Học cách quản lý tiền, nhận biết sai lầm và sửa chữa hay có trách nhiệm với tài sản của mình là những điều mà các bậc phụ huynh muốn thấy ở con mình, yếu tố quan trọng trong việc quyết định để lại bao nhiêu thừa kế.

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện bảo hiểm hưu trí Mỹ, nếu bạn mong chờ được thừa kế toàn bộ tài sản, trước tiên phải chứng minh mình có đủ khả năng quản lý gia tài đó.

Con cái giàu lên nhanh chóng sẽ mất động lực phấn đấu là điều các ông bố, bà mẹ lo lắng.

Tiến bộ trong cách quản lý tiền

Nhiều bậc cha mẹ không cần con cái phải hoàn hảo. Thay vào đó, họ trông đợi vào khả năng quản lý tiền của con. Dù trong quá khứ bạn có tiêu hết số tiền của mình, cha mẹ hầu như sẽ sẵn lòng bỏ qua nếu họ thấy bạn đang biết cách quản lý tài chính hơn.

Theo luật sư hoạch định di sản Amy Fenelli Ciftcikara, một đứa trẻ càng chứng minh được với cha mẹ về khả năng tự chịu trách nhiệm tài chính cá nhân thì cơ hội được thừa kế toàn bộ tài sản sẽ càng cao.

Biết rút kinh nghiệm từ sai lầm

Bạn có thể mắc những sai lầm và đó không phải là vấn đề lớn. Trên thực tế, một số gia đình muốn thấy con cái mình vấp ngã vì đó là những bài học bổ ích nhất. Nhưng quan trọng và cũng là điều cốt yếu trong việc giành quyền thừa kế là bạn phải thực sự rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó.

Nếu lặp lại những sai lầm sẽ khiến cho cha mẹ hiểu rằng bạn không phân biệt được sai trái và thiếu có khả năng tiếp thu. Hãy thừa nhận với cha mẹ bạn đã có những quyết định sai lầm trong quá khứ, giải thích lý do dẫn đến các quyết định trên cũng như tại sao chúng không mang lại kết quả tích cực. Cuối cùng, cam kết không đưa ra quyết định tương tự trong tương lai. Các bậc phụ huynh sẽ đánh giá rất cao nỗ lực của bạn.

Mark Ziebold, một luật sư hoạch định di sản, cho biết: "Hầu hết những người giàu đều biết rằng những đứa con có thể phá sạch tất cả tài sản mà cha mẹ chúng tích cóp cả đời chỉ trong một thời gian ngắn. Vì thế, nhiều phụ huynh buộc người thừa kế mình phải qua một lớp đào tạo tài chính trước khi giao phó tài sản".

Có trách nhiệm trong việc sử dụng những khoản nợ

Một số gia đình giàu có vẫn vay nợ, họ coi đó là đòn bẩy mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Nếu bạn nợ thẻ tín dụng hoặc vay quá nhiều tiền để mua xe thì cha mẹ có thể nghĩ bạn vô trách nhiệm với tiền. Nếu bạn đang mắc vào những khoản nợ không thể sinh lời, thì hãy đọc lại lời khuyên thứ hai.

Hãy thừa nhận sai lầm và cho cha mẹ bạn biết rằng bạn đang lên kế hoạch để trả nợ. Tốt nhất là vay tiền từ cha mẹ với lãi suất thấp hơn tín dụng để có thể thanh toán hết nợ thẻ. Điều này cho thấy sự nhạy bén tài chính cũng như củng cố cam kết của bạn với phụ huynh. Tuy nhiên, nếu bạn không trả lại tiền nợ cho cha mẹ, bạn có thể phải tạm biệt phần thừa kế của mình.

Thể hiện tham vọng

Cha mẹ luôn muốn thấy con cái có trách nhiệm với cuộc sống. Tỷ phú đầu tư Warren Buffett từng nói: "Hãy cho con cái số tiền đủ để chúng thấy có thể làm bất cứ điều gì, nhưng không được nhiều đến mức mà chúng sẽ không làm gì". Mở một công ty, theo đuổi sự nghiệp riêng, hay tham gia một tổ chức phi lợi nhuận... Bạn có thể làm bất cứ công việc gì miễn là cha mẹ biết bạn đang lao động.

Lên kế hoạch cuộc sống

Nếu đang còn trẻ, bạn không cần phải vạch ra toàn bộ cuộc đời của mình, nhưng nói với cha mẹ về tương lai và những ước mơ của bạn. Hãy chia sẻ với họ những gì bạn muốn làm và những gì đã thấy trong cuộc sống. Điều mà cha mẹ lo sợ là con cái không có định hướng cho cuộc sống. Họ sợ bỗng chốc giàu có sẽ khiến con mình mất hết động lực phấn đấu. Bạn cần phải cho cha mẹ thấy kế hoạch cuộc đời mình, nếu không sẽ chẳng nhận được đồng thừa kế nào.

Quan tâm đến tiền bạc

Bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh cũng không đảm bảo cho việc thừa kế của bạn. Nhưng nếu quan tâm đến tài chính cá nhân, bạn hiểu được trách nhiệm với sự giàu có. Hãy học một khóa quản lý tài chính tại một trường đại học, đọc sách, hay tìm một người tư vấn cho bạn. Bạn càng biết cách quản lý tiền bạc, cha mẹ bạn sẽ càng dễ dàng để lại tiền cho bạn về sau.

Thu Trang (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.