Hơn 300 văn bản liên quan đến đất đai đã được ban hành vẫn chưa thể giúp TPHCM gỡ rối trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng nhất của mỗi dự án và cũng là khâu vướng của nhiều dự án quan trọng của TP. “Chi phí giải phóng mặt bằng chiếm không dưới 50% tổng vốn đầu tư dự án. Thế nhưng nhiều dự án vì vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, kéo dài từ năm này qua năm khác khiến vốn đầu tư cũng đội lên kinh khủng”-ông Tài nói.

Vốn tăng vùn vụt, thi công ngập ngừng
Có thể nhìn thấy sự đội vốn một cách rõ ràng qua dự án cải tạo kênh Ba Bò nằm trên địa bàn quận Thủ Đức-TPHCM giáp ranh tỉnh Bình Dương. Dự án triển khai từ năm 2003 với mục tiêu nạo vét, mở rộng tuyến kênh dài 1,7 km nhằm tiêu thoát nước và giảm ô nhiễm cho lưu vực phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Tổng vốn phê duyệt ban đầu là 307 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm 125 tỉ đồng cho khoảng 16 ha với 299 hồ sơ đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, do khâu giải phóng mặt bằng kéo dài khiến chi phí bồi thường cũng tăng lên.

Sau 8 năm xây dựng, nút giao thông Gò Dưa chỉ xong phần cầu do vướng đền bù giải tỏa. Ảnh: TẤN THẠNH

Đến năm 2009, UBND TP quyết định điều chỉnh vốn đầu tư theo kiến nghị của chủ đầu tư (Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP) lên 743 tỉ đồng (tăng 240% so với vốn ban đầu), chi phí cho bồi thường giải phóng mặt bằng gần 490 tỉ đồng (tăng 390%). Thế nhưng sau khi tăng vốn, việc thi công vẫn triển khai ngập ngừng, nguyên nhân chính là các hộ dân không đồng ý với phương án bồi thường do quận đưa ra nên chưa bàn giao mặt bằng.
UBND TP phải liên tiếp ra “tối hậu thư” yêu cầu quận Thủ Đức nhanh chóng bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư nhanh chóng thi công nhưng đến nay vẫn còn vướng 12 hộ. Dù diện tích của 12 hộ này không lớn nhưng khiến mặt bằng bị cắt khúc nên vẫn chưa thể thi công. Ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, cho biết quận đang gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất để biết các hộ này có đủ điều kiện bồi thường hay không nên vẫn chờ xin ý kiến các sở ngành liên quan.

Cùng chung số phận

Cầu vượt Gò Dưa có vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng nhằm giải quyết cấp bách tình trạng giao thông trên Quốc lộ 1A - đường Xuyên Á, tuy nhiên, dự án được thực hiện hơn 8 năm nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do vướng đền bù giải tỏa.

Theo ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 - chủ đầu tư dự án, tính đến cuối tháng 2-2011, dự án vẫn còn bị vướng 46 hộ dân. Hiện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức cam kết sẽ giao toàn bộ mặt bằng bị vướng vào ngày 15-4, khi đó mới triển khai thi công tiếp. Tương tự, qua nhiều năm thực hiện, đến nay, dự án nâng cấp Liên Tỉnh lộ 25B giai đoạn 2 (vốn đầu tư 624 tỉ đồng) vẫn vướng giải phóng mặt bằng. Tính đến nay, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP mới nhận được 7,87 ha/12,2 ha mặt bằng nên phải thi công theo hình thức “da beo”.

A.Nguyệt

Ngoài dự án cải tạo kênh Ba Bò, hiện còn rất nhiều công trình trọng điểm khác của TPHCM đang thi công ì ạch do vướng mặt bằng thi công: nút giao thông Gò Dưa (Thủ Đức), Liên Tỉnh lộ 25B (quận 2), dự án cải tạo kênh Tân Hóa- Lò Gốm (quận 6)…
Có hướng dẫn cũng… thua
Hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 có 13 nghị định và 65 văn bản pháp luật khác, khoảng 150 văn bản liên quan đến đất đai do nhiều bộ ngành ban hành. Riêng TPHCM cũng đã ban hành khoảng 100 văn bản để cụ thể hóa và triển khai thi hành Luật Đất đai 2003 trên địa bàn TP. Tuy nhiên, luật và các văn bản hướng dẫn hiện nay còn chồng chéo nhau, nhiều điểm quy định, hướng dẫn chưa rõ ràng, chưa sát với thực tế nên khi vận dụng gặp không ít khó khăn.
Những dây dưa kéo dài trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án cải tạo kênh Ba Bò nằm ở cách xác định nguồn gốc đất. Phần lớn đất trên địa bàn quận Thủ Đức sau giải phóng do các tập đoàn, hợp tác xã quản lý nhưng khi các hợp tác xã này tan rã, chính quyền địa phương không quản lý nên người dân đến canh tác, sản xuất. Nếu xác định đây là đất công thì nhiều hộ dân bị giải tỏa không đủ điều kiện bồi thường mà chỉ được nhận hỗ trợ.
Tuy nhiên, các hộ dân này cho rằng đất của họ, dù chưa có giấy tờ hợp lệ nhưng đã sử dụng ổn định trước năm 1993. Theo điều 50 của Luật Đất đai 2003: Người sử dụng đất ổn định, không tranh chấp trước khi Luật Đất đai ra đời sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, cho nên khi Nhà nước thu hồi đất họ cũng sẽ được bồi thường. Vì vậy, quận Thủ Đức đã có công văn gửi UBND TP và Sở Tài nguyên-Môi trường xin hướng dẫn. Thế nhưng, Sở Tài nguyên-Môi trường cũng “bó tay” và phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên-Môi trường.
Việc xác định nguồn gốc đất không chỉ Thủ Đức mà nhiều quận, huyện cũng đang gặp phải. Chính vì vậy, một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM kiến nghị: Luật Đất đai sửa đổi sắp tới nên quy định việc xác định điều kiện bồi thường với các trường hợp nói trên chỉ cần căn cứ vào quá trình sử dụng đất chứ không phân biệt nguồn gốc sử dụng đất. Nhưng phải quy định tiêu chí đánh giá mức độ sử dụng ổn định vì khái niệm này hiện nay vẫn còn nhiều lấn cấn, chưa có sự thống nhất.
Cafeland.vn - Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland