Quy tụ những hạt quặng quý
- Thưa ông, đầu tháng 8 vừa qua Chương trình dịch vụ cộng đồng doanh nhân LP đã có một buổi ra mắt rất hoành tráng, tại sao ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Chương trình này ra đời?
Đây chính là thời điểm chín muồi cho sự ra đời của Chương trình, bởi mấy lý do sau đây: Trước hết, nền kinh tế Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới đã hết động lực tăng trưởng theo chiều rộng. Đã đến lúc chúng ta cần một mô hình tăng trưởng mới với những nguồn lực mới. Dưới góc độ vi mô của doanh nghiệp, cách làm ăn đơn giản dựa vào những nguồn lực như tài nguyên và lao động giá rẻ không đem lại lợi nhuận nữa mà thậm chí còn gây ra tai họa cho những người lạm dụng. Trong bối cảnh khó khăn này, những nhược điểm cố hữu của người Việt Nam lại bộc lộ như lối làm ăn manh mún, tư duy nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu tính đoàn kết cộng đồng. Đã qua rồi thời các doanh nghiệp đua nhau tranh thủ nguồn lực ngắn hạn. Lý do tiếp theo đến từ áp lực hội nhập. Các công ty nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam và giành giật thị trường quyết liệt, đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào thế không còn đất hoạt động.
Lý do quan trọng và sâu xa là nền văn hóa Việt Nam có tính trội trên thế giới này, một dân tộc không trộn lẫn với bề dày lịch sử rất oai hùng. Tất cả những phẩm chất đó vẫn luôn âm ỉ trong con người Việt Nam, chỉ có điều trong những năm qua bị chìm lấp đi khi người ta đua tranh vì những thứ ngắn hạn. Giờ thì thời thế đang đổi thay, nếu không thay đổi, chúng ta sẽ gặp khó khăn. Do vậy, rất cần có sự ra đời của một Chương trình có khả năng quy tụ doanh nhân với những nguồn lực sáng tạo mới.
- Thực ra, không phải trước đây chúng ta không có những cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, tại sao lại phải ra đời thêm một cộng đồng mới, thưa ông ?
Đúng vậy, thực ra ý tưởng về cộng đồng doanh nhân là không mới, bởi trong suốt 20 năm đổi mới chúng ta đã có rất nhiều cộng đồng ra đời, hoạt động dưới những hình thức khác nhau như hiệp hội, câu lạc bộ… Tất cả đều có ý tưởng phấn đấu vì một điều gì đó lớn hơn là cái đơn lẻ, nhưng hiện tại vẫn còn tồn tại một số nhược điểm.
Về mặt nội dung, hoạt động của các cộng đồng này chưa hoàn chỉnh, chưa đưa ra được một nội dung xuyên suốt các mặt hoạt động của doanh nghiệp.
Về hình thức hoạt động, chủ yếu có 3 hình thức. Một là theo kiểu hành chính, ví như các hiệp hội. Mô hình này thiếu sự năng động, nhiều người phụ trách cộng đồng không phải là doanh nhân, không am tường công việc kinh doanh và cũng không có được sự máu lửa như doanh nhân, vì thế hoạt động của cơ chế này thiên về giải quyết các loại sự vụ của doanh nghiệp như: kiến nghị chính sách, thuế… Hình thức thứ hai dựa vào nền tảng kỹ thuật, thông qua một cổng thông tin hoặc website. Ưu điểm của hình thức này là nhanh, đơn giản, gọn nhẹ… nhưng hạn chế là sự thụ động. Doanh nhân rất bận, họ không có thời gian để thường xuyên vào mạng tìm kiếm thông tin đối tác, rồi khi đã tìm được thông tin phù hợp thì để giao dịch thành công cũng rất khó vì không quen biết nhau. Hình thức thứ ba dựa vào việc gặp gỡ như các câu lạc bộ. Doanh nhân rất đa dạng về ngành nghề, quy mô, trình độ phát triển, nhu cầu… Lúc ngồi sinh hoạt chung thì không biết ai sẽ là người nói cho ai nghe, những buổi gặp gỡ trở nên nhạt và thưa dần, cuối cùng chỉ còn vài ba người đồng dạng là chơi được với nhau. Hiện tại rất nhiều cộng đồng đang rơi vào tình cảnh này. Còn một vấn đề nữa là năng lực thực thi của các cộng đồng. Hiện chưa có cộng đồng nào cho thấy tín hiệu nổi trội về khả năng thực thi, giúp doanh nghiệp thay đổi theo hướng hội nhập bền vững hơn. Vì vậy, phần đông doanh nghiệp vẫn đang lúng túng và hoang mang, không biết phải phát triển như thế nào để thoát ra khỏi tình trạng tự phát. Chương trình dịch vụ cộng đồng doanh nhân của Học viện Doanh nhân LP Việt Nam ra đời trong bối cảnh có nhu cầu thực của doanh nhân, doanh nghiệp về một cộng đồng hiệu quả hơn. Và Học viện có khả năng đáp ứng được nhu cầu đó.
- Vậy nguồn lực của LP có để hỗ trợ, đáp ứng những nhu cầu của doanh nhân là gì, ngoài người đứng đầu và đội ngũ kết nối, thưa ông?
Hiện nay chúng ta có nhiều nguồn lực rất có giá trị nhưng lại rải rác khắp nơi, như các hạt quặng quý nằm tản mát, vấn đề là làm sao để quy tụ lại. Ví dụ hiện nay có rất nhiều doanh nhân xúc tiến thương mại, đi ra nước ngoài để nghiên cứu thị trường, nhưng đi một cách đơn lẻ và không có định hướng. Vẫn từng đó kinh phí, công sức nhưng từng doanh nghiệp đi thuyết phục khách hàng khác với việc tất cả các doanh nghiệp cùng nói với khách hàng dưới một thương hiệu chung là thương hiệu quốc gia… đó là cộng hưởng nguồn lực. Nếu cùng góp sức, cùng sáng tạo, sức mạnh sẽ vô cùng lớn. Khả năng của LP là quy tụ và kết nối sức mạnh cộng hưởng của doanh nhân - doanh nghiệp, đồng thời cùng với doanh nhân - doanh nghiệp tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành.
- Chương trình không chỉ quy tụ doanh nhân mà còn phải quy tụ được nguồn lực xã hội, bộ ngành, địa phương và Chính phủ…Với doanh nhân thì câu chuyện quy tụ thuận lợi hơn vì họ thấy được lợi ích thiết thực. Còn với Chính phủ, người dân thì lấy gì để thuyết phục, thưa ông?
Có hai điểm chính để kêu gọi sự ủng hộ, thứ nhất là Chương trình phải triển khai được những hoạt động có giá trị; thứ hai là phải có khả năng truyền thông mạnh mẽ. Sự ủng hộ tôi tin là chắc chắn, nhưng phải làm được như những gì mình vạch ra. Hơn nữa, làm được rồi còn phải biết cách nói ra được để mọi người biết, từ đó thấu hiểu và quan tâm. Các cấp, các ngành và người tiêu dùng chắc chắn sẽ hiểu được giá trị của Chương trình, vì đó là tinh thần và khát vọng Việt. Đây là quá trình vừa thực thi, vừa tìm kiếm sự ủng hộ.
- Từ ngoài nhìn vào có thể thấy, Chương trình dịch vụ cộng đồng Doanh nhân LP Việt Nam là hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh hơn là đi vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ… ông lý giải như thế nào về việc lựa chọn các dịch vụ này?
Một nền kinh tế không thể độc lập, tự chủ nếu không xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia. Ba nội dung này phải đi liền với nhau. Cuộc chơi của thế giới hiện tại là cuộc chơi thương hiệu. Trên thế giới chỉ tồn tại hai hình thức: một là cuộc chơi của những doanh nghiệp, quốc gia có thương hiệu. Đây là những người làm chủ cuộc chơi. Còn lại là những người làm thuê. Chúng ta không cam chịu là một nền kinh tế chỉ đi làm thuê cho người khác, trở thành công cụ để các công ty đa quốc gia kiếm lợi nhuận khổng lồ trên chính lợi thế của chúng ta, mà chúng ta phải trở thành người làm chủ cuộc chơi dựa trên những tiềm năng và lợi thế của mình. Xây dựng thương hiệu là then chốt vì trong đó hàm chứa câu chuyện về chất lượng, lòng tin, giá trị và đẳng cấp.
Ông vừa nói đến việc làm chủ cuộc chơi ở những lĩnh vực thế mạnh, đó là gì, thưa ông?
Việt Nam có hai lợi thế: thứ nhất, Việt Nam là một cường quốc về nông nghiệp. Lĩnh vực nông sản và thực phẩm sẽ là lợi thế rất lớn, đem lại nguồn thu thông qua việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có thương hiệu. Thứ hai là du lịch. Chúng ta cần phải nói với thế giới về một Việt Nam tươi đẹp, với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và nụ cười thân thiện. Song song là các lĩnh vực tạo ra cơ sở hạ tầng và phụ trợ để phục vụ cho các thế mạnh này như công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến, công nghiệp sáng tạo.
