Cập nhật 18/11/2012 12:36 PM
Tại một cửa hàng Pizza Hut ở Thượng Hải, Cai Baohua và gia đình đang thưởng thức các món ăn phương Tây. Họ nói cũng rất thích các chuỗi đồ ăn nhanh (fast-food) khác từ phương Tây như KFC hay McDonalds.

Khoảng một nửa doanh thu của Yum! Brands, hãng sở hữu thương hiệu KFC, là từ 5.000 nhà hàng của hãng tại Trung Quốc.

"Chúng tôi ngày càng thích ăn đồ tây, mùi vị của chúng thật ngon", anh Cai cho biết. "Vào những dịp lễ của người Tây phương như Giáng sinh, thi thoảng chúng tôi lại đưa bố mẹ tới các cửa hàng bán đồ tây để ăn mừng". Gia đình anh Cai thuộc lớp có thu nhập trung bình ở Trung Quốc, nơi mà các chuỗi nhà hàng có nguồn gốc từ Mỹ đang hy vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số, hãng tin CNBC cho hay.

Khoảng một nửa doanh thu của Yum! Brands, hãng sở hữu thương hiệu KFC, là từ 5.000 nhà hàng của hãng tại Trung Quốc. Công ty đang niêm yết cổ phiếu tại New York này hy vọng sẽ mở được thêm ít nhất 20.000 cửa hàng trong các năm tới.

Mặc dù việc các chuỗi nhà hàng Mỹ vẫn tích cực mở rộng sự hiện diện của họ ở đại lục cho thấy tầm quan trọng của kinh tế Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Mỹ, song quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới vẫn chưa thể hòa hợp trong thời gian gần đây.

Mỹ hiện là một trong hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc. Trong khi, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ.

Mỹ đang kỳ vọng vào ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc sẽ giúp tái thiết mối quan hệ thương mại giữa hai nước và khởi động chiến dịch cải tổ kinh tế đang bị trì hoãn để giúp cho các hãng bán lẻ như Yum! Brands tiếp tục phát triển.

Mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Washington đã tồn tại từ nhiều thập kỷ cho tới nay. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có một phần là nhờ đầu tư của Mỹ vào các nhà máy, tạo ra hàng triệu việc làm. Ngược lại, Mỹ cũng được hưởng lợi từ việc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cho người tiêu dùng nội địa.

Theo báo cáo hồi tháng 4 của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, kể từ năm 2000, xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc đã tăng hơn 540% trong khi xuất khẩu của Mỹ sang phần còn lại của thế giới chỉ tăng 80%. Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu hàng từ Mỹ của Trung Quốc tăng 13,1% so với năm trước đó và lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD.

Giờ đây, quốc gia châu Á này là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của Mỹ, chỉ đứng sau 2 nước láng giềng, cũng đồng thời là 2 đối tác tự do thương mại Canada và Mexico.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc là một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của 30 tiểu bang ở Mỹ và doanh số xuất khẩu sang Trung Quốc của 48 bang đã tăng 3 con số kể từ năm 2000, nhanh hơn so với tốc độ phát triển của tất cả các thị trường khác trên thế giới cộng lại. Riêng trong 2 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu tại 10 bang của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với trước đó.

Việc các chuỗi nhà hàng Mỹ tiến quân mạnh hơn vào thị trường Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại này đã trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây. Trong tháng 9, Washington đã gửi đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới cáo buộc Trung Quốc trợ giá bất hợp pháp ít nhất là 1 tỷ USD cho các nhà xuất khẩu ôtô và linh kiện ôtô Trung Quốc trong giai đoạn 2009 - 2011. Trung Quốc phản bác bằng tố cáo Mỹ áp thuế chống phá giá lên hàng chục sản phẩm Trung Quốc.

Ông Michael Pettis, giáo sư trường quản lý Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết "trong thế giới mà chúng ta đang sống, luôn có sự đấu tranh giữa tăng trưởng và nhu cầu, sự đấu tranh đó được thể hiện thông qua lĩnh vực thương mại". Theo ông, mối quan hệ thương mại như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, mà còn giữa mọi người với nhau.

Những vấn đề liên quan tới tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cũng trở thành một chủ đề nóng hổi trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Tranh chấp thương mại gần đây nhất giữa Trung Quốc và Mỹ là về tấm pin năng lượng mặt trời. Washington đã tăng mạnh mức thuế nhập khẩu đánh vào các sản phẩm năng lượng mặt trời trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc vì cho rằng đối tác châu Á đang bán phá giá.

Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc các công ty Trung Quốc đang bán phá giá tấm pin năng lượng mặt trời tại Mỹ. Các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc tại thị trường Mỹ được bán với mức giá thấp hơn giá tiêu chuẩn cho phép từ 18,32% đến 249,96%, mặc dù một số công ty Trung Quốc được hưởng thuế ưu đãi chống phá giá theo thỏa thuận đạt được giữa hai nước hồi đầu năm 2012, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ.

Hôm 7/11 vừa qua, với tỷ lệ phiếu ủng hộ tuyệt đối 6/0, Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ (ITC) đã bỏ phiếu thông qua quyết định, theo đó trong 5 năm tới sẽ áp đặt mức thuế chống trợ cấp từ 2 đến 3 con số đối với pin và các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới Suntech Power Holdings.

Mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại từ nhiều thập kỷ cho đến nay, song gần đây không được suôn sẻ.

Với quyết định của ITC, Suntech sẽ phải chịu mức thuế chống trợ cấp lên đến 36%, trong khi một nhà sản xuất lớn khác của Trung Quốc là Trina Solar bị áp mức thuế 23,75%. Ngoài ra, hơn 100 công ty sản xuất pin Mặt Trời và các công ty xuất khẩu khác của Trung Quốc phải chịu mức thuế tổng hợp từ 31% đến hơn 250%.

Cuối tuần trước, phát biểu bên lề đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh đã phê phán quyết định này và cảnh báo hành động đó có thể mang lại cho Mỹ một kết quả trái với mong đợi.

"Một số người hỏi tôi rằng, Trung Quốc định chiến tranh thương mại với Mỹ đấy à? Tôi trả lời rằng không. Tôi hy vọng chúng ta có thể ngồi xuống và cố gắng hết mình ngăn chặn cuộc chiến thương mại này. Nhưng tôi cũng phải nói rằng, khi ai đó xâm phạm lợi ích của chúng tôi, chúng tôi sẽ phải bảo vệ doanh nghiệp của mình", ông nói.

Trên thực tế, nhiều lãnh đạo các công ty nước ngoài đã lên tiếng phàn nàn về thái độ ngày một cứng rắn của Trung Quốc đối với sự cạnh tranh từ bên ngoài.

Christian Murck, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ cho biết, những cải tổ thị trường đang bị trì hoãn. "Nếu bạn nhìn lại 5 năm trước, bạn sẽ thấy Trung Quốc không có tiến triển nào đáng kể", ông nói. "Vì thế chúng tôi mong muốn tiến trình cải tổ được thúc đẩy nhanh chóng, để mở rộng thị trường cho các công ty nước ngoài.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • “Cha đẻ tuổi teen”của Subway làm thế nào để biến 1.000 USD thành đế chế tỷ đô?

    “Cha đẻ tuổi teen”của Subway làm thế nào để biến 1.000 USD thành đế chế tỷ đô?

    17/05/2018 8:57 PM

    Để bắt đầu công việc kinh doanh của mình, DeLuca, người sáng lập Subway đã phải vay 1.000 USD. Ông thậm chí còn không biết gì về ngành công nghiệp fastfood nhưng cuối cùng đã tạo nên chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới.

  • 4 đối thủ lớn của McDonald's tại Việt Nam

    4 đối thủ lớn của McDonald's tại Việt Nam

    01/03/2014 9:08 AM

    KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King hiện chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường thức ăn nhanh Việt Nam, với hơn 300 cửa hàng bao phủ ở các thành phố lớn. Mức giá của 4 "ông lớn" này cũng rất cạnh tranh so với McDonald's.

  • 'Thị trường fastfood Việt Nam đang bùng nổ'

    'Thị trường fastfood Việt Nam đang bùng nổ'

    20/11/2013 8:20 PM

    Tổng Giám đốc vận hành Dairy Queen toàn cầu (hãng kem có hơn 6.300 cửa hàng trên thế giới), Jean Champagne đánh giá thị trường thức ăn nhanh Việt Nam trong giai đoạn bùng nổ và sẽ tăng trưởng nhanh 5-10 năm tới.

  • Nhượng quyền nội thắng thế

    Nhượng quyền nội thắng thế

    13/08/2013 2:10 PM

    Kinh doanh nhượng quyền (franchise) ẩm thực được coi là con gà đẻ trứng vàng khi VN ngày càng xuất hiện ồ ạt các thương hiệu lớn đến từ Mỹ - quê hương của fastfood.

  • Người Việt thời ra ngõ gặp...fastfood

    Người Việt thời ra ngõ gặp...fastfood

    29/11/2012 10:50 PM

    Việt Nam đang trở thành miền đất hứa của các hãng kinh doanh đồ ăn nhanh (fastfood) ngoại với những kế hoạch mở rộng kinh doanh đầy tham vọng.

  • Fastfood, lối ra cho thương mại Mỹ - Trung?

    Fastfood, lối ra cho thương mại Mỹ - Trung?

    18/11/2012 12:36 PM

    Tại một cửa hàng Pizza Hut ở Thượng Hải, Cai Baohua và gia đình đang thưởng thức các món ăn phương Tây. Họ nói cũng rất thích các chuỗi đồ ăn nhanh (fast-food) khác từ phương Tây như KFC hay McDonalds.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….