23/02/2011 2:12 PM
TP.Hồ Chí Minh là một trong những thành phố phát triển năng động nhất Châu Á, tốc độ đô thị hóa cũng thuộc hàng đứng đầu. Tuy vậy sự phát triển của thành phố đang đối mặt với rất nhiều thách thức nhất là trong vấn đề quy hoạch.

Nông dân sẽ làm gì sau khi không còn đất sản xuất do đô thị hóa?
Tại hội thảo Các thành phố châu Á trong tiến trình toàn cầu hóa do Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Meijo Nhật Bản tổ chức ngày 22-2-2011, những thách thức, các “căn bệnh chung” trong quá trình phát triển của các thành phố lớn các nước châu Á cũng đã được phác họa sơ nét. Nổi cộm là những yếu tố tác động đến tính bền vững trong quá trình đô thị hóa ở các đô thị. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa của TP.HCM phát triển chóng mặt, trung bình mỗi năm diện tích đất đô thị hóa tăng 1.000ha. Nếu tính từ năm 1997 đến nay thì diện tích đất đô thị hóa đã tăng hơn diện tích đất đô thị của vùng đất Sài Gòn- Gia Định 300 năm. Thế nhưng đây chỉ là sự phát triển theo chiều rộng, đất đai nhiều nơi chưa sử dụng hiệu quả, bị chiếm dụng. Số dự án dân cư thực sự đầu tư chỉ chiếm khoảng 25% tổng dự án đăng ký, nhiều dự án treo, nhiều dự án nhà ở có hệ số sử dụng đất thấp... Bên cạnh việc đô thị phát triển theo hướng lan tỏa chưa được tổ chức tốt thì nông thôn TP.HCM ra sao lại cũng chưa rõ ràng. Mặt khác trong quy hoạch phát triển thành phố, sự kết hợp quy hoạch chung cấp thành phố, quy hoạch quận, huyện với quy hoạch các ngành nhất là ngành giao thông vẫn chưa được hài hòa.
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng với các hệ quả được nhìn nhận khá rõ, TP.HCM được xác định là một trong những đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng phương án tái bố trí dân cư, di dời dân cư từ vùng thấp lên vùng cao chưa tính đến. Kết quả chung trong nhiều kịch bản là một phần lớn diện tích ở huyện Cần Giờ và Nhà Bè sẽ bị tác động nhưng chiến lược giảm thiểu và thích nghi với hệ quả nước biển dâng chưa được tính toán trong các đồ án phát triển đô thị. “Quy hoạch của thành phố là quy hoạch của 24 quận, huyện ráp lại, yếu tố bất ổn là ở chỗ này”, ông Nguyễn Trọng Hòa- Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phân tích. Việc phân cấp cho quận, huyện trong nhiều lĩnh vực giúp các quận huyện chủ động hơn nhưng cũng dẫn đến hệ lụy là quận, huyện tập trung cho quyền lợi của địa phương dẫn đến phá vỡ những lợi ích chung của thành phố. Quy hoạch đô thị vì vậy còn lúng túng giữa các phương án quy hoạch của các cấp khác nhau, cụ thể như các quận huyện đều mong muốn có các dự án đầu tư về nhà ở trên địa bàn mà không tính đến khả năng thực hiện. “Theo quy hoạch đã được phê duyệt khu vực Nhà Bè, quận 7 sẽ phát triển rất mạnh, đất ở đây đều đã có chủ và được mua bán chuyển nhượng sôi động nhưng vấn đề đặt ra là liệu khu vực này có phát triển được không và tương lai đô thị này sẽ như thế nào khi đây là vùng đất thấp, đất yếu?”.
Cafeland.vn - Theo Đại Đoàn Kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland