Từ nay đến năm 2015, TPHCM sẽ tập trung đẩy mạnh các dự án hạ tầng để giảm ùn tắc giao thông ở 4 cửa ngõ chính, các cửa ngõ phụ và 2 trục xuyên tâm

Tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM sáng 7-1, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng cho biết mục tiêu chính từ năm 2011 – 2015 của ngành giao thông là khai thông 4 cửa ngõ của TP và hoàn tất tuyến đường Vành đai 2. Ông Phượng cũng lạc quan cho rằng tình hình giao thông trên địa bàn TP trong năm 2011 sẽ sáng sủa hơn.


Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được thúc đẩy hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015. Ảnh: TẤN THẠNH

Hàng hóa sẽ “chạy”về cảng Cái Mép

Một trong những vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm là tình trạng thiếu đường vào cảng ở TPHCM. Theo cảnh báo của ông Phượng, nếu TPHCM không đầu tư đường vào cảng một cách bài bản thì 50% sản lượng hàng hóa sẽ “chạy” về cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) vào năm 2015 và sẽ tăng lên 70% vào năm 2020. Hiện nay, tuyến đường chính vào cảng Cát Lái là Liên Tỉnh lộ 25B (quận 2) vẫn rất nhỏ hẹp, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và thường xuyên ùn tắc giao thông. Mặc dù đã có dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường này từ mấy năm nay nhưng đến nay, nhà thầu chỉ xây thêm được cầu Giồng Ông Tố rồi... nằm chờ vì không có mặt bằng để thi công mở rộng đường.

Tệ hơn, cảng Phú Hữu (quận 9) và cảng Sài Gòn nằm trong KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) đến nay vẫn “tắc” đường vào. “Phía cảng Sài Gòn kêu rằng không có tiền để đầu tư hạ tầng nên đến giờ họ phải vận chuyển hàng hóa bằng tàu, phí vận chuyển tăng cao thì nguy cơ chủ hàng chuyển qua cảng Cái Mép là rất lớn”- ông Phượng nhận định.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết cảng Sài Gòn phải bỏ ra gần 500 tỉ đồng để đầu tư toàn bộ đường và 2 cây cầu dẫn vào KCN Hiệp Phước nhưng họ đang kêu không có tiền. Vì vậy, TP đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính ứng trước tiền đấu giá khu đất cảng Sài Gòn sau này để họ lấy tiền đầu tư đường vào. Đến nay, Bộ Tài chính chưa có phản hồi về việc này. Riêng cảng Bến Nghé đồng ý bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng giao thông với điều kiện phải có ai đứng ra giải phóng mặt bằng.

Nhiều dự án ì ạch

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, so sánh: “Tôi đi tới các tỉnh, mỗi khi sắp vào trung tâm TP thì biết ngay vì đường sá rộng thênh thang, sạch đẹp. Còn cửa ngõ của TPHCM lúc nào cũng kẹt xe và đầy khói bụi, đi lại khổ sở vô cùng”. Trước tình trạng đó, ông Phượng cho biết trong giai đoạn 2011 – 2015 sẽ nỗ lực giảm ùn tắc giao thông ở 4 cửa ngõ chính TP. Mỗi ngày, xa lộ Hà Nội phải “cõng” 60.000 – 70.000 lượt xe, vượt quá khả năng cho phép của tuyến đường này.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP đang làm chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và cũng đang vấp phải “chướng ngại vật” giải phóng mặt bằng. Tương tự, việc mở rộng Quốc lộ 13 để kết nối TPHCM với Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên cũng đang ì ạch vì số tiền dành cho giải phóng mặt bằng của dự án cầu đường Bình Triệu 2 lên đến 5.000 tỉ đồng. Dự án mở rộng Quốc lộ 22 cũng “bất khả thi” nên TP chuyển sang đầu tư tuyến đường song hành Quốc lộ 22 đi Tây Ninh. Chỉ có cửa ngõ Tây Nam TP đã được Bộ GTVT đầu tư... giùm bằng dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương. Ông Phượng cho biết khoảng nửa tháng nữa đường cao tốc này sẽ nối với đường Nguyễn Văn Linh và cũng chuẩn bị nối với đại lộ Đông Tây.

Ông Phượng cũng cho biết sẽ thúc đẩy các dự án “cửa ngõ phụ” để chia lửa bớt cho các cửa ngõ chính. Đó là dự án đường song hành Hà Huy Giáp nối với cầu Phú Long qua tỉnh Bình Dương, kết nối với tỉnh Long An bằng Tỉnh lộ 10, kết nối với Gò Công (tỉnh Tiền Giang) – Long An bằng Quốc lộ 50. Cả ba dự án trên đang bị thiếu vốn đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng hoặc đang xúc tiến thủ tục đầu tư.

Theo ông Phượng, tháng 9-2011, dự án đại lộ Đông Tây chính thức đưa vào hoạt động, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn và đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đây là điểm sáng để ông Phượng cho rằng tình hình giao thông năm 2011 sáng sủa hơn năm 2010, cùng với việc tháo dỡ khá nhiều “lô cốt” trên đường. Trên trục Bắc – Nam, việc mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám quá khó nên Sở GTVT đã “lái” qua việc mở rộng đường ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Dự án này đang tiến triển tốt, dự kiến đến Tết Tân Mão sẽ hoàn thành đoạn từ bờ Nam đến cầu Lê Văn Sỹ.

Khép kín đường Vành đai 2

Cùng với việc khai thông các cửa ngõ chính của TP, ông Phượng cho biết Sở GTVT sẽ nỗ lực khép kín đường Vành đai 2, quan trọng nhất là đoạn từ An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh và đoạn từ cầu Rạch Chiếc mới đến ngã tư Bình Thái, đầu tư các nút giao Hàng Xanh, Thủ Đức, Cây Gõ, đồng thời hoàn tất 25 nút giao trên đường Nguyễn Văn Linh và Quốc lộ 1A. Ông Phượng cũng cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bỏ đường Vành đai 1 do không thể giải phóng mặt bằng.


Cafeland.vn - Theo Ánh Nguyệt (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland