Cập nhật 09/07/2013 3:13 PM
CafeLand - Cũng như một cơ thể sống, doanh nghiệp cũng trải qua những giai đoạn sinh lão-bệnh-tử. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua chúng ta chứng kiến có doanh nghiệp có lịch sử tồn tại hàng trăm năm phải phá sản. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt có những doanh nghiệp có thể kéo dài chu kỳ sống của mình và tồn tại hàng trăm năm bằng cách liên tục đổi mới.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thoát khỏi vòng xoáy kinh tế đó khi nhiều doanh nghiệp tên tuổi lừng lẫy một thời đang dần biến mất.

Sứ Hải Dương: Thương hiệu lớn giá trị nhỏ

Công ty Sứ Hải Dương được biết đến là một thương hiệu lớn ra đời từ những năm 1958 – 1960. Đây là một trong những công ty đi đầu trong kinh tế thời kỳ đổi mới, đem lại nguồn doanh thu lớn cho tỉnh Hải Dương. Nhưng càng ngày công ty càng làm ăn sa sút, liên tục làm ăn thua lỗ.

Hiện nay, vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương là 30 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 36%, Công ty Carin (mà đại diện là các lãnh đạo chủ chốt tại Sứ Hải Dương) nắm 31%, còn lại là các cổ đông khác.

Gần đây, Sứ Hải Dương liên tục gặp rắc rối các vấn đề tài chính, nhân sự, chế độ lao động…, thêm vào đó SCIC rục rịch tiến hành bán phần vốn nhà nước khiến công ty rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.

Từ xưa đến nay công ty Sứ Hải Dương được nhiều người biết đến là một thương hiệu nổi tiếng ở miền Bắc đã tồn tại hơn 50 năm, nhưng hiện nay thị phần chỉ chiếm1,5% thị trường gốm sứ cả nước, đây là một con số vô cùng khiêm tốn đối với một thương hiệu lớn.

Nếu SCIC tiến hành thoái vốn thì ai sẽ là “ông chủ” mới của thương hiệu này, hàng trăm công nhân gắn bó lâu năm với Sứ Hải Dương sẽ ra sao và thương hiệu sẽ được duy trì và phát triển không, hay thương hiệu này sẽ ngày càng mai một trong tâm trí người tiêu dùng?

Hanoimilk: vùng vẫy trong bùn lầy

Hanoimilk là một trong những doanh nghiệp nằm trong Top 3 các công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Thành lập từ năm 2001, công ty này được nhiều người biết đến với sản phẩm sữa IZZI.

Tuy nhiên, chuỗi thành công vang dội tạm chấm dứt cho tới cuối năm 2008, khi “cơn bão melamine” tràn vào Việt Nam, Hanoimilk trở thành tâm bão và chịu ảnh hưởng nặng nề. Người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu, doanh thu sụt giảm, sản phẩm bị thu hồi hàng loạt… Công ty đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức vì liên tục làm ăn thua lỗ.

Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của công ty là 1,22 tỷ đồng. Quý 1/2013 vừa qua, Hanoimilk báo lỗ ròng trước thuế là 1,3 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 6 trong 11 quý gần nhất.

Có rất nhiều nguyên nhân đẩy Hanoimilk đi xuống nhưng có lẽ nguyên nhân chính là việc đầu tư dàn trải ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, ô tô, siêu thị, chứng khoán khiến ông lớn ngành sữa không ngừng đi xuống và Hanoimilk có nguy cơ mất trắng vốn đầu tư.

Hanoimilk hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, vì thế để công ty “thoát khỏi vũng lầy” này các cổ đông chỉ còn hy vọng vào việc tìm kiếm được một ông lớn tiềm năng thâu tóm và đầu tư cho công ty, một điều ít thấy ở các công ty cổ phần.

Kem Tràng Tiền: Bài học định giá thương hiệu

của Công ty Cổ phần Tràng Tiền là một thương hiệu nổi tiếng từ những năm 1959. Đây là thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội. Kem Tràng Tiền trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, giá trị thực của thương hiệu này không chỉ có vậy mà còn nằm ở khu đất 1.500m2 mà nó sở hữu.

Nếu tính sơ qua, khu đất này nếu cho thuê thì chủ sở hữu của khu đất có thể thu về tới 3 tỷ đồng mỗi tháng. Còn nếu bán đứt thì tổng trị giá sẽ là một con số khổng lồ 1.500 tỷ đồng.

Mặc dù hiện tại, mảnh đất vàng có trị giá cao đến vậy nhưng tại thời điểm Công ty Cổ phần Tràng Tiền tiến hành cổ phần hóa vào năm 2000, với 32.000 cổ phần, mỗi cổ phần là 100.000 đồng, số tiền định giá của công ty chỉ có 3,2 tỷ đồng. Theo nhiều chuyên gia bất động sản, tại thời điểm đó, giá trị của thương hiệu Tràng Tiền vẫn là quá thấp so với giá trị thực. Vì thời điểm đó họ chỉ cần bỏ ra số tiền từ 20-30 tỷ đồng là đã có thể thôn tính được công ty Tràng Tiền.

Cuối năm 2008, lúc này mới lộ diện người đứng đằng sau thâu tóm thương hiệu Tràng Tiền khi nắm 92% số lượng cổ phiếu là ông Hà Trọng Nam. Hiện có khá ít thông tin cá nhân cũng như tiểu sử của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tràng Tiền nhưng có một chi tiết rất đáng quan tâm, người đàn ông này là anh trai của ông Hà Văn Thắm, chủ tịch tập đoàn Đại Dương, người đang nằm trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Có thể thấy, thương vụ thâu tóm thương hiệu Tràng Tiền là ví dụ tiêu biểu cho khả năng định giá tài sản bất động sản và thương hiệu quá thấp của các doanh nghiệp Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa. Và cho đến nay, đây cũng là một trong những bài học thuộc hàng "mẫu mực" dành cho các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam mỗi khi muốn thâu tóm một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Một nước đi không chỉ có được thương hiệu mà còn sở hữu được diện tích bất động sản khổng lồ.

“Sập bẫy lỗ”: Tribeco theo vết xe đổ của Dạ Lan

Tribeco là một cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực nước giải khát đã có lịch sử 20 năm hoạt động và được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong 11 năm liền. Nhưng do làm ăn không đúng cách nên mấy năm nay đành phải ngậm ngùi nhìn công ty rơi vào tay ông lớn nước ngoài.

Cái tên đầu tiên phải kể đến chính là ông lớn ngành bánh kẹo Việt Nam Kinh Đô đầu tư hợp tác làm ăn với Tribeco từ cuối năm 2005 với 35% cổ phần. Hơn 1 năm sau Tribeco lại hợp tác kinh doanh với ông lớn khác là Uni President - Tập đoàn chuyên sản xuất thực phẩm nước giải khát hàng đầu của Đài Loan với 43,6% cổ phần.

Ai cũng nghĩ, được hai ông lớn chống lưng, Tribeco sẽ thoát khỏi khó khăn nhưng thực tế không phải như vậy. Khó khăn của Tribeco ngày càng tăng thêm kể từ khi hai ông lớn xuất hiện. Theo thông báo của Tribeco tại đại hội cổ đông, 7 tháng đầu năm 2012, Tribeco lỗ tiếp gần 100 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối tháng 7/2012 lên đến 412 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng.

Có thể thấy kịch bản thâu tóm của Tribeco rất giống vụ thâu tón Dạ Lan trước đây của các đối tác ngoại. Nghĩa là, sau khi liên doanh, công ty luôn được tạo điều kiện thua lỗ triền miên bằng cách chi mạnh cho các khoản khuyến mãi, tăng lương… mục đích cho công ty lỗ càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Sau đó, liên doanh sẽ đề nghị tăng vốn lên, tất nhiên phía công ty ngoại sẵn sàng nhưng ông chủ Việt lấy tiền đâu. Chịu không nổi, bứt quá, chỉ biết bỏ cuộc, may mắn lắm thì bán lại cho đối tác bằng giá vốn.

Ngoài ra, có một chi tiết nữa cũng gây không ít thắc mắc cho giới kinh doanh là việc thâu tóm Tribeco của đối tác nước ngoài phải chăng có sự “tiếp tay” của các cổ đông lớn khi toàn bộ thành viên trong HĐQT là người của Kinh Đô đồng loạt từ nhiệm, thoái vốn và giao quyền kiểm soát Tribeco cho đối tác Đài Loan.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cần có tầm nhìn sâu rộng và sẵn sàng đương đầu với tương lai, vì thế những ý tưởng kinh doanh "ăn xổi, ở thì" rất khó tồn tại và doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải thay đổi, nếu không thay đổi câu chuyện thâu tón, phá sản sẽ lặp lại trong tương lai gần đối với các doanh nghiệp Việt.

Gia Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Sự suy sụp của những ông lớn vang bóng một thời

    Sự suy sụp của những ông lớn vang bóng một thời

    09/07/2013 3:13 PM

    CafeLand - Cũng như một cơ thể sống, doanh nghiệp cũng trải qua những giai đoạn sinh lão-bệnh-tử. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua chúng ta chứng kiến có doanh nghiệp có lịch sử tồn tại hàng trăm năm phải phá sản. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt có những doanh nghiệp có thể kéo dài chu kỳ sống của mình và tồn tại hàng trăm năm bằng cách liên tục đổi mới.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….