TPHCM đang vào giai đoạn cuối của công tác lập quy hoạch chi tiết 1/2000 toàn TP. Trong lĩnh vực quản lý đô thị, đây là điều được người dân mong chờ nhất vì quy hoạch là cơ sở quan trọng có tính chất quyết định cho việc phát triển đô thị bền vững: chống ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm môi trường…

Nhiều khu đất được quy hoạch xây dựng nhà đã lâu nhưng vẫn còn để trống. (Ảnh chụp tại quận 2). Ảnh: Đức Thành

Đất công cộng: Đâu cũng kêu thiếu!

Có nhiều nguyên nhân gây ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm môi trường, mà một trong số đó là do thiếu đất làm công viên, bãi đậu xe, làm đường, làm hồ điều tiết nước mưa… Chính vì vậy, người dân, các nhà khoa học và ngay cả nhiều cán bộ lãnh đạo của TP kỳ vọng lần làm lại quy hoạch này (năm 1998 TPHCM đã lập quy hoạch chi tiết ở một số khu vực) sẽ khắc phục được những bất cập trên.

Thế nhưng, báo cáo mới nhất của vài quận, huyện cho thấy hy vọng trên sẽ khó thành hiện thực vì… không có đất. Ngay như quận 9 - một quận mới của TP chỉ “cân đối” được khoảng 70ha đất dành làm bãi đậu xe trong khi nhu cầu đến 170ha. Huyện Nhà Bè cũng chỉ “cân đối” được khoảng 30ha đất trong khi theo kế hoạch phải có 110ha diện tích bãi đậu xe.

Điều đáng lo ngại, theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chuyện ở hai địa phương trên không phải hiện tượng cá biệt trong quá trình lập quy hoạch chi tiết 1/2000 trên địa bàn TPHCM. Hầu như quận, huyện nào cũng “đòi” giảm bớt diện tích đất dành cho các công trình công cộng. Đất cho công viên, đất làm bãi đậu xe, đất làm hồ điều tiết…, những loại đất góp phần trực tiếp giải quyết vấn nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường lại là những loại đất bị xin giảm nhiều nhất.

Hiện tượng này nhiều đến mức ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, phải làm một văn bản báo cáo UBND TPHCM về tình trạng nhiều diện tích đất dành cho các công trình giao thông đã bị không ít quận, huyện “đòi” chuyển đổi công năng thành các khu dân cư, các cao ốc văn phòng.

Trong khi đó, trên thực tế, các quận, huyện còn rất nhiều đất trống. Tại quận 9, phần lớn diện tích đất ở phường Phước Long B chỉ có… cỏ dại mọc. Ở huyện Nhà Bè, mặc dù KCN Hiệp Phước đã đi vào hoạt động, song hầu như chỉ có dân cư sinh sống tập trung dọc các trục đường Nguyễn Văn Tạo, trục đường Bắc - Nam…, phần lớn còn lại là đất hoang.

Tất nhiên, các quận, huyện cũng có cái khó. Đất trống, cỏ dại mọc nhưng đều là đất… dự án, đa phần đã được hợp pháp hóa. Theo các quy định của pháp luật, trong thời gian 2 - 3 năm nếu chủ đầu tư không triển khai dự án mà không có lý do chính đáng thì dự án sẽ bị thu hồi.

Nguyên tắc là thế, nhưng triển khai lại không dễ dàng vì đa phần dự án chậm đều có lý do… chính đáng(!). Một cán bộ của Phòng Quản lý đô thị quận 9 tâm sự: “Nhiều khi nhìn đất bỏ hoang, xót lắm nhưng cũng chẳng biết làm sao”.

Dân số: Quận, huyện nào cũng... xin thêm

Ngược lại với chỉ tiêu về đất công cộng, với chỉ tiêu về dân số, ông Hoàng Minh Trí cho biết, hầu như quận, huyện nào cũng xin thêm. Ít thì xin tăng thêm 20% - 30%, nhiều thì tăng thêm 100%, cá biệt có địa phương xin tăng thêm 200%. Các địa phương xin thêm nhiều nhất là quận 8, 9, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Nhà Bè…

Điều trớ trêu là khi Viện Quy hoạch TPHCM tham khảo số dân cư hiện có của các địa phương này thông qua cơ quan quản lý hộ tịch thì con số thực thấp hơn nhiều mức “xin tăng” của các địa phương. Viện Quy hoạch TPHCM có đặt vấn đề “tại sao?” đối với nhiều quận, huyện thì được trả lời “do cộng thêm số dân của các dự án địa ốc đang được triển khai trên địa bàn”.

Vì sao các dự án địa ốc lại có mức dân số như vậy? Nhiều quận, huyện không trả lời được, nhưng cũng có quận, huyện lý giải: “cho xây thêm nhiều nhà ở như vậy thì các chủ đầu tư mới có lãi, địa phương mới thu hút được các nhà đầu tư”. Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định đâu là mức có thể hấp dẫn các nhà đầu tư, không địa phương nào trả lời được.

Làm phép cộng ở đây không sai, ông Hoàng Minh Trí nhận xét, song để quyết định mức dân số không thể chỉ làm một phép tính đơn giản như thế. Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, đô thị phát triển đến mức nào với dân số bao nhiêu phải căn cứ chủ yếu vào điều kiện tự nhiên, xã hội và mối liên hệ với các địa phương khác của quận, huyện đó. Việc này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, không thể của các nhà đầu tư.

Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ lập quy hoạch trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã cương quyết: “Việc tăng dân số phải tương ứng với khả năng cung ứng của các công trình công cộng”. Tuy nhiên, làm sao thực hiện được yêu cầu này là bài toán khó cho các địa phương vì đất đai có hạn, các dự án địa ốc đa phần đều đã được cấp phép. “Chúng tôi đang bí rị” - nhiều cán bộ địa phương than thở như vậy.
Cafeland.vn - Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland