06/11/2014 1:52 PM
Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Ba tôi năm nay cũng đã có tuổi. Hiện ông muốn lập di chúc để lại tài sản phân chia cho các con.

Vậy trong trường hợp này cần phải đến cơ quan nào làm, có cần thủ tục gì nhiều không? Một vấn đề nữa là sau này khi các con là chúng tôi trước khi nhận tài sản được phân chia theo bản di chúc đó thì có cần phải nộp khoản thuế nào không?

Rất mong được giải đáp giúp.

quyvuvan@...

Về câu hỏi của Bạn, Công ty ANT Lawyers xin trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 649 và 650 Bộ luật Dân sự thì Hình thức của di chúc gồm :Di chúc bằng miệng; Di chúc bằng văn bản, không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản, có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực.

Di chúc miệng:

Theo Điều 651, Bộ Luật Dân sự, di chúc miệng được lập khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

3. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực (khoản 2, Điều 652).

Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:

Theo quy định tại Điều 655 quy định với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.

2. Gồm đủ các nội dung:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản;

đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:

Theo Điều 656 quy định: Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

Di chúc có công chứng hoặc chứng thực :

Theo quy định tại Điều 658 BLDS, việc lập di chúc có thể được thực hiện tại cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; thủ tục như sau:

- Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc;

- Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Vấn đề nhận tài sản thừa kế có phải nộp thuế?

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 08 năm 2013 thì Thu nhập từ nhận thừa kế theo di chúc là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân; trừ trường hợp Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau, thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

CafeLand kết hợp Công ty Luật ANT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.