Cập nhật 29/07/2018 8:54 AM
Đầu tư nhà máy gạch 14 tỷ đồng, năm đầu tiên tưởng phá sản nhưng thương binh Nguyễn Văn Sáu đã vượt qua khó khăn.

Thương binh Nguyễn Văn Sáu. Ảnh: Đắc Thành.

Mỗi ngày từ 6h sáng, ông Nguyễn Văn Sáu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) rời nhà đến nhà máy sản xuất gạch của mình.

Việc đầu tiên trong ngày của vị giám đốc là dạo quanh khuôn viên rộng 19.000 mét vuông để kiểm tra, quan sát dây chuyền nhà máy, bố trí công việc để dây chuyền hoạt động lúc 7h30 phút. Đây là thói quen cũng là công việc thường ngày giúp ông điều hành nhà máy hiệu quả.

Người cựu binh 58 tuổi kể, trong chiến tranh, cha mẹ ông nuôi dấu cán bộ cách mạng trong nhà, còn ông từ nhỏ đã làm nhiệm vụ liên lạc cho bộ đội.

Tháng 10/1978, ông tốt nghiệp cấp 3 và thi đậu vào trường Đại học kinh tế Đà Nẵng nhưng quyết định không đến trường mà tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Ông được biên chế vào Trung đoàn 96, Sư đoàn 309 chiến đấu vùng Đông bắc (Campuchia).

Ở chiến trường, ông bị thương với nhiều mảnh đạn găm vào người, trong đó một mảnh vẫn nằm trong đầu. Năm 1981 ông ra quân và mang thương tật xếp hạng thương binh 3/4.

Người cựu binh trở về địa phương tham gia các phong trào sản xuất nông nghiệp ở xã. Đến năm 1985, ông được nhà nước cho đi học trường trung cấp Thương mại Trung ương 2 ở Đà Nẵng.

Sau hai năm theo học, ông được biên chế vào công ty thực phẩm, tuy nhiên ông từ chối để trở về địa phương gom vốn mở xưởng mộc, rồi mở thêm xưởng cưa sản xuất đồ trang trí nội thất. Công việc này đem lại cho ông khoản thu nhập khá lớn.

Sau gần 20 năm xưởng mộc của ông hoạt động, nhà nước có lệnh cấm khai thác gỗ, vật liệu khan hiếm nên ông đóng cửa. Khi tìm hiểu nhu cầu vật liệu xây dựng trên thị trường, ông Sáu quyết định đầu tư nhà máy sản xuất gạch tuynel.

Ông đánh giá thị trường ở Quảng Nam rất tiềm năng. Hơn nữa quê hương ông chưa ai sản xuất gạch theo hình này mà đang làm gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, năng suất không cao.

Người cựu binh đi nhiều nơi tìm hiểu rồi lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất 50.000 viên gạch mỗi ngày, vốn đầu tư 14 tỷ đồng. Ông và một người bạn góp được 8 tỷ đồng, để có số còn lại ông ra ngân hàng cầm cố tài sản vay 6 tỷ đồng.

Khi ông bắt tay làm thì vợ con, bạn bè hoài nghi. Có người nói trước mặt ông rằng chắc bị điên khùng, bởi nhà máy có vốn đầu tư quá lớn. Nhiều người ngăn ông dừng ngay công việc này không sẽ rơi vào cảnh "trắng tay".

Sản phẩm gạch của nhà máy Gia Phú. Ảnh: Đắc Thành.

Năm 2006, công ty trách nhiệm hữu hạn gạch tuynel Gia Phú, tại Cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) do ông làm giám đốc ra đời. Mặc cho mọi người “dèm pha”, ông quyết tâm xây dựng nhà máy với lý do thị trường gạch rộng lớn, nhà cửa, công trình được xây cất ngày càng nhiều nên loại vật liệu này sẽ được đón nhận với số lượng lớn.

Ngày khai trương nhà máy, hàng chục nghìn viên gạch xuất xưởng cũng là lúc ông Sáu đón nhận quả đắng bởi kinh nghiệm chưa có, gạch làm ra không đảm bảo chất lượng và bị từ chối; nếu có người mua thì giá bán chỉ một nửa so với thị trường.

Không chịu thất bại ông tiếp tục đi nhiều nơi học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Để có vốn duy trì nhà máy, người cựu binh tiếp tục vay mượn ngân hàng. Sau hơn một năm, sản phẩm gạch Gia Phú ra lò đã đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Khó khăn rất nhiều nhưng phải có niềm tin vào chính mình. Có phương án đầu tư và cách thức làm ăn cùng ý chí thì sẽ thành công”, ông Sáu nói và cho rằng khi sản phẩm của mình được biết đến thì họ tự tìm đến mua. Gạch của ông do các đại lý buôn bán vật liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến tận nơi lấy, cứ ra lò là được mua hết.

Hiện mỗi năm nhà máy của ông Sáu sản xuất được 7 triệu viên gạch tuynel, doanh thu 7 tỷ đồng, lợi nhuận hơn một tỷ đồng. Không dừng lại ở thành công này, ông đang triển khai làm nhà máy gạch không nung và khẳng định "sản phẩm tôi làm ra sẽ khác hẳn với thị trường”.

Nhờ nhà máy của ông Sáu, gần 50 lao động trong vùng có việc làm ổn định với mức lương 4-6 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó có 37 người là vợ, con cựu binh, thương binh và gia đình chính sách.

Bà Nguyễn Thị Tâm, vợ của cựu binh cho biết, từ ngày ông Sáu mở công ty đã ưu ái tuyển bà vào làm việc, mỗi tháng thu nhập 4,5 triệu đồng trong suốt 10 năm qua. “Ở quê có việc làm và thu nhập như vậy nên cuộc sống gia đình mới đỡ vất vả, con cháu được học hành”, bà Tâm nói.

Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Duy Xuyên Võ Long Bình chia sẻ, "anh Sáu là gương sáng thương binh làm kinh tế giỏi". Ngoài chủ doanh nghiệp, ông Sáu còn giữ chức Trưởng ban Công tác mặt trận, Chi hội phó Chi hội Hội cựu chiến binh thôn. Mỗi tháng, vợ chồng ông Sáu còn nấu 400 suất cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại trung tâm y tế huyện.

VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.