Mặc dù dự báo tăng trưởng vẫn khá cao, song hàng loạt vụ lùm xùm liên tiếp xảy ra liên quan đến các công ty nước giải khát thời gian gần đây đã khiến nhiều người quan ngại về sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Nhưng cũng không phải chỉ nước giải khát có gas mới bị tẩy chay và sụt giảm doanh số nghiêm trọng mà nhiều loại nước giải khát khác như trà xanh và nước tăng lực cũng khiến người tiêu dùng lo lắng về hàm lượng đường cao và tính an toàn của các hương phụ liệu. Nhiều doanh nghiệp nước giải khát đã chuyển hướng sang đầu tư, sản xuất các loại thức uống bổ dưỡng. Tuy nhiên, trong một cuộc chơi khốc liệt, không phải kẻ đến sau nào cũng tạo được cơ hội bứt phá.

Theo Công ty Chứng khoán VietinbankSC, tổng doanh thu ngành nước giải khát không cồn Việt Nam năm 2014 đạt gần 80.320 tỷ đồng. Trong khi đó, một báo cáo phân tích của Canadean – một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường bia, rượu và nước giải khát có gas- cho biết, thị trường đồ uống có gas tại Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng trong vài năm gần đây, sản lượng tiêu thụ đã tăng từ mức 587 triệu lít năm 2010 lên 836 triệu lít năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,2%/năm.

Một khảo sát khác của tổ chức BMI cho thấy, thị trường nước giải khát Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng nóng 19,35%/năm trong suốt giai đoạn 2009-2013, bất chấp khủng hoảng kinh tế kéo theo sự đi xuống của hầu hết các ngành kinh tế. Trong 5 năm từ 2013-2018, theo BMI, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành này vẫn sẽ đạt 14,2%/năm tính theo doanh thu và 7%/năm tính theo doanh số.

Khi người dẫn đầu bối rối

Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, ngành công nghiệp nước giải khát được chia làm 3 nhóm chính. Nhóm nước ngọt có gas với các sản phẩm Cola của Coca – Cola, Pepsi, 7Up, Mirinda, Twister, Sting, Cola Number One, Cream Soda Number One, Soda… Nhóm nước ngọt không có gas như nước ép trái cây, sữa đậu nành, trà xanh không độ, nước yến, cà phê đóng lon, nước tăng lực Number One… Nhóm nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, đóng bình như La Vie, Aquafina, Vĩnh Hảo, Dasani…

Ở nhóm nước ngọt có gas, cả hai gã khổng lồ của thị trường là Coca – Cola và Pepsi đều đang gặp khó khăn ở hầu hết các thị trường trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt tại thị trường Mỹ, nơi có lượng tiêu thụ nước có gas thuộc hàng lớn nhất trên thế giới thì doanh số bán chung của các sản phẩm nước uống có gas đã giảm 11 năm liên tiếp. Lượng nước ngọt có gas bán ra đã giảm 1,2% trong năm 2015, giảm mạnh hơn so với mức giảm 0,9% của năm 2014. Trong đó, mức sụt giảm của PepsiCo là 0,42%, Coca – Cola là 1,28% và Dr Pepper Snapple là 1,13% (theo Fortune).

Tuy vào cuộc muộn nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước đã sớm tìm ra “ngách” đi riêng với sản phẩm nước giải khát từ trà xanh, đậu nành, hoa quả….

Tại thị trường Việt Nam, mặc dù vẫn là 2 gã khổng lồ trong ngành nước giải khát có gas với doanh số khủng và liên tục tăng trưởng, nhưng trong vài năm trở lại đây cả 2 hãng đồ uống lớn nhất thế giới này đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh số. Khó thay đổi tình thế, cả Coca-Cola và Pepsi đều có những động thái cắt giảm chi phí tối đa.

Trước đây, PepsiCo Việt Nam có 5 trụ sở chính tại TP.HCM, miền Đông, miền Tây, miền Trung, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Nhưng trong năm 2015, hãng đã phải cắt giảm mạnh biên chế, chỉ còn 2 trụ sở: trụ sở TP.HCM (phụ trách toàn khu vực TP.HCM, miền Đông, miền Tây) và trụ sở Hà Nội (phụ trách toàn khu vực Hà Nội, miền Trung và các tỉnh phía Bắc).

Một nguồn tin đáng tin cậy của DOANH NHÂN cho hay, mặc dù Pepsi Cola là thương hiệu chính, cạnh tranh trực tiếp với Coca-Cola, nhưng đang đóng góp doanh số không đáng kể cho Suntory PepsiCo tại thị trường Việt Nam. Nhiều năm gần đây, doanh số của Suntory PepsiCo chủ yếu đến từ Sting với khoảng 60% doanh số, Aquafina chiếm 20%, Pepsi 10%, còn lại là các nhãn hàng khác.

Một nghiên cứu thị trường của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, đến giữa năm 2013, Sting dẫn đầu thị trường nước uống tăng lực tại Việt Nam với 52% thị phần. Number One về nhì với 23% thị phần. Các thương hiệu khác chia nhau 25% thị trường còn lại gồm Samurai, Red Tiger, Rhino, Lipovitan.

Bản thân bà Indra Nooyi, Tổng giám đốc Pepsi toàn cầu cũng thừa nhận, mảng nước giải khát có gas khó cải thiện được doanh số. Theo bà, trong xu thế tiêu dùng mới, Pepsi buộc phải chuyển hướng sản xuất thêm những sản phẩm tốt cho sức khỏe, chẳng hạn bánh snack Frito-Lay hay bánh quy yến mạch Quaker. Thực tế tại Pepsi toàn cầu thì Snack (Frito-Lay) đang đem lại lợi nhuận lên tới 53% trong khi ngành đồ uống chỉ đóng góp 47% trong 10 năm nay. Tuy nhiên, những thương hiệu quốc tế như bánh snack Frito-Lay, bánh quy yến mạch Quaker khó phát triển tại Việt Nam vì giá cao.

Đầu 2016, Coca-Cola đã công bố chiến lược tiếp thị mới toàn cầu tại Việt Nam mang tên One Brand, đồng thời công bố chiến dịch Taste The Feeling (uống cùng cảm xúc). Sau nhiều năm phát triển, trước sức ép của người tiêu dùng về việc tiêu thụ hàm lượng đường và carbon quá cao từ Cola, Coca-Cola đã phải trình làng thị trường nhiều dòng sản phẩm mới như Diet Coke, Coca-Cola Zero và Coca-Cola Life bên cạnh dòng sản phẩm chủ đạo Coca-Cola. Tuy nhiên, dù đã chi nhiều tiền của cho marketing, kết quả kinh doanh của Coca-Cola cũng không mấy khả quan. Động thái gom việc marketing các nhãn hàng về một mối được lý giải nhằm tập trung, thống nhất nhận diện thương hiệu Coca trên toàn thế giới. Song bên cạnh đó cũng cho thấy, Coca-Cola đang bối rối trong chính chiến lược bán hàng của mình. Ngoài ra, việc này còn giúp hãng tiết giảm được khá nhiều chi phí để marketing cho những nhãn hiệu mới không hiệu quả.

Những người thay đổi cục diện cuộc chơi

Ngay từ những ngày đầu gia nhập thị trường, để triệt hạ các doanh nghiệp giải khát trong nước, cả Pepsi và Coca-Cola đều áp dụng chiêu giảm giá. Không chạy đua được về tài chính, nhiều doanh nghiệp trong nước khi đó đã phải chịu nhiều đau thương. Đáng kể nhất là Tribeco, buộc phải ngưng mảng sản phẩm có gas để chỉ tập trung vào sữa đậu nành. Trong khi đó, là người đi sau, Tân Hiệp Phát sớm tìm ra ngách riêng cho mình ở mảng trà xanh và nhanh chóng xây dựng được đế chế vững chắc với thị phần dẫn đầu 35,7% vào năm 2012 (theo VietinbankSC).

Đối thủ theo sau là C2 (URC) chiếm 22%; Dr Thanh của Tân Hiệp Phát giữ 13% và nước trà A Nuta Green Tea (Tân Quang Minh) chiếm 2%. Một nguồn tin cho hay, thời điểm đó, cũng với chiêu dội bom quảng cáo, Tân Hiệp Phát đã chi số tiền quảng cáo khủng bằng cả Coca-Cola và Pepsi cộng lại trên TV để phủ sóng sản phẩm trà xanh không độ của mình. Tuy nhiên, cũng là hãng có thế mạnh về trà, cách đây 2 năm, khi nhận thấy đại dương trà xanh đang bị Tân Hiệp Phát độc chiếm, Suntory PepsiCo đã chi ra số tiền quảng cáo gấp 10 lần Tân Hiệp Phát để phủ rộng thương hiệu Trà Xanh Tea Plus và gần đây là sản phẩm Matcha.

