Từng rớt nước mắt khi chứng kiến sự cố xảy ra ở một số khu công nghiệp vừa qua, song chia sẻ với VnExpress, Chủ tịch Công ty Kinh Bắc tin rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng.
- Tính chung trong quý I, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,334 tỷ USD, bằng 50,4% so với cùng kỳ năm 2013. Là chủ các khu công nghiệp và cũng tham gia kêu gọi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về kết quả này?
- Tôi cho rằng, giá đền bù đất tại khu công nghiệp tăng nhiều là lực cản lớn nhất trong việc thu hút dòng vốn ngoại. Để kêu gọi được vốn FDI, chính quyền địa phương, cũng như công ty phát triển hạ tầng phải rất tích cực mới có thể thành công. Ở một số địa phương còn khó khăn, tôi chứng kiến có những vị lãnh đạo tỉnh kêu gọi đầu tư rất nhiệt tình, thậm chí hào hứng nghênh đón doanh nghiệp ngoại. Tỉnh nào cũng phải nhiệt tình như vậy mới có thể đi đến thành công. Trong khi thực tế, có những tỉnh có tiềm lực mạnh thì có vẻ “kiêu” chưa hào hứng mời chào.
- Theo ông, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng thế nào sau vụ gây rối tại một số khu công nghiệp vừa qua?
- Khi đi qua khu công nghiệp nhìn thấy biển doanh nghiệp chứng minh nguồn gốc đơn vị mình không liên quan đến Trung Quốc, tôi rớt nước mắt. Tuy vậy, phải thẳng thắn mà nói rằng, các doanh nghiệp tin cậy Việt Nam, họ mới đầu tư và đầu tư lâu dài. Bởi vậy, tôi tin rằng Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Theo tôi không có gì phải lo lắng cả. Đến nay doanh nghiệp tại nhiều khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Chúng tôi vẫn động viên họ và tin rằng Chính phủ sẽ hỗ trợ cũng như tạo mọi điều kiện. Nhà đầu tư đã yên tâm hơn. Đơn cử, tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) của chúng tôi, nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn cam kết rót vốn. Tôi tin tại nhiều khu khác cũng vậy.
Ông Đặng Thành Tâm: 'Tôi vui khi lớp trẻ tin mình'
- Thủ tướng vừa yêu cầu triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các đơn vị bị thiệt hại, ông đánh giá thế nào về các giải pháp này?
- Nhiều người nói Chính phủ lấy đâu ra tiền để hỗ trợ cho các trường hợp bị thiệt hại sau vụ gây rối, nhưng tôi bảo lưu quan điểm phải động viên để doanh nghiệp nước ngoài quay trở lại đầu tư vào Việt Nam. Nói gì thì nói, sau vụ việc vừa qua, sẽ có doanh nghiệp bị tổn thất. Rõ ràng tuyên bố của Thủ tướng đã làm mát lòng mát dạ doanh nghiệp. Vừa qua một số địa phương cũng đã có biện pháp rất tích cực. Đơn cử, sau sự việc xảy ra thì Thành ủy TP HCM đã họp và chủ tịch thành phố đã tuyên bố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bị tổn thất.
- Việt Nam làm thế nào để thúc đẩy ngành phụ trợ, một bài toán đặt ra đã lâu nhưng vẫn chưa có lời giải?
- Tôi cho rằng sẽ phải kêu gọi nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam hơn nữa. Bởi khi rót vốn, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên sản xuất các linh kiện tại Việt Nam thay vì nhập từ Trung Quốc. Nhờ vậy, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng. Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, tôi biết có một số khu doanh nghiệp đầu tư công nghiệp giảm chỉ tiêu. Còn chúng tôi cho rằng, càng khó khăn, doanh nghiệp càng phấn đấu. Để kêu gọi vốn, chúng tôi phải quay phim, chụp ảnh cận cảnh khu công nghiệp để đối tác nắm bắt tình hình thực tế. Mỗi doanh nghiệp phải làm sao để nếu có ý định đầu tư tại Việt Nam, người ta sẽ chọn mình.
- Sắp tới cơ hội thu hút vốn đầu tư của Việt Nam, nhất là các khu công nghiệp sẽ thế nào khi gia nhập TPP thưa ông?
- TTP sớm thì Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội. Đầu tư nước ngoài hiện chiếm 40% GDP và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Đầu tư nước ngoài sẽ là một giải pháp tốt trong việc cân đối dòng tiền trong nước. Bởi doanh nghiệp ngoại rót vốn vào khu công nghiệp cũng có nghĩa là chúng tôi thu được lợi nhuận, từ đó có điều kiện tái đầu tư. Cá nhân tôi đánh giá TPP sẽ là chìa khóa cho Việt Nam thoát khỏi sự sa sút về kinh tế. Khi kinh tế đi lên, quốc phòng cũng sẽ tốt hơn.
Vừa qua các chính sách ưu đãi dành cho khu công nghiệp như giảm thuế, giãn thuế…là rất tốt. Nhưng phải làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và đòi hỏi chính quyền địa phương phải hành động ngay.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông Đặng Thành Tâm nhận định: "Chúng tôi đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết. Tại sao lại thế? Bởi ý kiến của cử tri các nước nói rất nhiều. Quốc hội là cơ quan lớn nhất phải ra nghị quyết, ra chủ trương thì các cơ quan chính quyền mới làm. Nghị quyết thể hiện, thứ nhất là quyết tâm đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình và hoàn toàn kiềm chế như các tuyên bố của mình. Quốc hội cũng thế, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, thậm chí là kiện ra tòa án quốc tế. Thứ 2 là kêu gọi lòng yêu nước, nếu không mọi người có hướng đi lệch lạc tiêu cực. Yêu nước bằng cái gì? Ít nhất là trong tình trạng đất nước lâm nguy mọi người cần tập trung nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm, sử dụng hàng trong nước. Có thế năng lực kinh tế mới mạnh lên".
Xem thêm bài viết về: Ông Đặng Thành Tâm
Hoàng Lan-Nam Phương (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.