Nguyễn Phi Vân từng được biết đến với việc đưa thương hiệu Gloria Jeans Coffees vào Việt Nam, hiện là cố vấn về nhượng quyền cho Chính phủ Malaysia. Chị vừa ra mắt cuốn sách Nhượng quyền khởi nghiệp, con đường ngắn để bước ra thế giới.

Nếu bạn có ý tưởng hay nhưng chưa qua trải nghiệm kinh doanh để chứng minh nó mang lại lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh cho đối tác nhận nhượng quyền tiềm năng, thì đừng nóng vội nhượng quyền.

Tôi đã gặp nhiều trường hợp các DN Việt Nam hỏi tôi về cách bán nhượng quyền, nhưng khi tôi muốn biết báo cáo lãi lỗ của một chi nhánh thế nào, họ hầu như không có câu trả lời rõ ràng, minh bạch.

Bản thân chi nhánh của DN mình mà mình còn không rõ về hiệu quả kinh doanh thì thử hỏi bạn sẽ bán giấc mơ kiểu gì cho đối tác? Đã thành lập DN rồi mà còn như thế, nếu chỉ là ý tưởng thôi thì kết quả kinh doanh rồi sẽ thế nào?

Bài học "nhượng quyền non"

Hiện đã có hiện tượng vài DN khởi nghiệp còn rất trẻ, rất mới nhưng đã nhận được lời đề nghị xin nhượng quyền thương hiệu. Kết cục chung của những việc "nhượng quyền non" này thường là chết cả chuỗi. Một thương hiệu nhượng quyền muốn phát triển phải nhờ vào "sức khỏe" hệ thống.

Và yếu tố đầu tiên của "sức khỏe" là tài chính hay hiệu quả kinh doanh của chi nhánh nhận quyền. Ví dụ, bạn có một cửa hàng bán bún bò và lợi nhuận ròng hằng tháng của cửa hàng này là 12% trên doanh thu chẳng hạn.

Khi có người đến đề nghị mua nhượng quyền, tất nhiên bạn sẽ rất phấn khởi vì mở rộng được ngay một chi nhánh mới trong hệ thống, tăng độ nhận biết thương hiệu, và dĩ nhiên là còn thu được tiền từ chi phí cấp phép và bán nguyên vật liệu cho đối tác nhận quyền. Tuy nhiên, bạn đã tìm hiểu xem chi nhánh của đối tác kinh doanh có hiệu quả không hay chưa?

Chúng ta thử làm một bài toán: Bỏ qua chi phí cấp phép ban đầu là 100 triệu đồng chẳng hạn, bạn sẽ thu thêm của đối tác những chi phí: 6% trên doanh thu phí royalty (phí sử dụng thương hiệu hằng tháng), 2% trên doanh thu phí marketing (phí đóng góp quỹ marketing cho thương hiệu), và cộng thêm 10 - 15% lợi nhuận khi bán nguyên vật liệu, hàng hóa cho đối tác.

Giả sử 10 - 15% đó làm cho chi phí nguyên vật liệu hằng tháng của chi nhánh đối tác tăng lên khoảng 2% so với chi nhánh nguyên thủy của bạn, thì tổng cộng chi phí royalty + chi phí marketing + chi phí nguyên vật liệu tăng thêm là 6% + 2% + 2% = 10%.

Nếu đưa con số 10% chi phí tăng thêm này vào bản báo cáo lãi lỗ của chi nhánh đối tác thì 12% lợi nhuận ròng hằng tháng tại chi nhánh của bạn sẽ chỉ còn là 12% - 10% = 2% tại chi nhánh nhận quyền. Nếu bỏ tiền ra đầu tư chỉ để nhận lấy 2% lợi nhuận thì tôi làm làm gì cho mệt? Lãi suất gửi tiết kiệm ở ngân hàng cũng đã hơn 5% rồi!

"Việt hóa" nhượng quyền

Mặc dù luôn đưa ra lời khuyên phải xây dựng nội lực và hệ thống hỗ trợ vững mạnh rồi mới bắt đầu nhượng quyền, tôi cũng hiểu rất rõ "nỗi lòng" của người làm kinh doanh khi cơ hội trong tầm tay, hoàn toàn có thể nắm bắt.

Vậy nên mình cũng có thể "Việt hóa" phần nào cách làm và dấn bước vào hoạt động nhượng quyền ngay bây giờ, nhưng với điều kiện tiên quyết là phải cùng lúc triển khai kế hoạch xây dựng nội lực, quy trình và nền tảng trong thời gian đối thoại cùng đối tác.

Đối với một vài đối tác đang trong thời gian đầu vừa làm vừa phát triển, DN cũng nên thẳng thắn và minh bạch với đối tác về hiện trạng của DN và cách làm. Khi đối tác hiểu mà vẫn dấn bước cùng DN, năng lượng tích cực của đôi bên sẽ đẩy toàn hệ thống về phía trước.

Ngược lại, nếu không có sự minh bạch hoặc cố tình giấu giếm thì quan hệ hợp tác trước sau gì cũng đổ vỡ. Từ chối hay chấp nhận không phải là vấn đề, quan trọng là tính thành thật, sự minh bạch và tinh thần win-win, đôi bên cùng có lợi.

Trong vài năm tới đây, hoạt động nhượng quyền sẽ ngày càng sôi động tại thị trường Việt Nam nhưng chủ yếu vẫn ở đầu vào, là sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế và khu vực vào thị trường Việt Nam với sức tiêu thụ của hơn 90 triệu dân. Về khả năng xây dựng mô hình và thương hiệu nhượng quyền "Made in Vietnam", tất cả mới chỉ là khởi đầu.

Cho đến nay, hiểu đúng về nhượng quyền hãy còn là một vấn đề. Do đó, áp dụng đúng và sử dụng mô hình này để phát triển thật ra còn rất nhiều thách thức. Đó cũng là lý do vì sao tôi viết sách cũng như đi diễn thuyết khắp nơi. Mong muốn duy nhất của tôi là đóng góp phần nào vào việc thay đổi nếp suy nghĩ, tư duy đã lạc hậu để DN Việt xây dựng được những thương hiệu mang tầm vóc khu vực hay thế giới.

Rút cạn kinh nghiệm của mình chia sẻ với người trẻ, tôi thật lòng mong các bạn trẻ thay đổi suy nghĩ ngắn hạn của người Việt thành suy nghĩ dài hạn, có tầm nhìn xa để xây dựng những giá trị trường tồn. Tôi vẫn đang mơ giấc mơ về thế hệ tiếp nối sẽ mạnh dạn khởi nghiệp và làm rạng danh thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nguyễn Phi Vân (Doanh nhân SG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Khởi nghiệp, trước tiên hãy trả lời những câu hỏi ...

    Khởi nghiệp, trước tiên hãy trả lời những câu hỏi ...

    05/06/2016 5:46 PM

    Ủng hộ việc khởi nghiệp bằng cách nào hiệu quả nhất? Chị Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty R&F Asia, chuyên gia về thương hiệu và nhượng quyền thương hiệu quốc tế chia sẻ kinh nghiệm của mình về vấn đề này với DOANH NHÂN.

  • Nguyễn Phi Vân và mô hình thương hiệu nhượng quyền “made in Vietnam”

    Nguyễn Phi Vân và mô hình thương hiệu nhượng quyền “made in Vietnam”

    11/12/2015 9:45 AM

    "Câu hỏi đầu tiên nhiều doanh nghiệp tìm đến tôi là bán nhượng quyền giá bao nhiêu và chi phí thế nào? Nhưng, vấn đề là bạn có cái gì, chứ không phải bán bao nhiêu".

  • Bước ra thế giới bằng nhượng quyền

    Bước ra thế giới bằng nhượng quyền

    27/11/2015 7:51 AM

    Nguyễn Phi Vân từng được biết đến với việc đưa thương hiệu Gloria Jeans Coffees vào Việt Nam, hiện là cố vấn về nhượng quyền cho Chính phủ Malaysia. Chị vừa ra mắt cuốn sách Nhượng quyền khởi nghiệp, con đường ngắn để bước ra thế giới.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.