15/08/2019 8:42 AM
CafeLand - Nhà ở xã hội được bán cho các đối tượng đặc biệt với giá thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại; bởi vậy, nhiều người không thuộc diện được mua nhà ở xã hội nên quyết định mua suất nhà ở xã hội của người khác.

Việc mua lại suất nhà ở xã hội của người khác có thể là để ở hoặc để bán lại nhằm kiếm lợi nhuận; dù là vì lý do gì thì việc làm này cũng chứa đầy rủi ro cho người mua lại suất nhà ở xã hội.

Sau đây, tôi sẽ phân tích rõ những rủi ro và thiệt hại mà người mua lại suất nhà ở xã hội có thể gặp phải.

Thực tế, nhiều người mua lại suất nhà ở xã hội cho một căn hộ nhà ở xã hội 700 triệu đồng với mức giá 50 triệu đồng (tức là họ mua căn hộ nhà ở xã hội đó với giá 750 triệu đồng, 700 triệu đồng là giá bán của chủ đầu tư và 50 triệu đồng là trả cho người có suất mua); tuy nhiên về mặt pháp lý thì căn hộ đó không thuộc về họ dù đã đóng đủ tiền mà thuộc về người có suất mua nhà ở xã hội.

Mặt khác, theo khoản 5 điều 62 Luật nhà ở năm 2014 quy định bên mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 05 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.

Như vậy, dù đã thanh toán đủ tiền cho người bán suất nhà ở xã hội nhưng tối thiểu là phải mất 05 năm đợi chờ mới được chuyển qua tên mình trên mặt pháp lý; chưa nói, khi muốn sang qua tên mình thì người bán còn đòi thêm nhiều khoản tiền vô lý khác mới đồng ý ký giấy tờ để làm các thủ tục liên quan – khi đấy người mua lại suất nhà ở xã hội cũng đành chấp nhận vì mình đã rơi vào thế bí.

Vì pháp luật không thừa nhận việc mua lại suất nhà ở xã hội nên người mua và người bán suất nhà ở xã hội chỉ viết giấy tờ tay, hợp đồng này hoàn toàn vô hiệu, nếu người bán trở mặt đổi ý không bán nữa thì người mua cũng đành chấp nhận; người mua nhận lại tiền, người bán lấy lại nhà, và số tiền mà người mua từng đưa cho người bán coi như khoản tiền cho mượn không lãi suất.

Qua nội dung phân tích ở trên hi vọng mọi người đừng ham rẻ mà mua lại suất nhà ở xã hội để rồi gánh phải các rủi ro pháp lý và thiệt hại về phần mình.

Thổ Kim
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.