Quyết định điều chỉnh tỷ giá lên mức 20.693 đồng/USD của Ngân hàng Nhà nước đã giúp đưa tỷ giá chính thức gần hơn với tỷ giá trên thị trường tự do, góp phần giảm bớt những giao dịch quanh co, ngoài luồng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có tác dụng phụ và cần phải cân nhắc khi lạm phát đang là thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Ảnh: Hoàng Hà

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 đồng/USD và thu hẹp biên độ giao dịch từ +- 3% xuống +- 1%. Với tỷ giá mới được điều chỉnh này, mức giá trần bán ra theo biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại từ ngày 11.2 ở mức 20.900 đồng, mức sàn là 20.486 đồng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 230 về một số quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép giao dịch hối đoái. Theo đó, các tổ chức tín dụng được phép ấn định tỷ giá mua, tỷ giá bán giao ngay (SPOT) của VNĐ với USD không được vượt quá biên độ +1% so với tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng của ngày giao dịch gần nhất trước đó. Đối với các ngoại tệ khác được phép giao dịch hối đoái, thì tổ chức tín dụng sẽ xác định tỷ giá và chênh lệch mua bán.

Theo Ngân hàng Nhà nước, các biện pháp này sẽ tạo điều kiện để điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ. Đồng thời, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ thực thi chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ. Thị trường cũng không bị tác động nhiều bởi động thái này, bởi việc tăng tỷ giá chính thức đã được dự đoán từ lâu. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, điều chỉnh tỷ giá sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, đặc biệt là những sản phẩm trong nước có thể sản xuất thay thế. Khi xuất khẩu tăng trưởng thì ngân hàng sẽ thu hút thêm ngoại tệå, tăng nguồn cung. Từ đó cung – cầu ngoại tệ xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, để cân bằng cung-cầu ngoại tệ không chỉ dựa vào việc nâng tỷ giá mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguồn cung ngoại tệ, nhu cầu của doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, sự điều chỉnh tỷ giá lần này đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do. Có nghĩa là giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của nước ta do không phải gia tăng bán USD theo tỷ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa hai giá. Trong thời gian qua, mỗi khi USD có biến động, mức chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và giá USD trên thị trường tự do vênh nhau khoảng hơn 1.000 đồng/USD. Khi đó, một số ngân hàng đã tìm cách lách luật bán giá USD ngang với giá với bên ngoài. Điều này khiến doanh nghiệp tăng chi phí mua ngoại tệ. Đây cũng là một nguyên nhân đẩy giá hàng hóa tăng lên, tác động đến người tiêu dùng trong nước.

Các doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng độ vênh giữa giá chính thức và tự do càng cao, thì nhà sản xuất càng phải chịu nhiều thiệt thòi. Bởi sự chênh lệch này không được thể hiện trong hợp đồng hoặc các chi phí được thừa nhận của doanh nghiệp. Khi không được hợp thức hóa trên giấy tờ, thì cơ quan thuế sẽ xem đó là lợi nhuận và áp thuế với khoản chi phí này. Và đưa doanh nghiệp vào tình trạng phải làm giấy tờ giả, vi phạm pháp luật về thuế và kinh doanh. Do vậy, một số doanh nghiệp cho rằng, sự điều chỉnh lần này còn giúp cho các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình. Việc tăng tỷ giá chính thức sẽ giúp thu hẹp khoảng cách với tỷ giá trên thị trường tự do, giảm bớt những giao dịch quanh co, ngoài luồng và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh tỷ giá lần này cũng không tránh khỏi những hệ lụy. Đặc biệt là có thể tạo ra rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những doanh nghiệp vay VNĐ lãi suất cao để nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất. Bởi khi tỷ giá tăng 9,3% thì các nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất cũng tăng tương ứng, chưa kể đến những biến động giá trên thị trường thế giới đang có diễn biến phức tạp. Trong ngắn hạn doanh nghiệp sẽ không thể tăng giá bán hàng hóa, sản phẩm. Nhưng về lâu dài thì việc tăng tỷ giá sẽ tác động đến việc kiềm chế lạm phát – là thách thức lớn nhất hiện nay trong điều hành kinh tế vĩ mô. Thực tế, chỉ cần tăng tỷ giá với biên độ từ 2-3% đã là cái cớ cho doanh nghiệp tăng giá bán. Do vậy, các chuyên gia rất kỳ vọng vào những giải pháp tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước để có thể dung hòa giữa các mục tiêu, nhất là thực hiện yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô đã được QH đề ra. Đặc biệt, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cũng là nguyện vọng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với các chính sách điều hành kinh tế – xã hội trong thời gian tới.

Cafeland.vn - Theo Đại biểu nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland