Năm 2002, tin Chủ tịch Tập đoàn Reliance Industries Limited - một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất Ấn Độ - mất ở tuổi 70, đã làm không ít người nghĩ rằng “đế chế” nhà Ambani sẽ đi đến hồi kết.
Mukesh Ambani - Người thừa kế xuất sắc của đế chế Ambani Không ít câu hỏi nghi ngờ về tương lai của tập đoàn này đã được đặt ra: ai có đủ khả năng để tiếp tục duy trì và phát triển Tập đoàn Reliance Industries Limited hùng mạnh mà Dhirubhai Ambani đã mất cả cuộc đời gây dựng lên? Các đối thủ cạnh tranh của Reliance Industries Limited cũng loé lên những tia hy vọng tận dụng cơ hội này để vượt thắng.

Nhưng tất cả những phán đoán đó đều đã sai. Với những thành công to lớn đã đạt được, người kế thừa ngôi vị Chủ tịch tập đoàn và cũng là con trai của Dhirubhai Ambani - Mukesh Ambani - đã khiến mọi người phải ngỡ ngàng khâm phục.

Tập đoàn Reliance Industries Limited đã hoạt động được hơn 30 năm dưới sự điều hành của Dhirubhai Ambani, khẳng định được vị thế không chỉ tại Ấn Độ mà đã vươn ra thế giới. Kế thừa ngôi vị chủ tịch một tập đoàn công nghiệp lớn tầm cỡ quốc tế là một nền tảng vững chắc để tiến bước trong sự nghiệp kinh doanh của Mukesh Ambani. Nhưng đó cũng là thời điểm mà Mukesh phải sẵn sàng đối mặt với những thách thức to lớn đang ở phía trước.

Là người luôn biết cách giải quyết các vấn đề khó khăn, có khả năng nhìn thấy và nắm bắt cơ hội kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường nên chỉ sau một thời gian không dài, Mukesh đã cải tổ và mở rộng thành công tập đoàn ra thị trường quốc tế.

Hiện nay, với tài sản 6 tỷ USD, Mukesh được biết đến là một trong những doanh nhân giầu và thành đạt nhất Ấn Độ.

Bước chuyển giao thế hệ

Sinh ngày 19/4/1957 tại Aden (Ấn Độ), Mukesh Ambani là con trai cả của Dhirubhai Ambani - người đã đặt nền móng xây dựng lên Tập đoàn Reliance Industries Limited.

Ngay từ rất sớm, những tố chất kinh doanh đã có cơ hội phát triển, sau khi rời ghế nhà trường, Mukesh đã vào làm việc trong tập đoàn cùng cha của mình. Đây là khoảng thời gian quý báu giúp cho Mukesh đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ công việc thực tiễn và gặt hái được khá nhiều thành công trong các lĩnh vực kinh doanh cũng như uy tín trong tập đoàn.

Ngay trong buổi họp đầu tiên của tập đoàn kể từ thời điểm sau khi Dhirubhai Ambani mất, tất cả các thành viên trong ban lãnh đạo tập đoàn đều thống nhất bầu Mukesh Ambani làm Chủ tịch của Reliance Industries Limited - một trong những tập đoàn công nghiệp mạnh nhất Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực dệt, hoá dầu, khí đốt, các dịch vụ tài chính, năng lượng, viễn thông, đặc biệt nổi tiếng trong lĩnh vực dầu khí với nhà máy lọc dầu lớn thứ 5 trên thế giới đóng tại Jamnagar, Gujarat.

Mukesh luôn hãnh diện về người cha đáng kính của mình bởi tài năng và nghị lực phi thường của ông. Không chỉ riêng tại Ấn Độ mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, khi nhắc đến Reliance Industries Limited, mọi người đều nhớ tới hình tượng Dhirubhai Ambani. Sinh trưởng trong một gia đình có người cha là một doanh nhân mẫu mực, Mukesh Ambani được thừa hưởng những tố chất thông minh và đã có những bước tiến rất nhanh trong sự nghiệp.

Chính những chặng đường khởi đầu đầy gian nan của Dhirubhai đã trở thành bài học đầy ý nghĩa cho cậu con trai Mukesh Ambani trên con đường kinh doanh sau này. Chỉ là một người dân bình thường ở vùng Chorwad, Bang Gujarat - Ấn Độ, năm mới 16 tuổi, Dhirubhai Ambani quyết định rời gia đình tới Aden - Yemen làm công nhân bán hàng cho một cửa hàng của công ty dầu.

Mãi tới 10 năm sau, Dhirubhai Ambani mới trở lại Ấn Độ và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Ông quyết định thành lập Công ty Reliance với số vốn ít ỏi 375 USD. Ban đầu công ty chỉ hoạt động bó hẹp trong lĩnh vực hoá dầu nhưng với những nỗ lực không biết mệt mỏi trong một thời gian dài sau đó, Dhirubhai Ambani đã mở rộng công ty ra các lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng, cung cấp vốn thị trường và trở thành Tập đoàn Reliance Industries Limited đồ sộ ngày nay.

Không chỉ có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực kinh doanh, Dhirubhai Ambani còn là nhân vật có uy tín rất lớn đối với Chính phủ Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế. Dưới thời Thủ tướng Singh, ông có hẳn một đường dây gọi riêng nối với Chính phủ.

Đánh giá cao những đóng góp của Dhirubhai Ambani vào nền kinh tế Ấn Độ, Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ lưu tên trong danh sách doanh nhân thế kỷ 20. Năm 2000, ông được báo giới Ấn Độ bầu chọn là “Nhà sáng tạo giầu nhất thế kỷ 20 của Ấn Độ”.

Thành công từ những ý tưởng sáng tạo

Là một doanh nhân nổi tiếng của Ấn Độ, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Reliance Industries Limited, Mukesh Ambani luôn khẳng định được tài năng thực thụ của mình trên thương trường.

Vốn là một người ham học hỏi, quyết tâm nối nghiệp cha, Mukesh Ambani đã theo học khoa công nghệ hoá học tại Đại học Mumbai và chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh MBA tại trường ĐH Kinh doanh Stanford. Ngay sau khi ra trường, bước khởi nghiệp mà Mukesh lựa chọn chính là Công ty Reliance của gia đình.

Năm 1981, khi bắt đầu làm quen với công việc của công ty, bằng những kiến thức đã học cộng thêm một chút kiến thức thực tế, Mukesh đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến khuếch trương những sản phẩm dệt vải sợi nhân tạo, sản phẩm hoá dầu. Để quyết tâm thực hiện thành công những sáng kiến của mình, Mukesh đã trực tiếp bắt tay vào xây dựng lên 60 cơ sở sản xuất được trang bị công nghệ hiện đại vào thời điểm đó.

Kết quả đạt được rất khả quan, sau khi đưa vào hoạt động, những cơ sở sản xuất mới không những đã giúp cho quy mô của Công ty Reliance được mở rộng, dây chuyền sản xuất được cải tiến mà còn nâng mức sản lượng của công ty lên con số đáng kinh ngạc: từ gần 1 triệu tấn lên tới 12 triệu tấn mỗi năm.

Do tập đoàn đang trong quá trình mở rộng thị trường, nhiều chi nhánh vẫn còn chưa đủ mạnh để cạnh tranh, Mukesh đã đưa những sáng kiến điều chỉnh và tổ chức hoạt động hướng ra thị trường thế giới. Đối với mặt hàng dầu khí, Mukesh đã cho thực hiện các dự án khai thác gas và dầu tại các vùng biển nước sâu, đồng thời xây dựng các nhà máy chế biến, các hệ thống phân phối lẻ sản phẩm lên tới 5.800 đại lý.

Những điều chỉnh của Mukesh đều đã thành công, cơ sở lọc dầu ở Jamnagar - Ấn Độ đã trở thành một trong những cơ sở có quy mô lớn nhất thế giới. Trong thời điểm hiện nay, đây là cơ sở có khả năng chế biến 660.000 thùng dầu thô mỗi ngày (33 triệu tấn dầu/năm) kết hợp với các dự án công nghệ hoá dầu, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổng số vốn đầu tư lên tới gần 24 tỷ USD.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Mukesh Ambani đã xây dựng thành công mạng thông tin Reliance Infocomm có quy mô lớn và phức tạp nhất thế giới. Mạng này có đủ khả năng đảm bảo hoạt động thông suốt trên hơn 1.100 tỉnh thành của Ấn Độ, chuyên cung cấp các dịch vụ âm thanh, hình ảnh, cơ sở dữ liệu chất lượng cao ở bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Trước khi tiếp quản Reliance Industries Limted, năm 2001, Mukesh đã từng được bầu làm Chủ tịch Công ty RLS (Reliance Life Sciences) nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ cộng đồng.

Chiến lược gia trong lĩnh vực kinh tế

Nghiên cứu và nắm chắc khả năng phát triển của tập đoàn, ngay sau khi lên làm Chủ tịch, Mukesh không ngừng tiến hành các biện pháp mở rộng các chi nhánh ra các thị trường trước đây chưa được khai thác. Mục tiêu đầu tiên được Mukesh ưu tiên thực hiện là thị trường thế giới.

Để thực hiện tham vọng này, trong khoảng thời gian không dài, Mukesh liên tục khởi động và ký kết các dự án hợp tác trên lĩnh vực viễn thông, dầu khí. Điển hình là thương vụ mở rộng lĩnh vực viễn thông sang Luân Đôn. Để có được bản hợp đồng, Reliance đã phải bỏ tới 211 triệu USD. Ý thức được những khó khăn khi tiến vào thị trường Anh nhưng vốn là một người quyết đoán, Mukesh vẫn quyết định thực hiện và đã thành công.

Hầu hết các dự án có Mukesh tham gia đều thu hút được sự chú ý của công luận, không phải bởi quy mô lớn mà chính là khả năng tiến hành các hợp đồng kinh doanh khéo léo có tầm chiến lược của Mukesh.

Với Mukesh, việc kế thừa và điều hành một tập đoàn công nghiệp khổng lồ là một thách thức không nhỏ, nhưng những thành công trên các lĩnh vực đảm trách cũng đã sớm khẳng định tài mưu lược của Mukesh. Dưới sự điều hành của ông, tập đoàn không chỉ dừng lại ở mức phát triển bình thường.

Từ năm 2003, tổng thu nhập của Reliance đã tăng lên tới 27.000 tỷ Rupi, chiếm 4% GDP của Ấn Độ. Năm 2004, doanh thu của tập đoàn đạt con số khổng lồ: 16,8 tỷ USD; năm 2005, tăng lên 18,773 tỷ USD, trong đó lợi nhuận là 2,125 tỷ USD. Số nhân viên hiện đang làm việc cho tập đoàn đã lên tới 90.358 người.

Cùng với sự phát triển của tập đoàn, Mukesh đã tiếp tục khẳng định nhãn quan chiến lược của mình ở tầm vĩ mô bằng những đóng góp cho chính sách phát triển kinh tế Ấn Độ.

Không kém người tiền nhiệm, Mukesh Ambani đã được đánh giá rất cao trong lĩnh vực kinh tế và đã từng tham gia chương trình hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ nhằm đưa Ấn Độ tiến vào thị trường toàn cầu. Từ những đánh giá chính xác, Mukesh đã chỉ ra vấn đề ưu tiên phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp, vàng bạc, kim loại vì đây là những sản phẩm thế mạnh có khả năng mang lại thị trường 600 tỷ USD cho các doanh nghiệp Ấn Độ.

Điều này cũng có nghĩa là cần phải có một mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực thương mại, từ việc khuyến khích các doanh nghiệp đến thúc đẩy phát triển kinh tế. Muốn thực hiện điều này, các nhà hoạch định chính sách cần chú trọng thúc đẩy sức mạnh thương mại để nâng cao sức cạnh tranh. Hàng hoá Ấn Độ thực tế đã chiếm hơn 0,8% thị trường thế giới.

Theo nhận định của Mukesh, Ấn Độ là Quốc Gia có tiềm năng kinh tế, có khả năng bứt phá như các nước Italia, Pháp, Đức và Nhật Bản với con số tăng trưởng GDP đã lên tới 7,5% mỗi năm. Những lĩnh vực kinh tế thế mạnh của Ấn Độ như năng lượng, cơ sở hạ tầng, thương mại, nông nghiệp, sản xuất hàng hoá, khi được tập trung phát triển chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho cả nền kinh tế.

Về nền nông nghiệp Ấn Độ, ông cũng đưa ra dự báo có đủ khả năng tăng thu nhập từ 125 triệu USD lên 2 tỷ USD. Đối với Mukesh, hoạt động kinh tế thương mại luôn cần yếu tố đào tạo, quản lý. Do đó để đẩy nhanh phát triển kinh tế thì cần phải cải cách có hiệu quả hệ thống giáo dục, quản lý, tạo môi trường hoà bình để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó phải biết khai thác tốt nguồn nhân lực dồi dào với khoảng 50 triệu nhân lực trẻ được đào tạo cơ bản và 200 triệu lao động phổ thông. Đây chính là những yếu tố có khả năng tạo ra bước nhảy vọt của nền kinh tế Ấn Độ.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.