Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định : năm 2010 là một năm tích luỹ của ngành ngân hàng cho sự phát triển cẩn trọng nhưng có tầm nhìn xa hơn trong năm 2011.

Các điều chỉnh chính sách vĩ mô của Nhà nước nếu phù hợp và cẩn trọng sẽ hỗ trợ cho khu vực NH phát triển bền vững và hạn chế rủi ro tương ứng

Ngành Ngân hàng VN đã đi qua năm 2010 với các chỉ tiêu khá thận trọng. Tăng trưởng tiền tệ tín dụng năm 2010 rõ ràng nằm trong tầm kiểm soát thận trọng của NHNN, các chỉ số tăng trưởng tín dụng, huy động và tổng phương tiện thanh toán gần như sát kế hoạch đề ra, khoảng từ 20-25% so với năm 2009. Việc một số ngân hàng chưa hoàn thành việc tăng vốn đạt 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ tối thiểu vào thời điểm cuối năm 2010 dường như hoàn toàn nằm trong dự báo của nhiều người. Nhưng đó lại là điều kiện tốt về thời gian để các ngân hàng cải thiện về quản trị và chờ cơ hội giá cổ phiếu tốt hơn... Sự ổn định lại các chỉ tiêu năm 2010 sau một số năm tăng trưởng quá mạnh có thể là giai đoạn tích lũy cho năm 2011 tăng trưởng bền vững và kỳ vọng hơn của thời gian tiếp theo.

Hướng tới ổn định và cân đối

Diễn biến kinh tế cuối năm 2010 cho thấy, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có khá nhiều yếu tố không thực sự chắc chắn. Khu vực đồng tiền Euro (Euro zone) dường như chưa thoát ra khỏi vấn đề “nợ quốc gia” trong ngắn hạn. Kinh tế Mỹ cũng khó phục hồi mạnh mẽ mà vẫn cần chính sách nới lỏng như giữ lãi suất thấp và cần một chính sách nới lỏng định lượng... Kinh tế Châu Á cũng vẫn còn nhiều thách thức do nhu cầu bên ngoài suy giảm...

Các điều chỉnh chính sách vĩ mô của Nhà nước nếu phù hợp và cẩn trọng sẽ hỗ trợ cho khu vực ngân hàng phát triển bền vững và hạn chế rủi ro tương ứng. Các điều chỉnh trung hạn cho thấy, VN đang hướng tới sự ổn định, cân đối hơn. Điều này thể hiện trong định hướng kinh tế - xã hội năm 2011-2015, các chỉ tiêu kinh tế thiên về lấy ổn định là chính, một số chỉ tiêu liên quan đã giảm đáng kể: tăng trưởng kinh tế là 7-7.5%, vốn đầu tư toàn xã hội là 40% GDP, lạm phát 7%..., thâm hụt ngân sách nhà nước trung bình 5%. Các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2011 và những năm tiếp theo cho ta rất nhiều thông điệp về sự điều chỉnh hợp lý vĩ mô hỗ trợ cho khu vực ngân hàng.

Những chỉ tiêu kế hoạch trên cho thấy, khu vực tiền tệ ngân hàng đã được giảm tải đáng kể vào năm 2011 và những năm tiếp theo. Trong năm năm tới, tổng mức đầu tư toàn xã hội dần được điều chỉnh giảm xuống mức dưới 40% GDP; thâm hụt ngân sách nhà nước được kiềm chế ở mức dưới 5% GDP. Với giải pháp khơi thông các nguồn tiền trong dân (như vàng, ngoại tệ...) sẽ một mặt làm cầu về vốn trên thị trường tăng trong khi cầu về vốn trên thị trường (nhất là huy động trái phiếu của Chính phủ) mặt khác là cơ sở để cung cầu vốn tín dụng trên thị trường trở nên cân bằng hơn và sẽ có cơ sở kinh tế để ổn định lãi suất. Hơn thế nữa việc định hướng giảm đầu tư toàn xã hội xuống mức thấp hơn sẽ giảm áp lực nhu cầu tài trợ vốn từ nước ngoài và qua đó giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối và tạo điều kiện ổn định tỷ giá hối đoái...

