CafeLand - Hiện nay, thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, mua bán nhà, cho thuê nhà, tặng cho nhà, thế chấp nhà, công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản,... đã được “hợp tác hóa” hơn. Nhiều Thông tư, Nghị định được ban hành nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chứng thực, làm thủ tục có liên đến bất động sản. Tuy nhiên, vẫn còn đại đa số người dân lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục này.

Thủ tục sang tên nhà đất tại Hà Nội:

Theo bản quy định ban hành kèm theo Quyết định số 158/2002/QĐ-UB ngày 25/11/2002 của UBND thành phố Hà Nội thì một trong các điều kiện để chuyển quyền sử dụng đất là bên được chuyển nhượng phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Thủ tục được tiến hành như sau:

1. Hồ sơ được lập gồm: Đơn đề nghị chuyển quyền sử dụng đất (theo mẫu), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (theo mẫu).

2. Hồ sơ ban đầu nộp tại phòng công chứng thành phố hoặc UBND quận, huyện nơi có đất chuyển nhượng. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nêu trên phải hoàn tất thủ tục công chứng, chứng thực.

3. Bên chuyển quyền và bên nhận quyền đến cơ quan thuế nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất theo quy định. Cơ quan thuế căn cứ vào hồ sơ đã được công chứng, xác định các khoản thuế, lệ phí trong thời hạn 3 ngày và tổ chức thu theo quy định.

4. Bên nhận quyền sở hữu đất nộp toàn bộ hồ sơ, chứng từ đã được thực hiện theo các bước nói trên tại sở địa chính nhà đất (nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban đầu do UBND thành phố cấp), hoặc tại UBND quận, huyện (nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND quận, huyện cấp) để làm thủ tục đăng ký trước bạ, sang tên vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất

Để sở hữu căn nhà hợp lệ người mua cần hoàn thành các thủ tục hồ sơ, pháp lý như:

Hợp đồng mua bán có chứng nhận của công chứng Nhà nước, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở. Trong đó bao gồm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nhận nhà ở…

Và cuối cùng là bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất, bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).

Đối với trường hợp người mua nhà là Việt kiều thì phải kèm theo giấy tờ như: Bản sao hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam.

Thủ tục trình tự mua bán nhà ở:

Theo quy định tại điều 91, điều 93 và điều 94 Luật Nhà ở, nhà ở phải có các điều kiện sau đây mới được đưa vào các giao dịch về mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở: Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật, không có tranh chấp về quyền sở hữu, không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Khi bán nhà, các bên trực tiếp hoặc thông qua người đại diện thỏa thuận về mua bán nhà ở. Hợp đồng mua bán nhà ở phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau: tên và địa chỉ của các bên, mô tả đặc điểm của nhà ở, giá và phương thức thanh toán nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về giá, thời gian giao nhận nhà ở; quyền và nghĩa vụ của các bên; cam kết của các bên; các thỏa thuận khác, ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng; chữ ký của các bên.

Giá mua bán nhà ở do các bên thỏa thuận. Trường hợp pháp luật có quy định về khung giá mua bán nhà ở thì không được vượt quá khung giá đó.

Hợp đồng mua bán nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của UBND xã đối với nhà ở tại nông thôn. Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho bên mua tính từ ngày hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực.

Ngoài ra, một trong các bên theo thỏa thuận thực hiện nộp thuế và lệ phí theo quy định của pháp luật. Bên mua có trách nhiệm nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng.

Theo đó, trình tự thủ tục được tiến hành như sau:

• Bước 1: Các bên mua bán đến lập hợp đồng mua bán tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và giấy tờ tùy thân. Hợp đồng có thể được soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.

• Bước 2: Một trong hai bên nộp hồ sơ mua bán tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức). Trường hợp bán một phần nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thì phải kèm theo bản vẽ sơ đồ diện tích nhà ở, đất ở có thẩm tra của của cơ quan quản lý nhà ở nếu tại đô thị, có xác nhận của UBND cấp xã nếu tại nông thôn.

• Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có).

• Bước 4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

• Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

Theo quy định của pháp luật, các tỉnh, thành phố sẽ có quy định cụ thể trình tự chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng địa phương.

Thu Thảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland