính. Ví dụ, đường rộng 10 mét cho một khu dân cư 100 người là phù hợp, nhưng sẽ là rất chật nếu quy mô đó là 1000 người.

Nhân đây xin nhắc chuyện một số nhà chung cư cao cấp đang được xây lại ở một số tuyến phố cũ. Chưa xây, người ta đã hình dung được viễn cảnh ách tắc giao thông ở những trục đường xung quanh. Khi đập những khu nhà tập thể 5 tầng đi để xây mới những khu nhà vài chục tầng thì quy mô dân số sẽ tăng lên và hệ quả là trục đường vốn dành cho số lượng người ít hơn đi lại sẽ quá tải là điều đương nhiên.


Một góc Hà Nội

Có một nguyên tắc vàng dành cho người làm quy hoạch đó là dân đông thì đường rộng, cao tốc thì xa dân nhưng chẳng mấy khi có thể làm được trên thực tế. KTS Nguyễn Thế Khải, nguyên cán bộ Viện Kiến trúc đô thị và Nông thôn, là người chấp bút cho nhiều bản quy hoạch các đô thị lớn đã không ít lần dở mếu dở cười. Ông kể chuyện địa phương có trục đường cao tốc đi qua là từ người dân đến quan chức địa phương chia nhau những mảnh đất mặt tiền. Cuối cùng đường cao tốc chẳng ra cao tốc, liên thôn chẳng ra liên thôn. Ông nói tư duy nhà mặt đường ở mình nó thế, vài thế hệ nữa may ra mới bỏ được.

Hôm vừa rồi đi trên đại lộ Thăng Long nhìn những hàng rào thép chắn suốt hai bên đường chợt nhớ lời KTS Nguyễn Thế Khải, tôi mới hình dung ra cụ thể những điều ông nói trước đó. Thật không thể tưởng tượng được nếu Đại lộ Thăng Long cũng bị dân “ôm” như đường Quốc lộ số 5, số 2, số 6, số 1… thì sẽ ra sao?

Xấu do lạc điệu

Quy hoạch cũng giống như một bản hòa tấu. Cần phải có nhịp điệu hài hòa, có nốt trầm, nốt bổng. Đơn cử nhịp điệu quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Càng gần về phía hồ nhà càng thấp, xa nhà cao. Thế nhưng nhịp điệu này không ít lần bị đe dọa. Do đất đắt, người ta tranh thủ vươn cao. Một vài cao ốc quanh Hồ Gươm còn chưa xây, nhưng dân đã đồn đoán giá cho nhiều tòa nhà là lên tới vài chục nghìn đô-la Mỹ một mét vuông. Mỗi sàn vươn cao chủ đầu tư bỏ túi hàng triệu đô-la, quá dễ để có lợi nhuận.

Quanh Hồ Gươm Hà Nội, “lạc điệu” là do tương quan giữa các ngôi nhà. Còn ở các tỉnh, thành phố khác, sự “lạc điệu” còn ở tương quan với môi trường. Rõ nhất là ở những đô thị bán sơn địa như Việt Trì, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Hòa Bình, Yên Bái… Tất thành đều “đồng bằng hóa” thành phố một cách hết sức phi lý. Đồi bị xúc phẳng lỳ để xây nhà; thung lũng bị đổ đầy cho bằng đường; không đủ sức phá đồi, lấp thung thì gọt ta-luy, xây nhà chồi… tóm lại cứ lấy mặt đường làm chuẩn. Đi đường từ dưới xuôi lên miền ngược không thấy được bản sắc mỗi vùng miền.

Những đô thị đồng bằng thì đã mất hẳn bản sắc. Na ná một tông, đều đều một điệu: “Hà Nội phảy”. Nhức mắt nhất là những ngôi nhà ống nằm trên những thửa đất đẹp. Chưa kịp hỏi, người xây đã khoe học mẫu từ Hà Nội đấy.

Có khắc phục được không?

KTS người Nhật Bản Jin Watanabe nhận xét: Hà Nội là một đô thị đang phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều mối nguy. Ông không xếp hạng cho Hà Nội. Thang bậc của ông xấu là Tô-ki-ô, đẹp là Pa-ri và Luân Đôn, trung bình là Thượng Hải. KTS Jin Watanabe tâm đắc với quy hoạch ở Anh quốc với từ khóa “công viên” mỗi khi người nghĩ tới việc xây dựng một khu đô thị mới. Ông cho rằng Hà Nội cần học hỏi Luân Đôn chứ không phải Tô-ki-ô, thành phố của rừng bê tông. Diện mạo đô thị của Hà Nội sẽ có giá trị tạo chuẩn mực cho nhiều tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, chúng ta nên bắt đầu với Hà Nội.

Ngay từ bây giờ, có lẽ mỗi nhà quy hoạch, nhà quản ký, kiến trúc sư và chủ đầu tư xây dựng hãy tìm ngay cho mình một từ khóa “công viên”, “hồ nước”, “dòng sông”, “ngọn đồi”... Như vậy ta mới có đô thị đẹp và bản sắc.

Cafeland.vn - Theo QĐND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.