Tại mỗi địa phương, UBND tỉnh sẽ căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể để quy định điều kiện, diện tích tối thiểu tách thửa đất đối với từng loại đất.

Tại Thanh Hóa, diện tích tối thiểu tách thửa đất được quy định tại Quyết định 4463/2014/QĐ-UBNDdo UBND tỉnh ban hành ngày 12/12/2014 và được bổ sung tại Quyết định 4655/2017/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 15/12/2017 và đến thời điểm hiện tại các Quyết định này vẫn còn hiệu lực thi hành.

Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Thanh Hóa hiện nay là bao nhiêu?

Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Thanh Hóa hiện nay là bao nhiêu? Hình minh họa

Điều kiện tách thửa đất tại Thanh Hóa

Quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất tại tỉnh Thanh Hóa áp dụng cho các địa phương trong tỉnh bao gồm 2 thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, 2 thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn và 23 huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Đông Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Lang Chánh, Mường Lát, Nga Sơn, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống, Quan Hóa, Quan Sơn, Quảng Xương, Thạch Thành, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Thường Xuân, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Yên Định.

Để được phép tách thửa, các thửa đất phải đảm bảo các điều kiện chung tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

- Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Thửa đất không thuộc trường hợp có tranh chấp (có tranh chấp thường được hiểu là việc có khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu giải quyết tranh chập tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đang được các cơ quan này thụ lý, giải quyết);

- Thửa đất còn thời hạn sử dụng theo quy định của Luật Đất đai 2013 đối với từng loại đất;

- Quyền sử dụng thửa đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;

- Ngoài ra, diện tích thửa đất được phép tách thửa, phải đảm bảo thửa đất còn lại và các thửa đất được hình thành sau khi tách thửa đất ở đề về diện tích, kích thước theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Thanh Hóa

- Đối với đất ở đô thị: Theo khoản 2 Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND thì diện tích thửa đất được phép tách thửa, phải đảm bảo thửa đất còn lại và các thửa đất được hình thành sau khi tách thửa có diện tích và kích thước cạnh tối thiểu (không bao gồm phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông) như sau:

+ Về diện tích là 40m2;

+ Về kích thước cạnh là 3m.

- Đối với đất ở nông thôn: Diện tích thửa đất được phép tách thửa, phải đảm bảo thửa đất còn lại và các thửa đất được hình thành sau khi tách thửa có diện tích và kích thước cạnh tối thiểu (không bao gồm phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông) như sau:

a) Đối với địa bàn xã đồng bằng thuộc huyện, thị xã, thành phố:

+ Về diện tích là 50m2;

+ Về kích thước cạnh là 4m.

b) Đối với địa bàn xã miền núi

+ Về diện tích là 60m2;

+ Về kích thước cạnh là 5m.

c) Đối với địa bàn xã Hải Thanh, xã Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia; xã Ngư Lộc huyện Hậu Lộc

+ Về diện tích là 30m2;

+ Về kích thước cạnh là 3m.

Trình tự thủ tục thực hiện tách thửa đất tại Thanh Hóa

Theo Quyết định số 2509/QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành ngày 14/7/2023 về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đất đai tại Thanh Hóa, tách thửa đất, hợp thửa đất được tiến hành như sau:

Download Mẫu Đơn đề nghị tách thửa theo mẫu số 11/ĐK

Bước 1: Chuần bị hồ sơ

a) Hồ sơ khi thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất:

- Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK: Bản chính;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

b) Hồ sơ khi thực hiện thủ tục tách thửa đất từ Giấy chứng nhận đã cấp chung cho nhiều thửa đất để cấp riêng một Giấy chứng nhận:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK: Bản chính.

Đối với trường hợp thửa đất được tách ra từ Giấy chứng nhận đã cấp chung cho nhiều thửa đất để cấp riêng một Giấy chứng nhận thì không kê khai, không xác nhận các thông tin tại điểm 5 của mục I, các mục II và IV của Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

c) Đối với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi thông tin về pháp nhân trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người sử dụng đất nộp thêm các giấy tờ sau đây:

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc công nhận việc thay đổi thông tin pháp nhân đối với trường hợp thay đổi thông tin về pháp nhân của tổ chức đã ghi trên Giấy chứng nhận.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Trong cùng ngày tiếp nhận hồ sơ, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chuyển hồ sơ về Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa để giải quyết theo quy định.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa có trách nhiệm thực hiện:

+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

+ Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;

+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp.

- Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa thực hiện các công việc sau:

+ Đo đạc địa chính chia tách thửa đất và lập bản trích lục thửa đất mới tách theo kết quả đo đạc địa chính để chuyển cho người sử dụng đất thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng một phần thửa đất mới tách.

+ Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất.

- Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:

+ Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;

+ Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất

Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày làm việc.

Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.