Đứng đầu cả nước về số khu công nghiệp (KCN) với hơn 600.000 lao động, Đồng Nai hiện chỉ mới đáp ứng được 7% nhu cầu nhà ở cho công nhân, số đông còn lại vẫn phải đi thuê nhà trọ.
Nhà ở công nhân Đồng Nai: đất chật, vốn hẻo!
Nhu cầu về nhà lưu trú cho công nhân đang là vấn đề bức xúc tại các tỉnh ngoại thành TP. HCM
Để đạt chỉ tiêu 50% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở đến năm 2015 theo Quyết định 66/2009/QĐ-TTg của Chính phủ, tỉnh Đồng Nai cần phải xây dựng thêm hàng triệu m2 nhà ở và 6.000 tỷ đồng là con số tạm tính để thực hiện chương trình nhà ở xã hội phục vụ đối tượng này.

Với đặc điểm của một thành phố công nghiệp, kết nối hạ tầng trong KCN Biên Hòa 1 và 2 dường như đồng bộ hơn so với khu vực hành chính và dân cư tại đây. Ước tính, mỗi năm, Đồng Nai thu hút từ 70 - 80.000 lao động vào các KCN và lượng lao động này tự tìm kiếm chỗ ở bằng cách thuê nhà trọ. Ngay sát cạnh KCN Biên Hòa luôn hiện diện những dãy phòng trọ lợp fibro xi măng có diện tích trung bình từ 12 - 25 m2 với giá cho thuê từ 0,7 - 1,2 triệu đồng/tháng.

Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, trong 61 dự án đăng ký xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thì mới có 17 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo ông Hoàng, các doanh nghiệp không mấy mặn mà với chương trình nhà ở công nhân, bởi việc đầu tư không thu được lãi. Nhiều doanh nghiệp chỉ đăng ký rồi để đấy, hoặc được giao nhưng làm một cách cầm chừng. Đồng Nai đã tính đến phương án xây mới nhà ở công nhân trong các KCN, đồng thời, nâng cấp, sửa chữa, đấu nối hạ tầng trong các khu vực nhà trọ mà tư nhân xây dựng, từng bước cải tạo nơi ở cho công nhân. Có làm như vậy, khả năng tiếp tục giải quyết chỗ ở cho 43% số công nhân còn lại theo chỉ tiêu mới khả thi.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, các dự án nhà ở công nhân tại Đồng Nai cũng vấp phải rất nhiều khó khăn: thiếu đất, thiếu vốn… Thực tế, quỹ đất tại TP. Biên Hòa hạn hẹp, còn đất trong các KCN mới được lấp đầy khoảng 60%. Trên cơ sở đó, Đồng Nai đề xuất phương án chấp thuận cho các doanh nghiệp trong KCN được sử dụng một phần đất dịch vụ, đất cho thuê nhưng chưa khai thác để xây dựng ký túc xá cho công nhân của doanh nghiệp đó và cả công nhân của các KCN khác. Phần đất này được xây dựng tách biệt với cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn thiết kế đảm bảo theo quy định kèm theo các cơ sở phục vụ như nơi sinh hoạt chung, nhà giữ trẻ, trạm y tế…

Trong khi đang chờ các chính sách về vốn, về thuế đối với nhà ở công nhân, Sở Xây dựng đã vận động một số doanh nghiệp có nhiều công nhân tại KCN Biên Hòa, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài để triển khai chương trình. Bước đầu, một số doanh nghiệp đồng ý chủ trương xây nhà ở cho công nhân của đơn vị mình. Để giảm chi phí, các doanh nghiệp sẽ sử dụng vật liệu xây dựng mới, công nghệ mới mà không nhất thiết phải dùng những vật liệu chỉ có trong đơn giá định mức xây dựng.

Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ phương án nhằm đẩy mạnh chương trình nhà ở xã hội, trong đó, có nhà ở cho công nhân. Thế nhưng, Chính phủ đã có Nghị định quy định cụ thể việc sử dụng đất trong các KCN và việc cấp đất xây nhà ở không có trong quy định. Chính vì vậy, dù Đồng Nai còn những khoảng đất trống trong các KCN chưa được khai thác, thì đề xuất này cũng phải chờ quyết định từ Chính phủ. Như vậy, chương trình nhà ở công nhân sẽ còn phải chờ đất
Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.