Theo ông này, công ty luôn có nhiều khoản chi mang tính định kỳ như phí cho cán bộ kiểm tra về điều kiện an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, xử lý môi trường, chi cho lái xe container “làm luật” trên đường giao hàng, xử lý TNGT…
“Tính ra, các khoản chi này chiếm 3-5% giá vốn bán hàng, sẽ hạch toán vào giá cước vận chuyển, phí dịch vụ do khách hàng gánh chịu. Nhưng, có nhiều khoản chi không hạch toán được, công ty đành phải treo ngoài sổ sách và “cấu” lợi nhuận ra để bù đắp” - vị lãnh đạo doanh nghiệp này nói.
Giám đốc một công ty dệt may tại Nam Định cho biết, dù bị lỗ, vẫn buộc phải chi các khoản phí “không tên” và tìm cách để cân đối được chi phí đầu vào - đầu ra trên sổ sách. Chẳng hạn như mua thêm hóa đơn đầu vào, rút ngắn thời gian trích khấu hao tài sản, tăng trích lập các quỹ dự phòng rủi ro…
Năm 2012, doanh thu của Cty CP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (TASA) đạt hơn 152 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ hơn 19 tỷ đồng, đóng thuế TNDN 3,19 tỷ đồng.
Trong khi chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh (khoảng 18-27%), thì các “chi phí khác” lại tăng gấp 7,4 lần, lên tới 3,86 tỷ đồng. Đây là một trong những khoản chi khiến lợi nhuận của TASA bị nhỏ lại.
Theo cán bộ một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội, thời gian qua, có tình trạng ngân hàng phải chi tiền khuyến mãi, chi tiền ngoài mức trần lãi suất huy động để cạnh tranh hút vốn.
Vị này cũng cho biết, nhiều chi phí khác của ngân hàng được phép sử dụng từ nguồn thu dịch vụ phí, thu chi nghiệp vụ. Tuy nhiên, các khoản chi ngoài cho đối tác, các mối quan hệ làm ăn không được tính trong chi phí, mà phải san sẻ từ phần lợi nhuận sau thuế, các quỹ phúc lợi khác…
Theo ông Nguyễn Đình Chung, Tổng giám đốc TASA, khối doanh nghiệp vận tải, dịch vụ kho bãi không thể có lợi nhuận cao trong tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay.
-
Chật vật với các “phí bôi trơn”
08/04/2013 8:29 PMThời buổi khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải chật vật để hạch toán các “phí bôi trơn” trong các khâu khó nói. Những tiết lộ của họ, chứng tỏ muốn tồn tại phải xoay xở đủ đường.