Nhưng hiện tại có hàng nghìn doanh nhân đang tham gia Chương trình với nhiều lĩnh vực khác nhau, vậy với những doanh nghiệp không tham gia vào lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam và cũng không góp phần tạo ra cơ sở hạ tầng, phụ trợ cho những thế mạnh đó, họ sẽ được Chương trình hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Đúng là doanh nghiệp hiện nay rất đa dạng, nhiều doanh nghiệp ở khối gia công, lắp ráp, một số khác đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bán hàng cho những thương hiệu nước ngoài, nhiều doanh nghiệp thì đang nằm trong những chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia chứ không phục vụ cho chuỗi giá trị Việt Nam. Chương trình vẫn có thể đem lại lợi ích cho họ bằng việc giúp nâng cao năng lực quản trị cũng như mở rộng thị trường thông qua thẻ thành viên. Chúng tôi sẽ tổ chức miễn phí chương trình đào tạo "Tinh hoa quản trị" cho các thành viên. Tuy nhiên, nếu xét về đường dài thì việc kinh doanh không dựa vào lợi thế của Việt Nam chắc chắn sẽ đến lúc gặp khó khăn, và thực tế là đang gặp khó khăn rồi. Chương trình sẽ giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, định vị lại, lựa chọn lại. Phấn đấu trong 5 -10 năm tới, nhiều doanh nhân - doanh nghiệp Việt sẽ tập trung vào những lĩnh vực lợi thế để tạo nên một "đàn chim bay" đúng nghĩa.
- Vậy mô hình "Đàn chim Lạc" này sẽ đi ra thế giới như thế nào, thưa ông?
Chúng ta có nhiều nguồn lực rất có giá trị nhưng lại rải rác khắp nơi, như các hạt quặng quý nằm tản mát, vấn đề là làm sao để quy tụ lại |
Chúng tôi sẽ cùng đi ra thế giới thông qua công cụ rất quan trọng là gian hàng quốc gia Việt Nam ở các hội chợ lớn trên thế giới. Thông qua gian hàng này, cộng đồng doanh nhân sẽ kể với thế giới câu chuyện về Việt Nam của thế kỷ 21, định vị Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây là một trong những sự kiện trọng tâm, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai từ năm tới, với gian hàng du lịch ở Dubai, sau đó là gian hàng nông sản, thực phẩm…
- "Khát vọng thương hiệu Việt", câu khẩu hiệu đó của Chương trình đã thể hiện mục tiêu quy tụ khát vọng của doanh nhân, nhưng ông có lo ngại rằng, khát vọng đó sẽ bị vùi lấp khi mà bản thân doanh nghiệp đang phải đối diện với áp lực của việc tồn tại hay không tồn tại?
Doanh nhân Việt cũng là người Việt Nam và bất kỳ người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng nào cũng đều có niềm tự hào về đất nước mình, chỉ là trong mỗi giai đoạn thì cách thể hiện sẽ khác nhau. Tôi muốn khơi dậy niềm tự hào đó, xây dựng thương hiệu Việt là một sứ mạng cao cả mà doanh nhân phải lĩnh hội và thực thi. Một đất nước phải có tên tuổi và định vị được giá trị của mình trên thế giới này. Đó cũng chính là giải pháp để tồn tại, là con đường phát triển bền vững của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
- Như vậy có nghĩa là ông đã đặt cược toàn bộ vào khát vọng của doanh nhân khi xây dựng chương trình này?
Niềm tin của tôi vào khát vọng của một thế hệ doanh nhân mới là tuyệt đối. Và tôi cũng tin là Chính phủ, người dân… sẽ yểm trợ cho đội ngũ này.
-
TGĐ LP Group: Dừng sáng tạo sẽ thất bại
26/03/2015 11:17 AM"Không nhầm lẫn giữa các giá trị”, có lẽ đây là một phần "tinh quái" trong tư duy của Tổng giám đốc LP Group Nguyễn Liên Phương. Theo cách nghĩ của ông, doanh nhân là người mở đường, tự tìm ra con đường cho mình và hướng dẫn, khích lệ đội ngũ đi theo con đường ấy. Sự vất vả của người mở đường cũng chính là niềm vui sáng tạo nên những giá trị mới.
-
Nguyễn Liên Phương: Động lực là khát vọng dấn thân
15/10/2012 1:09 PMKhông bằng lòng với thành công trong lĩnh vực thiết kế nội thất, doanh nhân Nguyễn Liên Phương dấn thân vào địa hạt mới - thành lập Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, với khát vọng xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt đủ tầm vóc, vươn ra biển lớn.
-
Người 'mở lò' rèn doanh nhân với mô hình 'đàn chim bay'
10/09/2012 8:04 AMGần đây nhiều người bắt đầu quan tâm tới một câu chuyện mang tên "Khát vọng Thương hiệu Việt theo mô hình đàn chim bay". Người khởi xướng và huy động doanh nhân viết nên câu chuyện này là ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam.