Luật sư Đàm Bảo Hoàng, Đoàn luật sư TP.HCM
Đầu tiên, cần kiểm tra lý lịch và tên tuổi của chủ đầu tư xem doanh nghiệp có từng bị kiện tụng tranh chấp gì hay không. Chủ đầu tư có nhiều dự án lớn cũng là một cơ sở để yên tâm. Sau đó lên Internet để kiểm tra sơ bộ thông tin dự án.
Bước thứ hai cần đến UBND phường/xã nơi có dự án để kiểm tra xem dự án có giấy tờ gì chưa, có sổ đỏ chưa, dự án đã được phê duyệt chưa, có giấy phép xây dựng hay chưa. Sau đó, đến UBND quận nơi có dự án xem quy hoạch của dự án.
Sau khi tiến hành xong các bước trên, người mua mới đến gặp chủ đầu tư, trước khi đặt cọc xuống tiền, cần yêu cầu chủ đầu tư cho xem dự án đã được ngân hàng bảo lãnh chưa. Hiện nay, nhiều người không chú ý việc này dù Luật Kinh doanh bất động sản đã có quy định.
Nếu là dự án xây dựng hình hành trong tương lai phải xem dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng (đường xá, điện nước,...) hay chưa. Nếu chưa thì rủi ro cho người đi mua là rất cao vì nhiều chủ đầu tư chưa làm cơ sở hạ tầng nhưng đã mang dự án đi kinh doanh trong khi quy định là phải làm cơ sở hạ tầng mới được bán. Có nhiều người đi mua nhà đất nhưng chưa một lần xuống dự án vì tâm lý cho rằng thị trường đang nóng sốt nên chậm ngày nào mất cơ hội ngày đó.
Nếu sau khi ký hợp đồng rồi mới biết chủ đầu tư sai phạm thì nhà đầu tư phải đi thu thập chứng cứ để khẳng định rằng chủ đầu tư sai phạm và làm việc với chủ đầu tư. Cần lập biên bản cam kết sẽ xử lý sai phạm trong bao lâu. Nếu quá thời gian đó mà vẫn chưa khắc phục thì chế tài như thế nào, cần phải liệt kê rõ trong văn bản này và yêu cầu phía chủ đầu tư ký vào.
Trong trường hợp chủ đầu tư không hợp tác, nhà đầu tư phải làm đơn khiếu nại và khởi kiện ra tòa. Có thể yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc thanh lý hợp đồng. Nếu không đủ khả năng thu thập chứng cứ thì cần nhờ các đơn vị tư vấn pháp luật như luật sư để tránh rủi ro tiền mất tật mang hoặc khiếu nại kéo dài.