Thực trạng các cây cầu đầu tư hàng ngàn tỷ đồng như cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ làm xong phải chờ đường, nay tiếp tục đến lượt đường làm xong phải chờ hầm. Thiệt hại cho xã hội khi hầm vượt sông Sài Gòn còn tắc nghẽn thêm gần nửa năm trời là con số không nhỏ.

Sau 6 năm khởi công, công trình hầm ngầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, hạng mục quan trọng nhất của Dự án đại lộ Đông Tây tại TP HCM; công trình hầm đường bộ vượt sông đầu tiên của cả nước và được xếp vào diện lớn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay lại một lần nữa bị lỗi hẹn thời gian về đích trước sự mong đợi của hàng triệu người dân thành phố. Bởi theo công bố mới nhất từ Ban quản lý dự án Xây dựng hạ tầng giao thông đô thị TP HCM, phải đến tháng 11 năm nay, hầm Thủ Thiêm mới có thể đưa vào khai thác.

Trong hầu như cả tuyến đại lộ Đông Tây đã được hoàn thành, đoạn sau cùng của tuyến là đường mới Thủ Thiêm cũng đã được đưa vào khai thác, thì cho tới thời điểm này giao thông trên tuyến vẫn bị tắc nghẽn tại 2 phía bờ sông Sài Gòn.

Và như vậy, công trình hầm ngầm vượt sông Sài Gòn kỳ vọng sẽ phục vụ 45.000 xe ôtô và 15.000 xe máy qua lại mỗi ngày. Sẽ giảm tải lượng xe ra vào các cảng biển, xe đi từ các tỉnh thành phía Đông sang phía Tây thành phố theo tuyến QL1A và hàng loạt các tuyến đường nội thành khác như Tỉnh lộ 25B, Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng… lại rơi vào cảnh: Cả tuyến giao thông huyết mạch rộng thênh thang đang tiếp tục phải chờ đến ngày hầm vượt sông Sài Gòn cho xe qua lại!

alt
Hầm dẫn vào hầm ngầm vượt sông.

Quay trở lại quá trình xây dựng hầm, ngay từ năm 2000 ý tưởng xây dựng hầm dìm Thủ Thiêm đã ra đời cùng với việc hình thành kế hoạch xây dựng Dự án đại lộ Đông Tây. Đầu năm 2005, 2 hầm dẫn vào hầm dìm có chiều dài 1.120m ở 2 phía bờ sông Sài Gòn đã được ban quản lý dự án, nhà thầu và các đơn vị thi công triển khai xây dựng.

Thế nhưng phải đến tháng 9/2007, mẻ bê tông đúc 4 đốt hầm đầu tiên mới được nhà thầu thực hiện tại bể đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai. Chỉ chưa đầy 1 năm sau, đến tháng 5/2008 các đốt hầm khổng lồ đã được đúc xong. Nhưng ngay thời điểm này, các đốt hầm đồng loạt xuất hiện vết nứt và trước hiện tượng như vậy, cả lãnh đạo Bộ Xây dựng lẫn chính quyền thành phố phải vào cuộc, cho lùi tiến độ lai dắt, lắp đặt để khảo sát, tìm biện pháp xử lý sự cố.

Tới sáng 7/3 năm 2010 vừa qua, đốt hầm đầu tiên nặng 27.000 tấn, dài 93m, rộng 33m, cao 9m với thành bê tông dày tới 1,2m đã được đoàn tàu lai dắt của nước ngoài và đoàn tàu, canô hộ tống của các lực lượng chức năng TP HCM kéo vượt 22km đường sông về tới đích an toàn; được dìm thành công xuống vị trí lắp đặt ngay trong ngày. Các đốt hầm còn lại cũng lần lượt được lai dắt, lắp đặt thành công vào các tháng 4, 5 và 6 sau đó.

Trước sự kiện này, phát biểu với báo chí, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông Tây đã hân hoan thông báo kế hoạch khai thác công trình hầm Thủ Thiêm vào tháng 3/2011 và đến tháng 6 năm nay, toàn tuyến đại lộ Đông Tây sẽ chính thức đưa vào khai thác đúng như dự kiến. Phát biểu tại lễ hợp long hầm Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Ban quản lý dự án, nhà thầu và các đơn vị thi công khẩn trương triển khai các gói thầu lắp đặt thiết bị chiếu sáng, quan sát, thông gió… bên trong hầm để đảm bảo đưa công trình vào khai thác đúng tiến độ.

alt
Cửa đường hầm Thủ Thiêm vẫn ngổn ngang.

Hợp long hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn xong cũng là lúc các vết thấm ở mối nối, hiện tượng lún không đều cả ở phần hầm dẫn lẫn đốt hầm đồng loạt xuất hiện. Điều này cũng đồng nghĩa lại phải mất thêm thời gian để nhà thầu xử lý, khắc phục sự cố theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, gồm bơm keo epoxy, móng cọc khoan nhồi, gia tải và bù lún bằng bê tông nhẹ… Đặc biệt là việc theo dõi, quan trắc lún thêm được Hội đồng nghiệm thu yêu cầu nhà thầu phải tiếp tục tiến hành đến hết tháng 8 năm nay.

Như vậy, dù nay đã là tháng 3, việc đưa vào khai thác hạn chế hầm vượt sông Sài Gòn theo dự kiến đã hoàn toàn không thể thực hiện. Thực trạng các cây cầu đầu tư hàng ngàn tỷ đồng như cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ làm xong phải chờ đường, nay tiếp tục đến lượt đường làm xong phải chờ hầm.

Trong khi nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến và yêu cầu đưa toàn tuyến Đại lộ Đông Tây vào khai thác phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố bức xúc từng ngày, thiệt hại cho xã hội khi hầm vượt sông Sài Gòn còn tắc nghẽn thêm gần nửa năm trời là con số không nhỏ.

Đó là chưa kể sự cố có thể sẽ còn gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình sau này như nhận xét của một số chuyên gia về cầu đường. Nhưng cũng giống như những lần trước, TP HCM sẽ lại chẳng thể tìm ra ai để quy trách nhiệm về thiệt hại này?

Cafeland.vn - Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland