26/12/2010 12:44 AM
Khi thực hiện các dự án, TP Đà Nẵng luôn áp dụng những chính sách linh hoạt, có lợi cho người dân.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài “Đà Nẵng: Xóa nhà “siêu mỏng” không khó” (ngày 20-12), nhiều bạn đọc rất quan tâm đến cách thức thực hiện chủ trương xóa nhà “siêu mỏng” của TP này. Chúng tôi xin tiếp tục vấn đề bằng câu chuyện về dự án mở đường Nguyễn Văn Linh nối dài và cầu Rồng nối sân bay quốc tế Đà Nẵng với đường ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc.

Thực hiện nhanh gọn

Tháng 3-2009, du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng xem thi bắn pháo hoa quốc tế đã ngỡ ngàng thấy gần 1.500 ngôi nhà, trong đó có hàng trăm nhà cao tầng của các công sở, trường học, doanh nghiệp, người dân trên các tuyến đường Phan Chu Trinh, Lê Đình Dương biến mất. Thời điểm đó, TP đang thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng đường Nguyễn Văn Linh nối dài và cầu Rồng.


Đường Nguyễn Văn Linh nối dài (đoạn qua quận Hải Châu) đã hoàn thành. Ảnh: H.CHÂU

Trước đó, tháng 10-2007, UBND TP Đà Nẵng ký hợp đồng với Công ty Louis Berger (Mỹ) lập dự án và thiết kế kỹ thuật cầu mới bắc qua sông Hàn (cầu Rồng). Để cây cầu này phát huy hiệu quả tối đa, TP cần phải mở tiếp đường Nguyễn Văn Linh nối dài đoạn từ giao lộ Nguyễn Văn Linh-Hoàng Diệu đến đường Bạch Đằng (đầu cầu phía tây, thuộc quận Hải Châu) và đoạn từ đầu cầu phía đông đến đường Sơn Trà-Điện Ngọc (quận Sơn Trà). Do nguồn vốn thực hiện dự án khá lớn (lên đến 1.500 tỉ đồng) nên đã có ý kiến cho rằng đây sẽ là dự án “treo” kéo dài. Vậy nhưng chỉ hơn một năm sau ngày ký hợp đồng thiết kế kỹ thuật cầu Rồng, dự án cầu-đường Nguyễn Văn Linh nối dài đã được triển khai dù đây là dự án có tỉ suất bồi thường trên một đơn vị hồ sơ cao nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng.

Đúng một năm sau, tháng 3-2010, cũng nhân dịp thi bắn pháo hoa quốc tế, đoạn từ vòng xoay Nguyễn Văn Linh-Hoàng Diệu đến bờ tây sông Hàn trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài đã được đưa vào khai thác. Hiện đoạn ở bờ đông sông Hàn cũng đã cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.

Bồi thường thỏa đáng

Bao giờ và ở đâu cũng vậy, nan giải nhất đối với các dự án xây dựng vẫn là giải tỏa mặt bằng, bởi đây là vấn đề đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của người dân. Không dễ để họ tự tay phá dỡ ngôi nhà gắn liền với cuộc sống, kế sinh nhai của mình nếu việc bồi thường, bố trí tái định cư, giải quyết công ăn việc làm hậu giải tỏa… không được giải quyết thỏa đáng.

Chúng tôi vẫn còn giữ tấm ảnh chụp chị chủ nhà 67 Lê Đình Dương đang trực tiếp chỉ huy phá dỡ chính ngôi nhà của mình. Trời nắng gắt, bụi bặm mù mịt khiến chị có vẻ căng thẳng. Nhưng khi được hỏi về chuyện bồi thường có thỏa đáng hay không, chị trả lời… nhẹ hều: “Nhà mặt tiền thế này mà bồi thường không thỏa đáng được sao”. “Nhưng mấy nhà kia chưa phá dỡ, sao chị ra tay sớm vậy?”. Chị lại trả lời nhẹ bâng: “Nếu mình thấy thỏa đáng thì thực hiện sớm cho rồi để họ còn làm việc”.

Xin kể thêm một câu chuyện nhỏ: Ông L. công tác ở tỉnh Quảng Nam vừa về hưu, có nhà ba tầng trên diện tích đất khoảng 200 m2 ở đường Lê Đình Dương, được bồi thường tiền nhà 2,8 tỉ đồng và bồi thường giá trị đất bằng hai lô tái định cư tại chỗ. Ông bán bớt một lô được 3 tỉ đồng, sau đó mua đất, xây nhà ở đường Trường Sa hết 2,4 tỉ đồng. Vậy là ông dư ra 3,4 tỉ đồng mua sắm vật dụng trong nhà và… gửi ngân hàng để dưỡng già, chưa kể còn một lô đất tái định cư tại chỗ cũng không dưới 3 tỉ đồng. Vậy có lý do gì để ông không hợp lực với chính quyền TP?

Theo ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, ngoài các chính sách chung nhà nước đã quy định, Đà Nẵng còn áp dụng những biện pháp phù hợp với tình hình sử dụng đất thực tế. Đáng chú ý, các hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng sớm, đúng tiến độ được thưởng 5%-8% giá trị bồi thường. Hộ có giá trị bồi thường, hỗ trợ thiệt hại dưới 200 triệu đồng được nhận toàn bộ để xây nhà mới và được nợ 100% tiền sử dụng đất. Hộ có giá trị bồi thường, hỗ trợ thiệt hại từ 200 triệu đồng trở lên được giữ lại tối thiểu 200 triệu đồng để xây nhà, số tiền còn lại mới nộp tiền sử dụng đất. Trường hợp số tiền còn lại không đủ nộp tiền sử dụng đất thì được nhà nước cho nợ… Chính những chính sách linh hoạt này đã khiến người dân luôn tự giác thực hiện chủ trương của TP.

1.300 Từ năm 1997 đến nay, Đà Nẵng đã thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.300 dự án với tổng diện tích hơn 17.000 ha. TP đã di dời giải tỏa trên 85.000 hộ dân. Tổng số tiền thu từ đất hơn 20.000 tỉ đồng, dự kiến số thu trong năm 2010 là 3.800 tỉ đồng. Bên cạnh đó, đã cho ghi nợ tiền sử dụng đất hơn 6.845 tỉ đồng.

Theo ông NGUYỄN VĂN TIẾN,
Trưởng ban Giải tỏa đền bù số 1, TP Đà Nẵng

Cafeland.vn - Theo Hải Châu (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland