Hiện nay khi mua một căn hộ chung cư thì người mua có quyền sở hữu vĩnh viễn căn hộ này, đến khi chết đi cũng được để lại thừa kế cho con cháu.

Thậm chí nếu khu chung cư đó phải đập ra, xây lại thì những người có căn hộ ở đó cũng không sợ mất phần mình. Không ai nghĩ mình bỏ tiền tỉ mua một căn hộ mà chỉ được sử dụng, sở hữu trong một thời hạn nhất định. Thế nhưng mới đây Bộ Xây dựng đã có đề xuất về việc này, gây tò mò, thắc mắc cho rất nhiều người dân.

“Nghiên cứu việc sở hữu nhà ở có thời hạn, đặc biệt là nhà chung cư sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho việc nâng cấp, cải tạo lại nhà cũ”. Đó là kiến nghị đáng chú ý của Bộ Xây dựng về một số giải pháp phát triển nhà ở trình Chính phủ hồi cuối năm 2010.

Học kinh nghiệm các nước

Theo kiến nghị này, người dân chỉ được sở hữu nhà chung cư có thời hạn, hết thời hạn đã định sẵn, người dân phải trả lại nhà. Đề xuất mới này sẽ được đưa vào Luật Nhà ở sửa đổi trong năm 2012. Bộ Xây dựng cũng đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường việc quy định đất xây nhà chung cư cũng có thời hạn. Qua đó, tạo sự đồng bộ về thời hạn sở hữu nhà và thời hạn sử dụng đất đối với loại nhà này.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam lý giải: Ở hầu hết các nước, đối với nhà chung cư người ta chỉ cho sở hữu có thời hạn, phù hợp với thời hạn sử dụng của cấp nhà đó. Khi đã hết thời hạn sử dụng thì cũng hết tuổi thọ của nhà. Lúc ấy, nhà không còn thuộc sở hữu của người dân nữa, việc lấy lại nhà để xây lại dễ hơn là việc bán vĩnh viễn cho người dân như hiện nay.


Chung cư Cổ Nhuế-Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội còn tuổi thọ bao nhiêu năm nữa? Ảnh: HOÀNG VÂN

“Ví dụ, một chung cư có tuổi thọ là 50 năm thì về nguyên tắc, chung cư đó chỉ được sử dụng trong thời gian ấy. Hết thời hạn đó thì đương nhiên là giá trị sử dụng của nó cũng hết. Sau đó, nhà nước có chính sách cải tạo, phá đi xây lại. Ở các nước, chỉ có đất ở thì mới được sở hữu vĩnh viễn” - ông Nam cho biết.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó phòng Quản lý nhà (Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng), đề xuất này không phải tự Bộ Xây dựng nghĩ ra mà là học từ kinh nghiệm các nước. “Nước ngoài thường quy định thời hạn sở hữu chung cư là 60-70 năm. Ở gần ta như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng bán nhà trong thời hạn đó” - ông Khởi nói.

Dễ dàng lấy lại đất

Đề xuất của Bộ Xây dựng chưa nêu thời hạn sở hữu nhà chung cư cụ thể là bao nhiêu năm. Tuy nhiên, ông Khởi cho biết tùy từng loại nhà mà quy định thời hạn sử dụng. “Một người trưởng thành mua nhà và sống ở đó chừng 70 năm đổ lại. Thời hạn sở hữu nhà như vậy cũng tương đương tuổi thọ của con người. Với thời hạn đó, người dân cũng được sở hữu ổn định, lâu dài nhưng có thời hạn chứ không phải là vĩnh viễn” - ông Khởi nói.

Cũng theo ông Khởi, khi người dân sở hữu nhà vĩnh viễn, lúc nhà hư hỏng sẽ xảy ra tình trạng mỗi người một ý, người thì muốn xây mới, người thì không. Hiện nay, việc cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ phức tạp, khó khăn phần nhiều vì lý do này. Ông Khởi cho rằng quy định như đề xuất của Bộ Xây dựng không chỉ nhằm để dễ cải tạo chung cư, xây mới nhà chung cư mà còn tạo điều kiện để nhà nước dễ lấy đất đó làm việc khác.

“Hết thời hạn sử dụng, đất lại thuộc quyền sử dụng của nhà nước. Nếu không tiếp tục làm nhà chung cư trên đất đó, nhà nước có thể sử dụng đất đó theo quy hoạch mới” - ông Đào Ngọc Nghiêm, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hà Nội, đồng tình.

Hết đất sống cho nhà đầu cơ

Về tác động của chính sách này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam phân tích: Đó là nhà sở hữu có thời hạn, không phải là sở hữu vĩnh viễn nên giá nhà cũng rẻ đi. Trong thời hạn sử dụng đó, nếu người dân muốn bán đi, giả sử nhà còn thời hạn sở hữu là 20 năm, thì giá bán chỉ tương ứng với thời hạn sử dụng đó, nghĩa là trừ đi số năm đã sử dụng.

Đồng quan điểm, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng nhận định việc quy định thời hạn sở hữu sẽ làm giá nhà chung cư rẻ đi. Ông Võ phân tích: Hiện giá bán nhà chung cư cao hơn rất nhiều số tiền đầu tư làm ra nó, cao hơn tới 2-3 lần. Trong cơ cấu giá nhà chung cư trên thị trường hiện nay có 10% là chi cho đất, 40% chi cho xây dựng, còn lại 50% là thổi giá. Đưa ra thời hạn sở hữu, giá trị nhà giảm đi, kéo theo giá bán cũng giảm.

“Mặt khác, giới đầu cơ sẽ không quan tâm đến nhà chung cư nữa vì càng ôm lâu thì càng bị mất giá. Lúc ấy thị trường chỉ còn lại những người có nhu cầu thực. Như vậy sẽ không còn việc thổi giá. Khi loại nhà này rẻ đi thì nhà đất ở khu vực khác cũng phải rẻ theo. Khi đó, người ít tiền cũng có cơ hội mua một căn hộ chung cư” - ông Võ nhấn mạnh.

Thị trường đa dạng hơn

Quy định sở hữu nhà có thời hạn là hợp lý. Giá của nhà sở hữu có thời hạn chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều so với giá nhà không giới hạn thời gian sở hữu. Điều này tạo cho thị trường nhà đất có sự đa dạng hơn, đáp ứng cho các nhu cầu và tiện cho quản lý nhà nước. Mai kia nhà nước quy hoạch lại đô thị thì làm cũng dễ hơn.

Ông NGUYỄN HỒNG HẢI,
Trưởng phòng Dân sự, Vụ Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp

Dân Mỹ được sở hữu nhà trong 50 năm

Ở Mỹ, nhà chung cư có thời hạn 50 năm, chỉ có nhà đất ở riêng lẻ thì mới được sở hữu vô thời hạn. Vì thế, giá nhà chung cư ở đó rất rẻ. Giá nhà được tính trên giá thành xây dựng và giá đất sử dụng có thời hạn, vì sở hữu có thời hạn nên giá đất cũng rất rẻ. Quy định nhà chung cư có thời hạn nên ở Mỹ không có chuyện cứ phải mặc cả mãi với người dân mà không xây mới được nhà chung cư như ở ta.

GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ,
nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cafeland.vn - Theo Phapluattp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland