Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và chính quyền TPHCM bắt đầu hâm nóng chương trình di dời các trường đại học ra ngoại thành. Thế nhưng, như lãnh đạo của Bộ GD-ĐT thừa nhận, đây là bài toán cực khó, cần có quyết tâm cao từ Chính phủ.

Trường đại học đang “chết ngộp”

Báo cáo khảo sát thực trạng quy mô đất đai, quy hoạch xây dựng các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TPHCM của Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (Bộ GD-ĐT) vừa công bố cho thấy: tổng quỹ đất của từng trường rất nhỏ (hầu hết dưới 10 héc ta), bình quân diện tích (mét vuông/sinh viên) quá thấp so với Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 3981:1985, thiếu các khu chức năng cơ bản, khu học tập có mật độ xây dựng quá cao...

Ông Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện thiết kế trường học, cho rằng những năm gần đây quy mô đào tạo của các trường đại học tăng rất nhanh nhưng quỹ đất và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo không tăng, thậm chí còn giảm do bị lấn chiếm - sử dụng sai mục đích. Theo số liệu thống kê từ 32/40 trường đại học tại TPHCM, bình quân diện tích đất/1 sinh viên chỉ khoảng 12 mét vuông (chưa được một nửa tiêu chí đất đai để thành lập trường theo Quyết định 07/2009 của Chính phủ).

Thậm chí, trong số 32 trường đại học nói trên có đến 15 trường trong nội thành chỉ có diện tích đất/1 sinh viên từ 0,44-5,46 mét vuông. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận, không gian của nhiều trường đại học trong nội thành đã trở nên quá ngột ngạt. Các trường lại nằm xen lẫn trong các khu dân cư nên rất khó khăn và tốn kém nếu muốn mở rộng đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất. “Đây cũng là lý do dẫn đến môi trường sư phạm ngày một xuống cấp nghiêm trọng”, ông Ga nói.

Thực tế trong buổi làm việc của Bộ GD-ĐT với các trường đại học tại TPHCM mới đây, hiệu trưởng nhiều trường đại học cho biết trường họ đã phải thuê mặt bằng nhiều nơi trong nội thành để giảng dạy. Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM, cho rằng nếu không sớm mở rộng diện tích bằng cách dời ra ngoại thành thì các trường đại học sẽ không còn khả năng tăng số lượng sinh viên đào tạo hàng năm, cũng như không thể tiếp tục phát triển.

Nhiều trường đại học đã “chạy” ra ngoại thành, thậm chí về Bình Dương, Long An để tìm quỹ đất nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến, cho biết năm 2007 trường được giao lô đất 5,69 héc ta ở Bình Chánh nhưng đến nay giải tỏa đền bù vẫn chưa xong. Đại học Luật TPHCM cũng vậy, loay hoay với 40 héc ta đất ở quận 9 nhiều năm nay vẫn chưa có quy hoạch. Ông Ngô Hướng, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng, than rằng: “Chúng tôi có 300 tỉ đồng và 10 héc ta đất ở Thủ Đức nhưng làm thủ tục xây dựng cực khó”.

Chủ trương của thành phố và tiêu chí của bộ

Theo bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, các trường đại học “tự bơi” tìm quỹ đất nên gặp khó khăn vì địa điểm mà các trường chọn chưa chắc đã phù hợp với quy hoạch của thành phố. Thực tế, TPHCM đang có định hướng đầu tư phát triển các khu đại học tập trung. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng ba khu đại học tập trung: (i) khu tây bắc rộng 660 héc ta nằm trên địa bàn Hốc Môn và Củ Chi; (ii) khu nam rộng 735 héc ta nằm trên địa bàn quận 7, huyện Bình Chánh và Nhà Bè; (iii) khu đông bắc rộng 815 héc ta nằm trên địa bàn quận 9, Thủ Đức và huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương.

Chủ trương của TPHCM là sẽ thực hiện việc di dời một số trường đại học, cao đẳng trong nội thành ra các khu đại học tập trung. Nói chung, đa số các trường đều ủng hộ chủ trương này. Thế nhưng cần phải xác định rõ tiêu chí nào để quyết định trường này phải di dời, trường kia không di dời cũng như các chính sách hỗ trợ di dời, nhất là chuyện đất đai và vốn liếng.

