Họ hứa với tôi các khoản phúc lợi như tiền thuê nhà, chế độ thưởng theo dự án, thưởng theo quý, năm, hỗ trợ mua xe hơi đi làm, tiền xăng xe hàng tháng...

Tôi đã 8 năm làm trưởng phòng cho một công ty của châu Âu, lương được trả bằng USD với đuôi ba số 0, được đi đào tạo và công tác nước ngoài thường xuyên, sếp tin tưởng, đồng nghiệp yêu thương... Thế nhưng ma xui quỷ dẫn đường thế nào đó tôi lại nộp đơn vào một công ty của Việt Nam, chuyên nhập đồ nội thất từ Trung Quốc, dán nhãn Việt rồi phân phối ra thị trường.

Bạn bè và gia đình đều đã khuyên nhủ với nhiều lý lẽ như các doanh nghiệp Việt Nam chỉ nói chứ không làm, vốn không đủ mạnh để vượt qua cơn bão kinh tế ... Còn sếp cũ đặt nhiều hy vọng vào tôi, khuyên nhủ từ nhỏ nhẹ đến nóng giận để giữ tôi ở lại. Nhưng bỏ qua tất cả, tôi vẫn dứt áo ra đi một cách lạnh lùng.

Ứng tuyển vào vị trí mới, tôi vượt qua 3 vòng phỏng vấn một cách tự tin và yêu cầu mức lương cao hơn mức lương hiện tại vì tôi chỉ muốn xem quy trình phỏng vấn của một doanh nghiệp Việt Nam như thế nào.

Sau 3 vòng, họ mời tôi đi uống cà phê, đi ăn tối cùng giám đốc điều hành (CEO) và đưa ra một mức lương chỉ bằng 60% tôi yêu cầu (gần tương đương mức lương cũ của tôi) kèm với các khoản phúc lợi như tiền thuê nhà, chế độ thưởng theo dự án, thưởng theo quý, năm, hỗ trợ mua xe hơi đi làm, tiền xăng xe hàng tháng...

Họ cũng đưa ra rất nhiều đặc quyền nào là vị trí của tôi tương đương một giám đốc của một chi nhánh công ty, có toàn quyền quyết định, chỉ sau CEO. Họ đáp ứng tất cả yêu cầu thay đổi của tôi. Tôi sẽ được đi châu Âu năm sau (giấc mơ của tôi) và một “tuyệt chiêu” cuối cùng làm tôi gục ngã là họ đang cần "hiền tài": “Lưu Bị” cầu “Khổng Minh, Quan Vũ”. Giữa tôi và họ không phải là quan hệ của kẻ thuê và người làm thuê.

Tôi như kẻ “say nắng” trước “người tình” quá ngọt ngào và quyến rũ này, và rũ bỏ “người vợ” già nua để chạy theo cơn say.

Và thực tế thì sao? Bước vào công ty là bắt đầu thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong giao tiếp giữa các phòng ban, thiếu hợp tác và tôn trọng người khác, thủ tục rườm rà, chiến lược không rõ ràng, mô hình quản lý quá phức tạp đối với một doanh nghiệp Việt Nam.

Một anh nhân viên kinh doanh có thể gọi điện hạch sách tôi về cách làm việc của phòng tôi (có lẽ thấy tôi là “ma” mới ). Rồi các quyết định thay đổi không được đáp ứng, chi phí thì 2 tháng sau mới được duyệt nhưng cũng phải nhắc nhiều lần. Sốc hơn nữa là vợ sếp (CEO) là trưởng nhóm trong phòng tôi.

Dần dần họ lộ ra là công ty gia đình. Mọi quyết định không qua nổi 2 người: sếp và vợ sếp. Tôi giống như người rơm, đứng cho có tụ.

Sau 5 tháng, khi tôi hoàn tất thành công một dự án thì cái gọi là thưởng, hỗ trợ mua xe, tiền xăng vẫn bặt tăm.

Rồi những công thần lâu năm trước mặt sếp thì "vâng, dạ", nhưng sau lưng thì làm những việc trái với quy tắc nghề nghiệp.

Tôi thấy những điều đó, viết e-mail lên tiếng thẳng tay thay đổi nhân sự, những tưởng như thế sẽ được đáp ứng (như lời thỏa thuận khi phỏng vấn). Nhưng kết quả ngược lại, sếp yêu cầu tôi giữ lại những người đó.

Tôi bày tỏ sự không hài lòng và có quyết định từ chức nhưng trưởng phòng nhân sự (tôi xem như một người bạn) đã khuyên tôi ở lại. Tôi đồng ý. Nhưng vài ngày sau, CEO cùng trưởng phòng nhân sự xuống và yêu cầu tôi thôi việc ngay trong sự ngạc nhiên tột độ.

Từ một kẻ muốn từ chức (kèo trên) tôi thành một kẻ bị yêu cầu từ chức (kèo dưới). Tôi sốc nguyên đêm đó không ngủ được.

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao một số công ty đối thủ lại có người là nhân viên cũ của công ty này.

Nếu họ không ký hợp đồng sau 2 tháng thử việc thì tôi không việc gì phải phàn nàn. Đằng này hợp đồng đã ký hơn 3 tháng, vậy nên không thể nói là tôi không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Tôi trách mình nhiều hơn trách họ vì “già đầu còn bị dụ”, chỉ vì một cơn “say nắng” với những chính sách cực kỳ ưu đãi (tưởng bở) mà tôi đánh đổi một công việc đang ổn định, đưa gia đình vào tình huống khó khăn để qua một môi trường ô hợp. Để rồi tôi phải làm việc dưới trướng một CEO chỉ giỏi khoe khoang và thích nịnh bợ, nhân viên thì đấu đá lẫn nhau, chỉ lo chứng tỏ cái tôi chứ không tiếp thu sự cải tiến để.

Đây là một cái giá quá đắt cho tôi vì tốn thời gian tìm lại một công việc tốt như trước không hề đơn giản.

Tôi rút ra một kinh nghiệm: “Không tin và làm việc cho những doanh nghiệp Việt Nam, trừ khi mình là CEO và đồng chủ tịch của công ty”. “Công ty Việt Nam, từ nay em xin chừa!” là kết luận cuối cùng của tôi.

Theo Henry Pham (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.