Cần lưu ý thêm, theo lý thuyết việc điều chỉnh và đề ra mục tiêu phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn vốn trong nước (giảm mức vốn đầu tư phù hợp với tiết kiệm nội địa) cũng có thể làm giảm tình trạng nhập hụt kép của Việt Nam hiện nay (thâm hụt ngân sách và thâm hụt cao thương mại). Khu vực chứng khoán cũng đã và đang có cải thiện đáng kể, hỗ trợ cho khu vực ngân hàng năm 2011. Hiện các cơ quan chức năng đã và đang có nhiều biện pháp ngăn chặn và khắc phục tình trạng trên như cải tiến chế độ báo cáo, ngăn chặn tình trạng thao túng làm giá thị trường chứng khoán... Việc ổn định thị trường và sự phát triển bền vững nếu được thiết lập sẽ chắc chắn tạo điều kiện cho khu vực ngân hàng tăng trưởng ổn định và an toàn hơn.

Tầm nhìn xa hơn

Năm 2011 là năm Luật các TCTD sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2011. Qua đó một loạt chỉ tiêu hoạt động của các NHTM phải tuân thủ theo luật này và chắc chắn định hướng hoạt động của thị trường sẽ ổn định và cẩn trọng hơn. Việc một số NHTM đã hoàn thành tăng vốn và đạt mức vốn tối thiểu 3 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2010 chắc chắn còn phải củng cố quản trị, quản lý tương ứng trong thời gian tới, vì vốn chưa phải là tất cả. Đối với các NHTM chưa đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 3 ngàn tỷ sẽ có kế hoạch chuẩn mực và kiên quyết hơn để cán đích đúng hạn. Về tổng thể, việc cải thiện về vốn cùng những cải thiện quản trị thanh khoản, cải thiện về quản trị rủi ro nói chung (do rút kinh nghiệm từ thời gian qua cũng như bài học của riêng năm 2010 như tình trạng thiếu thanh khoản phải tăng lãi suất đột ngột, tình trạng bị tụt hạng tín nhiệm về khả năng thanh toán và sức mạnh tài chính... ) chắc chắn sẽ đưa đến kết quả là các ngân hàng VN có sự cải thiện tín nhiệm (nói chung) trong thời gian tới. Với sự kiểm soát chặt chẽ về lãi suất của NHNN, năm 2011 chắc chắn không có ngân hàng nào bị cuốn vào bất kỳ một cuộc đua lãi suất.

Triển vọng của khu vực ngân hàng năm 2011 còn có thể tăng trưởng đáng chú ý là dòng vốn chảy vào vừa phải nhưng có tính chất cẩn trọng hơn khi khả năng Chính phủ có thể nới dần “room” cho nhà đầu tư chiến lược vào khu vực ngân hàng và khu vực tài chính nói chung trong những năm tiếp theo (điều này cũng phù hợp với lộ trình cam kết WTO của VN). Việc một số ngân hàng không hoàn thành mức vốn điều lệ 3 ngàn tỷ đồng năm 2010 cũng dẫn đến nhu cầu về tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài (theo nguyên lý, khi giá chứng khoán thấp, là thời điểm hấp dẫn cho nghiệp vụ M&A của các ngân hàng nước ngoài). Việc cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia khu vực tài chính ngân hàng không chỉ có ý nghĩa về mặt tài chính (tăng vốn) mà còn có ý nghĩa về việc tăng cường quản trị và quản lý cũng như cải thiện về sản phảm dịch vụ, công nghệ ngân hàng...

Diễn biến năm 2010 và triển vọng trung hạn, cũng như những điều chỉnh chính sách hợp lý từ vĩ mô đến vi mô cho ta có thể kỳ vọng vừa phải và hợp lý vào khu vực ngân hàng năm 2011 theo hướng tích cực hơn mà không phải quá sốc. Cùng với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, khu vực tiền tệ sẽ ổn định hơn và chắc chắn không có sốc lãi suất, sốc tỷ giá... Tăng trưởng khu vực ngân hàng vừa phải trên các chỉ tiêu quan trọng (như tổng phương tiện thanh toán, tín dụng, huy động vốn và tăng trưởng tài sản của các NHTM...). Năm 2011, khu vực ngân hàng chắc chắn có cách tăng trưởng mới theo cách ổn định, tiến lên cẩn trọng trên cơ sở có tầm nhìn dài hơn. Xã hội thường kỳ vọng vào sự bùng nổ, nhưng lý thuyết và thực tế chỉ ra rằng sự chuẩn bị và sự cất cánh cẩn trọng, an toàn sẽ cho một ngành hay một nền kinh tế tiến lên bền vững hơn mà không tốn kém bởi các cú sốc, các đổ vỡ hay khủng hoảng. Người ta đang tin vào bước đi chắc chắn của ngành ngân hàng từ năm 2011.

Cafeland.vn - Theo Thạc sĩ Lê Văn Hinh (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland