Nếu giới showbiz có giải “Mâm xôi vàng” cho các tác phẩm điện ảnh, vai diễn dở nhất trong năm thì nên có một giải như thế dành cho các Tổng Giám đốc (CEO) tồi tệ nhất trong năm.

Rodrigo Rato của Bankia

Ông Sydney Finkelstein, Giáo sư của Trường Kinh doanh Tuck (Đại học Dartmouth), tác giả của 11 cuốn sách về quản trị doanh nghiệp, đã đưa ra danh sách những CEO tồi tệ nhất trong 3 năm liên tiếp. Năm nay, danh sách của ông cũng có một số gương mặt nổi cộm, những người từng được xem là nhân vật quyền lực trong giới kinh doanh và chính trị như Andrea Jung của Avon, hay Rodrigo Rato của Bankia.

1. Brian Dunn

Dunn đã từ chức CEO của nhà bán lẻ Best Buy vào tháng 4.2012 sau khi có lời cáo buộc rằng ông đã có mối quan hệ không đúng mực với một nữ nhân viên trẻ tuổi hơn mình rất nhiều. Tuy nhiên, đó không phải là lý do ông có mặt trong danh sách “những CEO tồi tệ nhất năm 2012”. Giá cổ phiếu sụt giảm, doanh số bán tại các cửa hàng mở cửa từ 1 năm trở lên lao dốc, thị phần mất vào tay các đối thủ là những lý do khiến ông bị đưa vào danh sách đen. Không những thế, Dunn còn là người nghiện mua lại cổ phiếu quỹ. Việc mua lại này đã tốn của Công ty tới 6,4 tỉ USD nhưng lại không giúp cải thiện được giá cổ phiếu. Cổ phiếu của Best Buy từ đầu năm đến nay đã giảm tới 49%, xuống chỉ còn 12,05 USD/cổ phiếu (14.12.2012).

2. Aubrey McClendon

Tổng Giám đốc tập đoàn dầu khí Mỹ Chesapeake Energy là người luôn lẫn lộn tiền công và tư. Theo Reuters, trong 3 năm qua, McClendon đã vay tới 1,1 tỉ USD cho mục đích cá nhân bằng cách thế chấp số cổ phần của ông tại các giếng dầu khí của Công ty và điều hành một quỹ đầu cơ riêng về dầu khí trị giá 200 triệu USD. “Đây rõ ràng là một hành vi mâu thuẫn lợi ích”, Giáo sư Finkelstein, nhận xét.

Không những thế, McClendon còn sử dụng phi cơ của Công ty cho mục đích cá nhân và ký hợp đồng tài trợ với Oklahoma City Thunder dưới danh nghĩa Công ty trong khi ông lại là chủ của đội bóng rổ này. Jim Gipson, phát ngôn viên của Chesapeake Energy, từ chối bình luận về vấn đề này.

3. Andrea Jung

Bà đã từ chức CEO của hãng kinh doanh đa cấp mỹ phẩm lớn nhất thế giới Avon vào tháng 4.2012, nhưng hiện vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến hết năm nay.

Jung từng là con cưng của giới đầu tư khi trong hơn 5 năm đầu giữ vị trí CEO (bà trở thành CEO vào năm 1999). Cổ phiếu của Avon đã tăng gấp 3 lần và doanh số bán toàn cầu cũng luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Điều đó đã đưa bà trở thành nhân vật thường xuyên góp mặt trong danh sách các nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới do Tạp chí Fortune bình chọn. Nhưng cuộc suy thoái kinh tế đã khiến cho kết quả kinh doanh của Avon ngày càng tồi tệ và những yếu kém cũng dần bộc lộ.

Jung đã bị các nhà đầu tư chỉ trích khi không thể giải quyết các vấn đề về hoạt động của Công ty. Bà cũng thất bại trong việc đào tạo một người kế vị mình và đã từ chối lời đề nghị mua lại lên tới 10,7 tỉ USD của hãng chăm sóc sắc đẹp Coty.

4. Mark Pincus

Tổng Giám đốc Zynga cũng được “vinh dự” góp mặt trong danh sách năm nay. Dưới sự lãnh đạo của Pincus, cổ phiếu của Zynga, nhà sản xuất các trò chơi như FarmVille và FrontierVille, đã giảm tới 75% tính từ đầu năm đến nay. Những nhà lãnh đạo cấp cao có năng lực cũng đang rời bỏ Zynga.

Nhìn lại, Pincus có một lý lịch khá hoành tráng. Ông có bằng cử nhân kinh tế của Trường Kinh doanh Wharton và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Harvard. Nhưng theo Giáo sư Finkelstein, Pincus đã mắc những lỗi lầm rất ngớ ngẩn mà chỉ những kẻ tay ngang mới vấp phải.

Chẳng hạn, Pincus đã để cho Zynga quá dựa dẫm vào Facebook. Phần lớn doanh thu của Zynga phụ thuộc vào tình hình làm ăn của mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Bản thân Pincus dường như không mấy tin tưởng vào triển vọng kinh doanh của Công ty. Điều đó thể hiện qua việc ông đã bán 16 triệu cổ phiếu Zynga ngay khi hết hạn “treo” cổ phiếu sau đợt IPO. Joe Libonati, phát ngôn viên của Zynga, đã từ chối trả lời về vấn đề này.

5. Rodrigo Rato

Rato đã từ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng Tây Ban Nha Bankia vào tháng 7 vừa qua. Ông là một nhân vật có tiếng trong giới chính trị và kinh doanh. Ông nguyên là Bộ trưởng Tài chính của Tây Ban Nha và cũng từng có thời gian giữ chức Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Thế nhưng, Rato hiện rơi vào vòng lao lý. Ông đang bị điều tra về tội gian lận, lừa đảo, dàn xếp giá và biển thủ liên quan quan đến vụ sụp đổ của Bankia và vụ giải cứu ngân hàng này của Chính phủ Tây Ban Nha. Năm 2011, Bankia đã công bố đạt mức lợi nhuận 309 triệu euro. Nhưng sau khi Rato từ chức, ngân hàng này đã điều chỉnh lại con số lãi này thành... lỗ tới 3 tỉ euro. Carmen de Miguel Hombria, phát ngôn viên của Bankia, đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Hai vị CEO khác là Mark Zuckerberg của Facebook và Andrew Mason của Groupon suýt nữa thì bị lọt vào danh sách đen năm nay. Theo Giáo sư Finkelstein, điểm trừ lớn nhất của 2 vị CEO này là năng lực điều hành của họ còn quá non nớt.

Theo Ngô Ngọc Châu (Nhịp cầu Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Những CEO đoạt giải “Mâm xôi vàng” 2012

    Những CEO đoạt giải “Mâm xôi vàng” 2012

    25/12/2012 11:21 AM

    Nếu giới showbiz có giải “Mâm xôi vàng” cho các tác phẩm điện ảnh, vai diễn dở nhất trong năm thì nên có một giải như thế dành cho các Tổng Giám đốc (CEO) tồi tệ nhất trong năm.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.