Sơ đồ tên các khu nhà tại một khu đô thị ở Hà Nội
Hà Nội 36 phố phường
Ở Hà Nội, khu vực phố cổ 36 phố phường nổi tiếng được đặt theo tên các phố nghề cổ truyền. Các tên đường phố ngày nay được đặt tên không phải tùy tiện, ngẫu hứng mà phần lớn được tuân theo một quy tắc đã có từ năm 1945 nhờ sáng kiến của bác sỹ Trần Văn Lai. Quy tắc là: phố phường Hà Nội được đặt tên theo cụm, mỗi cụm tương ứng với một thời, một triều đại nhất định trong lịch sử với tên đường phố là các danh nhân Việt Nam.
Nói một cách khác, người ta có thể học lịch sử thông qua tên các đường phố. Mạn xung quanh hồ Gươm – trung tâm Thủ đô là khu vực của các triều đại mở đầu của đất nước: Ngô, Đinh, Tiền Lý. Khu vực Hồ Tây là nơi tập trung những khu phố mang tên các văn nghệ sĩ lớn: Xuân Diệu, Tô Ngọc Vân, Đặng Thai Mai. Những đường phố khu vực doanh trại quân đội đường Trường Chinh được mang tên những vị tướng tài ba: Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn… Con đường chạy qua trước cổng Đại học Y Hà Nội mang tên giáo sư bác sỹ nổi tiếng Tôn Thất Tùng… Rất nhiều ý nghĩa lịch sử được gắn với tên các đường phố.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa hiện nay càng ngày Hà Nội càng mở rộng. Những tuyến phố mới có thể đặt theo tên làng xã gốc tại đấy như: đường Mỹ Đình, phố Thanh Bảo, phố Yên Hòa, phố Trung Kính,… Và rất nhiều tên đường mới cũng được đặt theo tên các vị danh nhân, tuy nhiên không còn được sắp xếp theo cụm. Một số khu đô thị tên đường còn được đánh số như khu đô thị Trung Yên có các con đường được đánh số từ Trung Yên 1 đến Trung Yên 15 kèm theo các ký tự A, B, C, D. Việc đánh số này cũng tương đối khoa học nhưng vẫn dễ khiến người ta nhầm lẫn nếu phải tìm địa chỉ nhà trong khu vực này.
Nên chăng, cùng với việc quy hoạch các tuyến đường mới, việc đặt tên các con đường cũng có quy hoạch trước để tạo ý nghĩa lịch sử, tránh gây nhầm lần. Và dưới bảng tên các tuyến đường theo tên danh nhân nên có một bảng giới thiệu về vị danh nhân đó để nhiều người dân được hiểu biết thêm về con đường mà mình cư trú.
Trận đồ địa chỉ căn hộ chung cư
Tên đường phố phức tạp như thế nhưng việc tìm địa chỉ nhà ở Hà Nội cũng không kém phần rắc rối. Nếu nhà ở các tuyến phố đánh số chẵn – lẻ thì việc xác định khá dễ dàng, nhưng nếu đi vào các khu tập thể hay các khu đô thị mới thì quả thật là phức tạp.
Các khu ở khu đô thị Yên Hòa và Trung Yên chia theo lô từ Lô 1A, 1B, 1C… đến Lô 15D. Khu chung cư Trung Hòa Nhân Chính thì đánh số theo thứ tự từ 17T1 đến 17T9, 18T1, 18T2, 19T1, 29T1, 34T1. Khu tái định cư Trung Hòa Nhân Chính được đánh số từ N1A đến N6D, khu tập thể Thanh Xuân Bắc được đánh số từ A1 đến E8… Rất khó hiểu cách đặt tên và đánh số các tòa nhà thực hiện theo trật tự và quy tắc nào trên tổng thể.
Việc tìm ra địa chỉ nhà khi đi vào các khu đô thị hay khu tập thể quả thật là cực phức tạp. Nếu không định vị trước tổng thể trên bản đồ Hà Nội, người ta sẽ vô cùng khó để xác định ranh giới giữa các khu đô thị mới không có dải phân cách cứng. Cách tìm địa chỉ theo số lô, tên tòa nhà, số tổ dân phố cũng gây rất nhiều rắc rối.
Sự thực là Hà Nội là một khu đô thị lớn. Việc xác định địa chỉ phải dựa trên số nhà và đường phố là cơ bản. Các tòa nhà có tên riêng cũng nên có địa chỉ số rõ ràng gắn liền với đường phố. Như vậy cách xác định địa chỉ nhà sẽ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn cho người sử dụng.