16/01/2011 10:52 AM
Ngay ngã tư Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương kéo dài, 4-5 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vừa được quét sơn hoàn thiện còn chưa có người ở. Trên tuyến đường 32, mặc dù công nhân đang làm đường nhưng hai bên hành lang, hàng chục ngôi nhà “dị kỳ’ cũng đang tấp nập được xây dựng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có khoảng 179 nhà siêu mỏng, siêu méo, không đủ tiêu chuẩn xây dựng. Nguyên nhân của tình trạng trên, là do việc xây dựng hay cải tạo công trình mặt phố không được thực hiện đồng bộ và ít nhiều do lịch sử để lại. Mặt khác, chính sách quản lý, đền bù giải phóng mặt bằng không được thỏa đáng khiến người dân kiên quyết bám trụ với mảnh đất siêu mỏng, siêu méo.

Mới đây, bức xúc trước việc phát triển ồ ạt của các ngôi nhà siêu mỏng siêu méo làm xấu bộ mặt đô thị, UBND Hà Nội đã yêu cầu các huyện xử lý triệt để tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng siêu méo. Theo đó, với những căn nhà phát sinh sau khi Quyết định số 26/2005/QĐ-UB có hiệu lực, UBND quận, huyện đã có đủ thẩm quyền xử lý triệt để. Thành phố yêu cầu quận, huyện thực hiện nghiêm túc, xác định địa điểm cụ thể phải thu hồi, đặc biệt là các dự án mở đường đang triển khai. Sau đó, tổ chức thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật, nếu các hộ không hợp khối được theo thời hạn quy định.

Với các nhà siêu mỏng phát sinh trước thời điểm Quyết định 26 có hiệu lực, thành phố chỉ đạo rà soát, phân loại, lập danh mục cụ thể các địa chỉ phải thu hồi, lên phương án GPMB, bảo đảm lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất.

Rõ ràng, thái độ kiên quyết của UBND thành phố Hà Nội đầu năm 2011 là một thái độ đáng hoan nghênh. Hoan nghênh nhưng cũng phải nín thở chờ đợi. Vì vấn đề tồn tại bao nhiêu năm, bao nhiều lần nâng lên đặt xuống mà có giải quyết được đâu?

Đến thời điểm này, theo ghi nhận của VnMedia, trong lúc đợi những hành động quyết liệt thì trên nhiều tuyến phố mới mở, hàng chục ngôi nhà “dị kỳ” méo mó vẫn đang được tấp nập được xây dựng và hoàn thiện.


Ngôi nhà dị kỳ ngay ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương kéo dài đang được hoàn thiện. Ảnh: Tùng Nguyễn


Trên tuyến đường 32, đến thời điểm này, mặc dù, dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn Diễn - Nhổn thuộc huyện Từ Liêm vẫn đang trong giai đoạn thi công, nhưng hai bên đường, nhiều ngôi nhà với hình thù “kỳ dị” đã kịp mọc lên. Dọc tuyến đường dài chưa đầy 5 km này, đếm sơ sơ có tới hơn gần 30 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đang khẩn trương được xây dựng hoặc mới hoàn thiện chưa kịp đề số nhà.

Tại tuyến đường này, theo khảo sát, số nhà siêu mỏng, siêu méo tập trung nhiều nhất ở khu vực từ ngã tư Tây Tựu - Nhổn trở về phía giáp với huyện Hoài Đức. Dọc hai bên đường đoạn này, hầu hết các ngôi nhà đều thuộc diện không đủ tiêu chuẩn xây dựng. Có ngôi nhà chiều sâu chỉ hơn một mét, chiều dài chưa đầy 3 mét, phía trên được xây cơi nới ra hai bên, nhìn hình dạng không khác những “chuồng chim câu” giữa phố.

Tại tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, 4-5 ngôi nhà siêu “kỳ dị” cũng đang tấp nập được xây dựng. Nhiều ngôi nhà có hình hài giống một tam giác nhọn. Một số thì mang hình hài của những hình bình hành. Không ít ngôi nhà được xây với chiều rộng chỉ 1,2 mét…

Ngay cạnh ngã tư Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương 4-5 ngôi nhà siêu mỏng siêu méo vừa được quét vôi ve hoàn thành. Nhìn những ngồi nhà này ai cũng phải lắc đầu vì không biết chủ nhà sẽ ở như thế nào. Mỗi căn đều cao từ 3-4 tầng, mỗi căn chỉ cao khoảng 2,5 mét, rộng 1,2 mét méo xệch…


Dọc tuyến đường 32 nhiều ngôi nhà siêu mỏng siêu méo đang tấp nập được xây dựng. Ảnh: Tùng Nguyễn


Gần đó, tại ngã tư Khuất Duy Tiến với đường Nguyễn Trãi mới hoàn thành cũng san sát nhà siêu mỏng, siêu méo. Nhiều căn nhà mặt phố có chiều ngang chỉ 2 m cũng được xây 4-5 tầng, ban công, biển quảng cáo đua nhau lấn chiếm vỉa hè….

Trao đổi với VnMedia, PGS –TSKH Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, để chống việc xây dựng nhà siêu mỏng siêu méo các thành phố cần phải có biện pháp chống từ trước chứ không phải để người dân xây dựng tràn lan rồi mới đưa ra biện pháp phòng như hiện nay.

Với Hà Nội, việc thành phố “đòi” thu hồi diện tích đất thừa xây dựng nhà siêu mỏng siêu méo cũng là một cách. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục phải có sự thỏa thuận và hài hòa lợi ích của người dân. Giải pháp "hợp khối" là giải pháp rất khả thi.

Theo PGS - TSKH Nguyễn Văn Hùng, lâu nay làm khi làm đường, chúng ta mới chỉ chú ý đến quy hoạch con đường chứ chưa chú ý đến quy hoạch chung của toàn khu vực, do đó, kiến trúc 2 bên đường thường không đẹp và xộc xệch, dẫn đến phát sinh nhà siêu mỏng siêu méo.

“Để hạn chế tình trạng trên, từ nay trước khi mở đường phải có quy hoạch tổng thể hai bên đường. Phải giải tỏa, thu hồi đất 2 bên đường 60 mét trước khi làm quy hoạch. Đất hai bên đường có thể cho các đơn vị chủ đầu tư đấu thầu, dùng kinh phí đó để bù đắp cho giải tỏa và xây dựng những khu tái định cư ngay tại chỗ cho người dân hoặc cho tạm cư ở đâu đó khi xây dựng xong thì về…thì phố phường mới đẹp được và không còn cảnh nhà siêu mỏng siêu méo phát triển tràn lan làm xấu bộ mặt đô thị”, PGS- TSKH Nguyễn Văn Hùng nói.
Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland