16/12/2010 8:27 AM
Hà Nội chuẩn bị xây dựng tuyến đường trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy về Ngã Tư Sở. Đây không phải là đề xuất mới, bởi chủ trương làm một số tuyến đường trên cao đã được Hà Nội tính đến. Có điều, làm ở đâu, làm ra sao cho hợp lý thì cần cân nhắc kỹ, nếu không mục đích giảm ùn tắc giao thông không những không giảm mà còn tăng thêm áp lực giao thông tại những nơi này.
Những con đường cao phá nát cảnh quan đô thị!

Theo Sở Giao thông Vận tải, hầu hết các tuyến đường của Hà Nội đang trong tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông đã trở nên quá phổ biến và thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân mỗi khi ra đường. Việc ùn tắc giao thông liên tục, nghiêm trọng không chỉ làm mệt mỏi người tham gia giao thông còn khiến ngành chức năng “hụt hơi” nghĩ kế tìm giải pháp khắc phục giao thông ở Hà Nội. Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất được tính đến là xây dựng thêm một loạt các tuyến đường trên cao ở Hà Nội.


Một nút giao cắt lập thể cho các tuyến đường chính trong nội đô Băng Cốc Thái Lan, phải dùng rất nhiều diện tích mới có thể tạo lập được các nút này.

Theo đó, những tuyến đường trên cao được đề xuất xây dựng là đường trên đê Hữu Hồng từ Lạc Long Quân đến Yên Phụ - tuyến 1, tạo thêm 2 làn đường; đường vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy - tuyến 2, đảm bảo 4 làn xe chạy; đường vành đai 3, đoạn từ Nội Bài - Thăng Long - Mai Dịch - Linh Đàm - Pháp Vân là tuyến 3.

Hay trục ga Hà Nội - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Kim Giang - đường 70 là tuyến 4, đề xuất xây đường trên cao 4 làn xe; trục đường Trần Duy Hưng - Liễu Giai - Hồ Tây là tuyến 5, đề xuất xây dựng từ đường vành đai 1-3, quy mô 4 làn xe; trục Giảng Võ - Láng Hạ - Thanh Xuân là tuyến 6, vành đai 3.

Mới đây nhất, tuyến đường số 2, từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy đã có chủ nhận được thực hiện. Đề xuất của Tập đoàn Vincom đang được ngành chức năng xem xét. Nhưng, xây thế nào cho hợp lý thì cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Khôi, việc xây dựng đường trên cao ở Hà Nội rất cần thiết để tạo bước đột phá giải quyết ùn tắc giao thông, đặc biệt là trục Đông - Tây của Thủ đô, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt mà còn hướng tới lâu dài.

Khu dân cư thành những phố gầm cầu

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta ồ ạt triển khai xây dựng các loạt đường trên cao. Không chỉ thành những phố gầm cầu, nếu không cân nhắc cụ thể trước khi xây dựng những tuyến đường này còn làm biến dạng tập quán sinh sống và tâm lý của người dân.

Bởi, mục đích chính của đường trên cao cho xe cơ giới nói chung hoặc các phương tiện khác là để tạo ra một luồng giao thông xuyên suốt liên tục mà không làm ảnh hưởng đến giao thông của khu vực mà nó đi qua.

Gần đây ở một số thành phố của các nước đang phát triển trong khu vực như Băng Cốc, Thượng Hải, Quảng Châu ... sự bùng phát về đô thị dẫn đến nhu cầu dịch chuyển một lượng người và phương tiện lớn từ khu vực nọ tới khu vực kia với khoảng cách tương đối xa trên 10km.

Để giải quyết vấn đề này chính quyền đô thị địa phương đã phải áp dụng giải pháp xây dựng các tuyến đường trên cao có thể là đường vành đai hay đường xuyên tâm trên nền tảng hệ thống giao thông mặt đất vẫn đảm bảo sự liên hệ mật thiết đến các hạng mục hai bên đường và lân cận và chấp nhận sự kém mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tầm nhìn giao thông dưới đất.


Một số tuyến đường trên cao ở Quảng Châu Trung Quốc, khi hệ thống giao thông mặt đất đảm bảo sự liên hệ mật thiết với các không gian xung quanh.

Liên hệ với đề xuất của tập đoàn Vincom xin lập dự án và đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy về Ngã Tư Sở, xét về mục đích để tháo gỡ ách tắc giao thông trên tuyến vành đai 2 của thủ đô Hà Nội thật đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, tìm hiểu sâu về thực trạng này phát hiện một số vấn đề như sau:

- Tuyến đường vành đai 2 là tuyến phố nội đô ngoài việc tạo ra luồng dịch chuyển tới các vị trí tập trung dân cư, nó còn là diện tiếp cận đi lại mua sắm giao dịch với các công trình hai bên đường và đóng vai trò là diện mạo cho tuyến phố nội đô.

- Mặt cắt đoạn đường này hiện nay quá nhỏ chỉ khoảng 15-20m. Do đó bất cập chính là ùn tắc ở các nút giao cắt trọng điểm như Mai Động, chợ Mơ, Bảo tàng không quân, đường vào Kho gạo cũ và nghẽn mạch toàn tuyến vào giờ cao điểm.

- Vấn đề chính là chúng ta cần sớm mở rộng mặt cắt đường như quy hoạch đồng thời tạo lập các nút giao cắt khác cốt tại các nút trọng yếu đã nêu. Đồng bộ với việc này là công cuộc chỉnh trang diện mạo tuyến phố nếu phù hợp và tái thiết theo từng ô phố nếu cần thiết. Việc này sẽ phải đền bù và giải phóng mặt bằng tương đối lớn, nhưng là việc bắt buộc phải làm.

- Nếu chỉ đầu tư tuyến đường trên cao mà không mở rộng lộ giới dưới đất chỉ tránh phải đền bù giải phóng mặt bằng và giải quyếtkết nối từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Như vậy bài toán ách tắc phía dưới như phân tích ở trên không được giải quyết chỉ lãng phí vào việc đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao ít được sử dụng mà lại gây ảnh hưởng xấu cho mỹ quan đô thị.

Việc đề xuất tuyến đường trên cao này cần phải được đưa ra giới chuyên môn và công chúng phân tích và đánh giá một cách khách quan ý nghĩa và hiệu quả thực tế trên cơ sở quy hoạch chung tổng thể mở rộng Thủ đô Hà Nội sắp được Thủ tướng chính phủ thông qua để có một giải pháp tối ưu, khả thi, mỹ quan và bền vững cho giao thông nội đô.
Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland