Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình tập trung quy hoạch, xây dựng khu tái định cư phòng tránh thiên tai cho nhân dân các vùng thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ không ít những bất cập làm ảnh hưởng đời sống của người dân tại các vùng tái định cư.

Bất cập trong thực hiện các dự án tái định cư phòng tránh thiên tai ở Quảng Bình

Những căn nhà "tái định cư" ở Hồng Thủy.

Giai đoạn 2006-2010, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt hai Dự án đầu tư bố trí dân cư tập trung là Dự án di dân khẩn cấp Khe Su, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) và dự án bố trí dân cư vùng ngập lụt và sạt lở xã Quảng Minh (Quảng Trạch). Ngoài ra, các huyện trong tỉnh cũng đã thực hiện các dự án tái định cư phòng tránh thiên tai song chủ yếu bố trí xen ghép dân cư là chính.

Tại các nơi tái định cư, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đến thăm khu tái định cư ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, được đưa vào sử dụng hơn hai năm nay. Những ngôi nhà nằm san sát nhau nhưng rất ít người ở. Nhà nào cũng nhỏ, xây tạm bợ. Hỏi chuyện người dân, mới biết, đây là khu tái định cư xóm Mới của xã Hồng Thủy. Ông Lương Ðức Mạnh, người dân tái định cư tại đây cho biết, gia đình ông được hỗ trợ 10 triệu đồng để xây nhà cùng 3,5 sào đất vườn. Dự án có quy định diện tích và kiểu nhà, nhưng vì chỉ có từng đó tiền nên ngôi nhà được xây bé xíu, nóng như rang. Hộ nào có tiền góp thêm thì nhà được xây to hơn một chút. Dẫn chúng tôi ra sau nhà, ông Mạnh nói: Vườn chẳng có chi ngoài bãi cát trắng bạc màu. Mặt đường và cống thoát nước cao nên mỗi khi có mưa là nơi đây thành ao hồ hết. Theo ông Mạnh thì gia đình ông cùng tám hộ khác phải sống trong cảnh không điện, không nước sinh hoạt nơi tái định cư. Dân kêu xã, xã lập tờ trình gửi huyện, gần đây, điện sinh hoạt mới được kéo về.

Ðược biết, khu tái định cư trên thuộc chương trình di dân, giãn dân do UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư, nhưng trong quá trình thực hiện nguồn vốn đầu tư thiếu và bố trí dàn trải, nên việc đầu tư về hạ tầng không đồng bộ, ảnh hưởng đời sống người dân.

Tháng 6-2010, dự án khu tái định cư tránh lũ Khe Su xã Hưng Trạch (Bố Trạch) được xây dựng trên diện tích 120 ha. Vốn đầu tư cho dự án gần 14 tỷ đồng từ nguồn vốn di dời dân khẩn cấp của Chính phủ. Ðây là khu tái định cư tập trung được đầu tư hoàn chỉnh nhất ở Quảng Bình. Tại nơi ở mới, mỗi hộ gia đình được cấp 400 m2 đất làm nhà ở, 3.500 m2 đất để sản xuất. Ngoài ra, còn được Nhà nước hỗ trợ thêm 10 triệu đồng di dời và một triệu đồng để đào giếng khơi lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư là UBND xã Hưng Trạch đã không chi trả số tiền hỗ trợ di dời (10 triệu đồng/hộ) cho 100 hộ dân (giai đoạn một) mà lấy toàn bộ số tiền đó (một tỷ đồng) gửi vào quỹ tiết kiệm. Sau khi việc làm sai trái này bị báo chí nêu, lãnh đạo xã Hưng Trạch đã rút tiền về chi trả cho người dân.

Việc đầu tư dự án khu tái định cư phòng tránh thiên tai gồm hai nội dung chính. Ðó là đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất để ổn định đời sống cho người dân. Quá trình triển khai ở Quảng Bình cho thấy, việc hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi vùng sạt lở và ổn định đời sống tại nơi ở mới chưa được các ngành, địa phương thật sự quan tâm. Trái lại, việc xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư, dường như được quan tâm thái quá và lúc nào cũng vượt kế hoạch đề ra. Chỉ riêng năm 2009, phần lớn số vốn đầu tư hạ tầng thuộc chương trình đều được bố trí để trả nợ cho năm 2008. Trong khi đó, có huyện chưa sử dụng đồng nào trong số kinh phí được phân bổ để hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi vùng sạt lở.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư thường được giao cho Ban quản lý dự án các huyện, thành phố thực hiện một cách 'nhanh tay lẹ mắt' còn việc di dân phòng tránh thiên tai thì giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ với một cán bộ kiêm nhiệm nên không thể đảm đương hết được, dẫn đến hiệu quả thấp. Khu tái định cư xã Hồng Thủy như đã nêu ở trên là minh chứng cho sự bất cập này.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang, sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý, chỉ đạo chương trình di dân tái định cư phòng tránh thiên tai thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Việc tham mưu bố trí nguồn vốn chưa sát với thực tế của các địa phương, dẫn đến hiệu quả thấp, nhất là việc di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai.

Nhu cầu tái định cư phòng tránh thiên tai ở Quảng Bình là rất lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư. Mỗi năm, tỉnh Quảng Bình được cấp hàng chục tỷ đồng đầu tư cho chương trình này. Thế nhưng, nguồn vốn đầu tư lại bố trí dàn trải nên hiệu quả đầu tư thấp, ảnh hưởng đời sống người dân tại nơi ở mới, các hộ gia đình thuộc diện phải di dời phần lớn khó khăn, nguồn vốn hỗ trợ chưa đủ cho việc di dân và tạo lập cuộc sống tại nơi ở mới. Vì thế, việc di dân đến các khu tái định cư còn chậm.

Ðể khắc phục tình trạng trên, vừa qua tỉnh Quảng Bình đã rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư năm 2011-2015. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Bình gắn quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư phòng tránh lũ lụt với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn vốn để xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất để bảo đảm đời sống cho người dân.

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Bình dự kiến bố trí lại nơi ở ổn định cho hơn 24 nghìn hộ ở các vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai. Ðối với các dự án di dân tập trung, tỉnh sẽ hoàn chỉnh hệ thống giao thông, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, trạm y tế và có đủ đất sản xuất nông, lâm nghiệp cho người dân. Tỉnh cũng ban hành các chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, chế biến nông, lâm sản cho người dân khi đến khu tái định cư.

Theo Hương Giang (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0