Cũng lựa chọn cho mình ngách riêng, sản phẩm Vinasoy của Công ty cổ phần Vinasoy Việt Nam, thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã xây dựng được vị thế vững chắc trong lĩnh vực sữa đậu nành. Với thị phần lên tới 82,4% (theo Nielsen), Vinasoy đang soán ngôi vương ở thị trường ngách này. Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy chia sẻ, sản phẩm bổ dưỡng sẽ là hướng đi bền vững mà Vinasoy lựa chọn. Vẫn với sản phẩm cốt lõi là đậu nành, nhưng thời gian tới, Vinasoy sẽ đa dạng hóa sản phẩm, tung ra thị trường thêm nhiều dòng sữa dinh dưỡng mới để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Tại thị trường Việt Nam, cả Coca-Cola và Pepsi đều có những động thái cắt giảm chi phí tối đa.

Cũng theo xu hướng sữa ngũ cốc, Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) cũng đã trình làng dòng sản phẩm sữa bắp LIF. Ông Trần Bảo Minh, Giám đốc điều hành IDP khẳng định, thời gian tới sẽ có thêm nhiều dòng sản phẩm sữa từ ngũ cốc được IDP giới thiệu ra thị trường. Ông Minh cũng cho rằng, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng tiêu thụ sản phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, hạn chế bớt tác hại của đường cũng như các phụ gia thực phẩm. “Chúng tôi sẽ giảm bớt lượng đường trong sữa để thay đổi dần khẩu vị của người tiêu dùng theo hướng giảm thiểu lượng đường cung cấp vào cơ thể. Lượng đường trong 1 lon sữa không lớn, nhưng nếu sử dụng mỗi ngày, cơ thể sẽ tích tụ lại một lượng đáng kể”, ông Minh thẳng thắn chia sẻ trong buổi ra mắt sữa tươi LIF. Thời gian gần đây, mặc dù Tân Hiệp Phát và URC liên tục dính khủng hoảng truyền thông về chất lượng nước giải khát, nhưng không làm cho những người mới đến nản lòng.

Nhà máy nước khoáng Thạch Bích, chi nhánh Công ty cổ phần Đường Quãng Ngãi, gần đây đã tung ra dòng sản phẩm nước tăng lực Green. Lãnh đạo Thạch Bích tiết lộ, theo kế hoạch trong năm 2016, Thạch Bích sẽ tung ra thị trường ít nhất 2 sản phẩm mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đây là chiến lược đa dạng và khác biệt hóa sản phẩm, kết hợp nguồn khoáng nóng Thạch Bích với hương liệu tự nhiên nhập khẩu từ châu Âu, nhằm phục vụ tối đa nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Một đối thủ đáng gờm khác đang tự tin tham gia thị trường nước giải khát đã có khoảng 135 doanh nghiệp đang hoạt động là Hòa Bình Group. Với nhà máy được đầu tư lên tới 1.000 tỷ đồng, công suất 200 triệu lít/năm, tương đương với Coca-Cola và Suntory PepsiCo, Hòa Bình tự tin tung ra 4 dòng sản phẩm: nước ngọt có gas V-Cola, nước tăng lực Fansipan Gold, Fansipan Red và nước uống thể thao Sport 5. Cũng với chiến lược hạ giá như cách Coca-Cola và Pepsi đã làm để triệt hạ các đối thủ, doanh nghiệp này đang rất tự tin có thể đối đầu trực diện với 2 ông lớn này.

Vậy là, mặc cho những thương hiệu lớn trên thế giới đang vật lộn với sự sụt giảm doanh số thê thảm và buộc phải tìm những ngách khác để tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa ý thức được xu hướng giảm tiêu thụ nước giải khát có gas cũng như hàm lượng đường trong sản phẩm để đón đầu thị trường. Điều này sẽ rất dễ dẫn đến bị động và không phản ứng kịp nếu chẳng may những người khổng lồ tung ra các dòng sản phẩm thay thế .

Đăng Cường (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.