Nguyễn Huy Vịnh (Gia Lâm, Hà Nội)
Trả lời: Theo dữ kiện ông nêu thì việc UBND các cấp đã giải quyết tranh chấp đất đai khi gia đình ông có tên trong sổ địa chính là vi phạm Điều 136 - Luật Đất đai. Theo quy định này, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trường hợp gia đình ông thuộc Tòa án nhân dân, không thuộc thẩm quyền của UBND. Còn việc cưỡng chế thu hồi đất phải đảm bảo theo quy định của pháp luật, nếu quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của UBND cấp huyện đã có hiệu lực mà các bên không tự nguyện thực hiện thì một trong các bên phải có yêu cầu thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đó.
UBND đã ban hành quyết định giải quyết tranh chấp phải ra quyết định cưỡng chế thực hiện theo nội dung quyết định giải quyết tranh chấp. Do đó, nếu UBND huyện Gia Lâm chưa có quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên, thì không có một cơ quan nào có thẩm quyền cưỡng chế đất ông đang sử dụng hợp pháp. UBND xã tổ chức thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất không có quyết định cưỡng chế của cấp có thẩm quyền là sai với quy định của pháp luật. Người nào phá khóa cửa vào nhà đo đạc, chặt cây, phá đường hoặc hành vi khác xâm phạm đến quyền về tài sản của gia đình ông là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự.
Ông có thể làm đơn đến các cấp chính quyền đã ban hành quyết định hoặc cơ quan quản lý người có hành vi trái pháp luật để được giải quyết. Cấp nào, người nào nếu làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho ông và gia đình ông theo quy định của pháp luật.
LS Dương Minh Kha