Theo Bộ GD-ĐT, có ba tiêu chí để xác định việc di dời là đất đai, ngành nghề đào tạo và thời điểm thành lập. Từng tiêu chí được lượng hóa bằng cách cho điểm theo thang điểm 100. Nguyên tắc cho điểm là các điều kiện nào tốt, đầy đủ, ổn định thì nhận ít điểm. Cụ thể về đất đai, trường nào xin bổ sung từ 1-5 héc ta nhận tối đa 5 điểm, 6-10 héc ta tối đa 10 điểm, 11-15 héc ta tối đa 15 điểm, từ 16 héc ta trở lên tối đa 20 điểm...

Về ngành nghề đào tạo thì các trường đào tạo ngành âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, y khoa, ngành đặc thù nhận 0 điểm; trường đào tạo ngành ít chịu ảnh hưởng bởi điều kiện diện tích và cơ sở vật chất lần lượt nhận 3 và 7 điểm; trường cần yêu cầu cơ sở vật chất nhận 10 điểm. Về năm thành lập thì trường thành lập từ 0-3 năm nhận 10 điểm, 4-7 năm 8 điểm, 8-12 năm 6 điểm, 13-20 năm 4 điểm, từ 21-30 năm 2 điểm, 31 năm trở lên 0 điểm. Theo đó, trường thuộc diện không phải di dời khi tổng số điểm đạt từ 0-15; trường buộc phải di dời một phần khi tổng số điểm đạt từ 16-30; và trường phải di dời toàn bộ khi tổng số điểm từ 31-40. Tất nhiên, theo ông Bùi Văn Ga, mục đích của việc di dời các trường đại học ra ngoại thành là để đảm bảo điều kiện cho các trường phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.

Phương án nào khả thi?

Theo tính toán của các cơ quan chức năng TPHCM cũng như Bộ GD-ĐT, để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng

Theo số liệu thống kê từ 32/40 trường đại học tại TPHCM, bình quân diện tích đất/1 sinh viên chỉ khoảng 12 mét vuông (chưa được một nửa tiêu chí đất đai để thành lập trường theo Quyết định 07/2009 của Chính phủ).

cho ba khu đại học tập trung và cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường tại đây đạt mức trung bình so với các nước trong khu vực và thế giới thì cần số vốn đầu tư khoảng 120.000 tỉ đồng (6 tỉ đô la Mỹ). Đây là nguồn đầu tư lớn cần có cơ chế chính sách cùng quyết tâm cao của Chính phủ, chứ nếu để cho các bộ, địa phương và các trường tự xoay xở thì sẽ không có lối ra, theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Ga, việc di dời các trường đại học sẽ quyết định sự phát triển của nền giáo dục đại học của đất nước. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã đề xuất một số phương án về nguồn vốn đầu tư như sau:

(i) Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch không gian và cơ cấu chức năng của khu đại học và các dự án công trình dùng chung (thư viện, phòng thí nghiệm, ký túc xá...). Sau đó cho thuê đất (đối với trường tư) hoặc giao đất (đối với trường công) để các trường tự xây dựng các công trình học tập và nghiên cứu khoa học phù hợp theo yêu cầu. Cho phép các trường công được hoán đổi cơ sở vật chất và mặt bằng trong nội thành để có vốn đầu tư cơ sở mới và hoàn trả vốn ngân sách đầu tư hạ tầng.

(ii) Lựa chọn một số nhà đầu tư có năng lực để chỉ định đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư) cho khu đại học tập trung. Sau đó căn cứ nhu cầu sử dụng đất của từng trường sẽ thuê đất (trường tư) hoặc giao đất (trường công) từ đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng (như hình thức đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp). Khi thuê đất hoặc nhận giao lại đất các trường phải trả chi phí cho nhà đầu tư hạ tầng.

(iii) Thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao: nhà đầu tư sẽ ứng vốn để xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ cơ sở vật chất ở khu đại học tập trung theo quy hoạch và yêu cầu của từng trường. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư được mua chỉ định mặt bằng cũ của các trường theo giá thỏa thuận để khai thác thu hồi vốn.

Theo bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, TPHCM đang lựa chọn các đơn vị có năng lực đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng cho các khu đại học. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là các trường muốn di dời nhưng không muốn thanh lý cơ sở cũ để tạo vốn. Đại diện nhiều trường đại học cho rằng họ cần có cơ sở ở nội thành để phục vụ cho việc hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên theo một quan chức của Bộ GD-ĐT thì tới đây, để đẩy nhanh việc xây dựng các khu đại học và di dời các trường, một Ban công tác liên ngành (do một phó thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban với thành phần gồm Bộ GD-ĐT, bộ chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND TPHCM và chính quyền các địa phương quận, huyện có khu đại học tập trung) sẽ được thành lập.

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland