17/01/2011 2:33 AM
Không gian ngầm tại TPHCM đang được tập trung khai thác trong khi chưa có quy hoạch

Sau hàng loạt vụ “cắt ngọn” công trình xây dựng sai phép ở khu trung tâm TPHCM, không gian dưới đất đang được các nhà đầu tư xem như “mỏ vàng” để mở rộng diện tích sử dụng. Thế nhưng, khi chưa có một quy hoạch không gian ngầm, đã có nhiều công trình ngầm gặp sự cố.


“Bẫy” địa chất

Bên cạnh “thiên la địa võng” dây nhợ có chủ cũng như vô chủ đang giăng “bẫy” trong lòng đất, các công trình ngầm đang đứng trước “bẫy” từ chính địa chất TP.

Ông Đoàn Ngọc Toản, người chuyên nghiên cứu về địa chất công trình thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, cho biết TPHCM là khu vực có địa chất yếu vì thế công trình chịu rất nhiều hiện tượng tác động xấu: sạt lở, lầy hóa, lún..., đặc biệt là hai hiện tượng xói ngầm và lún ướt đã gây rất nhiều sự cố công trình.

Xói ngầm là hiện tượng các hạt đất bị nước đẩy khỏi vị trí ban đầu, tạo ra các khe hổng lớn dần trong lòng đất gây sụt mặt đất và công trình.

Năm 2007, việc thi công tầng hầm sâu 21 m của cao ốc Pacific (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) nằm ở khu vực trung tâm TP đã làm xuất hiện xói ngầm, kéo theo sự sụp đổ tòa nhà 2 tầng của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và bãi xe của Sở Ngoại vụ TPHCM.

Hay như sự cố trong quá trình thi công móng của cao ốc Saigon Residences (đường Thi Sách, quận 1) đã gây sụp đổ vỉa hè đường Nguyễn Siêu và làm nghiêng chung cư Cosaco... Đây là những sự cố điển hình do hiện tượng xói ngầm gây nên.

Theo ông Toản, khu vực nội thành là nơi thường phát sinh xói ngầm do cấu tạo địa chất, trong đó nơi có khả năng xói ngầm cao nhất là khu vực từ sân vận động Thống Nhất theo hướng Đông Bắc qua Công viên Tao Đàn đến Công viên Lê Văn Tám.

Trong khi đó, khu vực vùng ven như Thủ Đức, quận 9... lại đối mặt với nguy cơ lún ướt. Các liên kết vật chất trong đất bị nước phá hoại sẽ tạo ra các lỗ rỗng gây sạt đất mặt và lún móng công trình .

“Hậu quả của hiện tượng này khá nghiêm trọng vì nó gây sụt đất trên phạm vi rộng. Trên địa bàn phường Phước Long A, quận 9 từng xuất hiện những hố sâu 0,5- 0,7 m, rộng đến 40.000 m2. Vì vậy, việc nhận biết và phát hiện sự phân bố của loại đất lún ướt sẽ giúp các nhà quy hoạch, xây dựng có những biện pháp giảm thiểu tác hại do hiện tượng này gây ra”- ông Toản nói.

Quy hoạch khu trung tâm trước

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay, không gian ngầm đang được khai thác tại TP khá sôi nổi, được chia thành hai loại: không gian ngầm phục vụ cho hạ tầng kỹ thuật (hệ thống cấp thoát nước, điện, cáp quang, các tuyến metro, bãi đậu xe...) và không gian ngầm phục vụ xây dựng tầng ngầm của các tòa nhà.

Nếu không có công cụ quản lý không gian ngầm sẽ làm phát sinh tình trạng chồng chéo và không đấu nối được giữa các hệ thống. Tuy nhiên đến nay, quy hoạch không gian ngầm đô thị - công cụ để quản lý không gian và xây dựng bên trong lòng đất - vẫn chưa có.

Tháng 6-2010, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) đã trình UBND TPHCM đề cương ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó đề xuất hai phương án là ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn TP đến năm 2015 (phương án 1) và quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trên địa bàn TP đến năm 2025 và định hướng sau năm 2025 (phương án 2).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài đã giao các đơn vị liên quan như Viện Nghiên cứu phát triển TP, Sở Xây dựng, Sở GTVT... góp ý về hai phương án này.

Theo các sở, ngành, phương án 1 chỉ mang tính giải quyết vấn đề trong giai đoạn ngắn hạn vì chưa xét một cách toàn diện vấn đề quy hoạch ổn định lâu dài, sẽ dẫn đến nhiều bất cập khi nhu cầu phát triển không gian xây dựng ngầm tăng cao...

Còn phương án 2 phù hợp với Nghị định 39/CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị và tình hình thực tiễn TP, đồng thời góp phần hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn Nghị định 39/CP nên sẽ tốn nhiều thời gian và kinh phí. Theo Sở QH-KT, hiện nhu cầu xây dựng ngầm của TP chỉ tập trung tại một số khu vực, đặc biệt là khu vực trung tâm.

Vì thế, Sở QH-KT đã đề xuất UBND TP thực hiện thí điểm đề án quy hoạch không gian xây dựng ngầm khu vực trung tâm đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020.

Đề án này được thực hiện dựa trên cơ sở kết quả của đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu trung tâm 930 ha và đồ án quy hoạch chi tiết bờ Tây sông Sài Gòn khi hai đồ án này được hoàn thành.

Riêng với những đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã được phê duyệt, Sở QH-KT đề nghị UBND TP chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu xác định hành lang, không gian ngầm cụ thể cho yêu cầu ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật nhưng chú trọng ở quận 1, 3, 5 và khu vực trung tâm hành chính, kinh tế, thương mại dịch vụ dọc các tuyến metro.

Nghị định 39/CP quy định: Không gian xây dựng ngầm phải được quy hoạch, xây dựng, sử dụng và do UBND cấp tỉnh quản lý. Chủ đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở mới và các tuyến phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình cống, bể kỹ thuật hoặc hào... Đối với các đô thị cũ, đô thị cải tạo, UBND cấp tỉnh phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy - nen kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi.

Cafeland.vn - Theo Thu Sương (NLD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland