24/02/2011 8:27 AM
Thắt chặt chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, lạm phát sẽ giảm sau 1 - 2 quý nữa trong bối cảnh tính ỳ, do "quán tính" của kỳ vọng.
alt

TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định như vậy trong buổi trao đổi về tác động của việc điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD vừa qua.

Ông cho rằng, cần phải thực thi chính sách một cách nhất quán và nhẫn nại và việc vừa mới thực thi trong thời gian ngắn đã vội đánh giá chính sách này kém, chính sách kia không hiệu quả là không nên.

TS. Võ Trí Thành nêu rõ, việc điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD vừa qua sẽ khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập khẩu, nhất là ở các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu. Tuy nhiên tác động này có thể có độ trễ nhất định. Trong kinh tế học người ta gọi đó là đường "J - curve" (đường cong hình chữ J). Theo lý thuyết về đường cong này, khi tỷ giá giữa đồng nội tệ so với ngoại tệ được điều chỉnh tăng thì không phải ngay lập tức kim ngạch nhập khẩu giảm. Phải sau một thời gian nhất định thâm hụt thương mại mới được cải thiện theo hình chữ J.

Tuy nhiên, mức độ tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến xuất nhập khẩu thế nào thì một mặt còn phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu trong nước cũng như cơ cấu kinh tế nước ta; mặt khác còn phụ thuộc vào độ trễ như đã nói ở trên nữa. Nhiều ý kiến cho rằng, tác động sẽ không quá lớn, nhất là trong bối cảnh vừa qua, do lạm phát cao nên USD phần nào đã "lên giá thực" so với VND một chút rồi.

TS. Võ Trí Thành: Về nguyên tắc thì việc phá giá đồng tiền thường dẫn tới xu hướng làm tăng giá cả hàng hóa trong nước. Một số nghiên cứu gần đây cho rằng, cứ tăng tỷ giá danh nghĩa 1% sẽ làm tăng lạm phát khoảng 0,1%. Đây cũng là mức thường thấy ở nhiều nước. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này là chưa tính toán đầy đủ các tác động về mặt tâm lý cũng như vòng xoáy vàng, USD ở Việt Nam mà trong thời gian vừa qua chúng ta thấy rất rõ.

Áp lực của lần điều chỉnh tỷ giá VND/USD vừa qua lên lạm phát không lớn do trước thời điểm điều chỉnh, tỷ giá VND/USD giao dịch trên thị trường đã ở mức trên 21.000 đồng/USD. Mặc dù vậy, cần lưu ý là tác động lớn đến đâu còn phụ thuộc vào kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư vào tương lai sắp tới. Nếu người ta cho rằng lạm phát vẫn cao trong khi thâm hụt thương mại vẫn lớn thì không có lý do gì để khẳng định chắc chắn rằng đồng Việt Nam lại không thể tiếp tục mất giá vì lạm phát của Việt Nam hiện đang quá cao so với các đối tác thương mại của chúng ta, đặc biệt là quá cao so với Mỹ là nước có đồng tiền mà VND đang "gắn" vào.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, để giảm lạm phát một cách quyết liệt thì cần phải thực hiện một số giải pháp lớn. Thứ nhất là nên phát đi thông điệp nhất quán về ổn định kinh tế vĩ mô và phải kiên trì hơn nữa. Năm 2010 đã có bài học là khi tình hình vừa ổn định thì chính sách nghiêng về "nới lỏng". Động thái ấy cùng với "cú sốc" từ bên ngoài tác động vào đã khiến bất ổn quay trở lại.

Thứ hai là nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Nếu không lại có thể rơi vào vòng xoáy phá giá - đôla hóa - mất giá - lạm phát như đã từng diễn ra trước đây. Năm 1989, chúng ta cũng đã từng điều chỉnh tỷ giá mạnh, đồng thời đưa lãi suất lên rất cao. Tất nhiên, tình hình khi đó khác nhưng rõ ràng thắt chặt tiền tệ vẫn là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện điều này thì bên cạnh việc duy trì lãi suất tương đối cao cần giảm tổng cung tiền tệ. Thực ra ở các nước mà chính sách tiền tệ có hiệu lực tương đối tốt thì chỉ bằng thay đổi lãi suất đã có thể phản ánh khá sát thay đổi cung tiền tệ rồi. Tuy nhiên, do ở Việt Nam mối quan hệ giữa lãi suất và cung tiền nhiều khi chưa chặt chẽ lắm nên câu chuyện về cung tiền cần được đặc biệt lưu ý bên cạnh vấn đề lãi suất.

Và thứ ba là củng cố chính sách tài khóa, thắt chặt chi tiêu, giảm thâm hụt ngân sách. Vấn đề này cần được thực hiện mạnh mẽ. Làm sao để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nhìn thấy sự ổn định vĩ mô đã dần trở lại, lạm phát giảm xuống. Nhìn về trung - dài hạn, thì dần phải đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm xuống; cũng như phải giảm thâm hụt ngân sách xuống mức chỉ 3-3,5% GDP.

Theo TS. Võ Trí Thành, một số nghiên cứu định lượng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát xung quanh mức 7%-8% thì tín dụng phải kéo xuống dưới 20%. Tất nhiên các nghiên cứu này chưa tính hết đến những biến động khác có thể diễn ra.

Mức "thắt lại" như thế so với năm 2010 là khá đáng kể. Câu hỏi đặt ra là mức này liệu đã đủ để kiềm chế lạm phát chưa, đủ để tạo dựng lại niềm tin của thị trường thì cần phải có thời gian để kiểm chứng. Bởi vậy, tôi cho rằng, mức tăng cung tiền tệ phải giảm đáng kể so với năm ngoái nhưng không nên cứng nhắc ấn định một con số cụ thể là 18%, 19% hay 20% mà có thể dao động trong những ngưỡng ấy. Ngoài ra, cần điều hành để luồng tiền có thể dịch chuyển tốt hơn vào sản xuất kinh doanh…

tag: CafeLand, lam phat se giam
Cafeland.vn - Theo Tầm nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland