Douglas McMillon đã dành cả sự nghiệp của mình phục vụ cho Walmart. Ông đã từng là nhân viên bốc dỡ hàng hóa thời vụ trong kho hàng của Walmart khi còn là sinh viên. Trở thành quản lý cao cấp tại Sam’s Club (công ty con của Walmart) và Walmart International. Douglas McMillon bổ nhiệm trở thành CEO của Walmart trong thời điểm tập đoàn cần sự thay máu để tiếp tục cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ trên thị trường ngày càng khắc nghiệt.
Cuộc cách mạng Walmart
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008 cộng hưởng cùng giá nguyên nhiên liệu tăng cao, đã khiến nền kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng. Người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, họ chủ trương lựa chọn các hình thức mua sắm tiết kiệm, tiện lợi hơn, trong đó nổi bật là xu hướng thương mại điện tử, và đầu tàu là Amazon. Trong khi đó, Walmart chỉ vừa hồi phục sau “cơn bão” khủng hoảng.
Một số liệu do tạp chí Fortune công bố đã chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng của Walmart trong năm 2010 đạt 8,6%, nhưng Amazon còn làm tốt hơn, đạt gần gấp đôi con số này. Hơn thế, tổng giá trị thị trường của Amazon đạt gần 173 tỷ USD, và tiếp tục trên đà vượt qua con số 265 tỷ USD của Walmart.
Để cứu vãn tình hình, Rob Walton, Chủ tịch tập đoàn và là con trai của Sam Walton, người sáng lập Walmart, đã chỉ định Douglas McMillon trở thành tân CEO của Walmart. Douglas McMillon hiểu rõ Walmart hơn tất cả và cả gia tộc Walton tin rằng ông sẽ thực hiện một cuộc “cách mạng” mới cho Walmart, giúp tập đoàn “vượt thoát” tình trạng khủng hoảng hiện hữu.
Ngay sau khi nhậm chức, Douglas McMillon đã bắt tay giải quyết hàng loạt vấn đề tồn đọng của Walmart. Một trong số đó và được xem là nghiêm trọng nhất là chế độ lương thấp và vấn đề phúc lợi của các nhân viên.
Hàng loạt cuộc biểu tình và đình công đã diễn ra trong suốt thời kỳ của cựu CEO Mike Duke trước, yêu cầu về quyền lợi và phúc lợi xứng đáng cho người lao động. Do đó, Douglas McMillon nhận thấy nếu tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người lao động, làm giảm sút hiệu quả năng suất lao động và khiến họ không còn động lực gắn bó cùng công ty trong những giai đoạn thay đổi sắp tới.
Walmart trung thành với triết lý “Always low price” (luôn giữ giá thấp).
Ông đã mạnh tay nâng lương cho tất cả nhân viên công ty khắp nước Mỹ từ 7,49USD/giờ lên 10,1USD/giờ. Chính sách này của Douglas McMillon đã được đích thân cựu Tổng thống Barack Obama khen ngợi, vì đã nâng mức lương nhân viên Walmart thậm chí còn cao hơn mức lương quy định của liên bang đến 1,75USD.
Chiến thuật “lội ngược dòng”
Sau khi giải quyết được vấn đề nội bộ, CEO Douglas McMillon bắt đầu tìm hướng phát triển mới cho Walmart. Ông bắt tay nghiên cứu các phương án đưa Walmart tham gia mảng thương mại điện tử. Để tiết kiệm thời gian, Douglas McMillon đã mua lại Công ty Jet với giá 3,3 tỷ USD để sở hữu công nghệ tạo dựng website thương mại.
Tiếp theo, hàng loạt các thương hiệu bán lẻ điện tử nhỏ khác cũng được mua bán-sáp nhập nhằm tạo ra nguồn cung ứng sản phẩm phong phú trên thị trường thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Douglas McMillon trao quyền điều hành mảng thương mại điện tử Walmart E-commerce cho Marc Lore, CEO của Jet.com và là một cựu nhân viên từng làm việc tại Amazon.
Dù quyết định này vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia, nhưng Douglas McMillon nhận định rằng Jet.com là một doanh nghiệp tầm trung trên thị trường thương mại điện tử, họ bán tất cả các sản phẩm từ nội thất, điện tử, thời trang… nhưng có mức giá cạnh tranh và phù hợp. Bên cạnh đó, lượng khách hàng ổn định và giàu tiềm năng của Jet.com, chủ yếu là giới trẻ có khả năng nắm bắt công nghệ nhanh chóng. Đây là điều Walmart cần, một website để đưa các sản phẩm Walmart từ kệ hàng lên không gian mạng.
Mặt khác, sau khi xem xét sự thành công của đối thủ Amazon, Douglas McMillon nhận ra rằng ngoài việc tung ra thị trường đúng thời điểm, công nghệ vượt trội, yếu tố chính giúp hãng có thể “đánh nhanh, thắng gọn” trên thị trường thương mại điện tử chính là hệ thống cơ sở hậu cần và chuỗi các kho tập trung hàng hóa có quy mô trên toàn cầu. Tìm ra được lời giải cho vấn đề của Walmart, Douglas McMillon đề nghị Marc Lore xây dựng chuỗi các kho hàng hóa và hệ thống hậu cần tiên tiến, thậm chí công nghệ hiện đại hơn để nhanh chóng “lội ngược dòng”.
Đáp lại sự tin tưởng của người điều hành, Marc Lore xây dựng thành công ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh và một chuỗi các địa điểm nhận hàng ven đường. Khách hàng chỉ cần lựa chọn các sản phẩm cần mua trên ứng dụng của Walmart, thiết lập thời gian và địa điểm nhận hàng vào bất cứ lúc nào hay bất kỳ địa điểm nào mình muốn, sau đó thanh toán hóa đơn thông qua ví điện tử hoặc mã QR tại các địa điểm nhận hàng ven đường. Sự đột phá này đã tiết kiệm khoản lớn chi phí vận chuyển và thuê mướn kho bãi.
Ý tưởng của Douglas McMillon và phát kiến của Marc Lore đã giúp Walmart nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên cuộc đua thương mại điện tử. Báo cáo tài chính sau 1 năm hoạt động cùng Jet.com, doanh thu mảng thương mại điện tử của Walmart tăng trưởng đến 44%, thu về 11,5 tỷ USD trên thị trường nước Mỹ, gấp 11 lần số tiền thất thoát trong thời gian đầu hoạt động.
Trong khi đó, năm 2018 doanh thu bán lẻ điện tử của Walmart cũng đạt được con số đáng ngưỡng mộ, tăng trưởng đến 40% đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng của tạp chí Fortune các doanh nghiệp bán lẻ có thu nhập tốt nhất trong năm 2018.
Mở rộng và củng cố
Ổn định thị trường nội địa, Walmart đã chuyển hướng tiếp cận các thị trường lớn và tiềm năng khác. Thị trường Douglas McMillon nhắm đến đó là Ấn Độ, quốc gia có dân số lớn thứ 2 trên thế giới. Ước tính, nếu sở hữu được thị trường rộng lớn và giàu có của Ấn Độ, doanh thu mảng thương mại điện tử Walmart sẽ thu về 200 tỷ USD trong năm 2026.
Do đó, để rộng đường tiến vào Ấn Độ, Walmart đã lên kế hoạch sở hữu cổ phần của Flipkart, một công ty thương mại điện tử có thị phần lớn nhất tại Ấn Độ. Đây là thương vụ được giới chuyên gia đánh giá là thành công nhất của CEO Douglas McMillon. Ông đã lần lượt đánh bại Alibaba đang trỗi dậy mạnh mẽ khắp châu Á, và Amazon vốn có một hệ thống cơ sở hậu cần, kho bãi hùng hậu đặt tại Ấn Độ.
Thương vụ này bắt đầu từ năm 2016, Walmart bắt đầu thương lượng với Flipkart với con số khiêm tốn. Cuộc thương lượng bắt đầu kịch tích khi có sự xuất hiện của Amazon. Walmart ngay lập tức đã quyết định nâng mức thương lượng lên 16 tỷ USD cho 77% cổ phần của Flipkart, cùng với hàng loạt điều khoản có lợi cho cả 2 bên theo nguyên tắc win-win. Cuộc thương lượng chính thức ngã ngũ vào tháng 5-2018, Walmart trở thành “ông vua” thương mại điện tử tại Ấn Độ thông qua Flipkart, mở ra thị trường mới đầy tiềm năng và giàu có cho Walmart.
Song song phát triển mảng thương mại điện tử, Douglas McMillon vẫn tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu của siêu thị Walmart truyền thống, trung thành với triết lý “Always low price” (luôn giữ giá thấp) nhằm duy trì những khách hàng trung thành. Walmart duy trì song song 2 phân khúc cửa hàng phục vụ cho mọi đối tượng khác nhau, trong đó Sam’s Club chuyên phục vụ các sản phẩm dành cho tầng lớp thượng lưu. Đồng thời xây dựng các trung tâm bán lẻ ở vùng ngoại ô có chi phí thuê mướn thấp hơn, nhằm phục vụ phân khúc khách hàng thu nhập trung bình.
Douglas McMillon luôn xây dựng hình ảnh Walmart thân thiện với khách hàng và cộng đồng. Vào tháng 9 vừa qua, 2 vụ xả súng xảy ra liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn tại bang Mississippi và Texas ngay trước các siêu thị của Walmart khiến 22 người thiệt mạng. Ngay lập tức Douglas McMillon đã ra thông báo Walmart thay đổi chính sách kinh doanh đạn dược tại các cửa hàng, giảm từ 20% xuống còn 6-9%. Đồng thời, Walmart sẽ có những chính sách riêng với khách hàng mua súng có lý lịch tốt và tuân thủ pháp luật.
-
CEO Douglas McMillon - Vị cứu tinh đế chế Walmart
26/11/2019 11:38 AMDouglas McMillon được bổ nhiệm làm CEO chính thức của tập đoàn bán lẻ Walmart, trong bối cảnh doanh nghiệp này đang đứng trước nguy cơ đánh mất thị phần vào tay hàng loạt “ông lớn” bán lẻ mới nổi cả trong lẫn ngoài nước. Không được nhiều người đánh giá cao, nhưng cuối cùng Douglas McMillon đã trở thành một trong những CEO quyền lực và có sức ảnh hưởng nhất trong 3 năm liên tiếp do tạp chí Forbes bình chọn.