CafeLand - Chiều 17/5, trong cuộc gặp mặt nhà đầu tư và báo giới tại Tp.HCM, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết “sẽ mời những tổ chức chuyên về môi trường còn lớn hơn và chuyên nghiệp hơn Global Witness để đánh giá tác động môi trường của tất cả những nơi HAG đầu tư”.

Theo đó, trước mắt, HAGL sẽ mời tổ chức Bureau Veritas Certification rà soát lại toàn bộ hệ thống của HAGL để đánh giá ảnh hưởng môi trường tại các dự án trồng cao su, mía đường của HAGL.

Theo như tuyên bố trên thì dường như bầu Đức muốn dùng một tổ chức tên tuổi hơn để “phản pháo” lại bản báo cáo của Global Witness (GW). Tuy nhiên, liệu hành động này có hợp lý hay không? Chúng ta sẽ cùng nhìn nhận vấn đề.

Vài nét về Bureau Veritas Certification và Global Witness

Bureau Veritas là tập đoàn quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực chất lượng, sức khỏe, an toàn, môi trường và trách nhiệm xã hội (QHSE-SA), để đảm bảo rằng tài sản của khách hàng, sản phẩm, cơ sở hạ tầng và quy trình đáp ứng các tiêu chuẩn và các quy định về chất lượng, sức khỏe và an toàn, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1828. Vào cuối năm 2012, tập đoàn này đã có hơn 59.000 nhân viên tại hơn 1.330 văn phòng và các phòng thí nghiệm đặt tại 140 quốc gia. Công ty có trụ sở chính tại Neuilly-sur-seine, gần Paris La Défense ở Pháp.

Bureau Veritas đã hoạt động tại Việt Nam hơn 10 năm qua. Hiện nay tập đoàn này có 130 nhân viên tại các văn phòng Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và Dung Quốc (Phú Mỹ).

Global Witness là một tổ chức quốc tế phi chính phủ thành lập năm 1993, hoạt động vì các mục tiêu chống khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, chống xung đột, nghèo đói, tham nhũng và vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Tổ chức có văn phòng tại London và Washington, DC.

Tổ chức Global Witness tuyên bố rằng dù nhận tài trợ từ các tổ chức/cá nhân và từ ngân sách của một số nước nhưng GW hoàn toàn độc lập, không bị sự ảnh hưởng và chi phối của bất kỳ ai.

Phương pháp hoạt động của GW là kết hợp nghiên cứu điều tra, báo cáo xuất bản và tiến hành chiến dịch vận động. Báo cáo được phổ biến cho các chính phủ, các tổ chức liên chính phủ và các phương tiện truyền thông. Mục đích là nhằm xây dựng chính sách toàn cầu và thay đổi tư duy quốc tế về những vấn đề môi trường, phát triển kinh tế không bền vững, xung đột, …

Tổ chức này đã có rất nhiều hành động được sự ủng hộ của toàn cầu. Tổ chức này đã được đề cử cho giải Nobel hòa bình 2003 vì những đóng góp trong chiến dịch kim cương máu.

Liệu có khả thi?

Liệu hành động của bầu Đức có hợp lý hay không khi xem xét kỹ bản chất của hai tổ chức và mục đích hành động của GW.

Đầu tiên, GW là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động vì môi trường. Trong khi đó, Bureau Veritas là một tập đoàn có mục tiêu lợi nhuận rõ ràng. Chúng ta có quyền đặt câu hỏi về tính khách quan của báo cáo do tổ chức này đưa ra về chính công ty đã thuê nó. Người tiêu dùng sẽ nghe ai, khi một bên hoạt động với tôn chỉ độc lập – không có mục tiêu lợi nhuận và chính trị, một bên thì dẫu sao vẫn có mục tiêu lợi nhuận. Sẽ rất đáng hoan nghênh nếu HAGL thuê Bureau Veritas để họ đánh giá lại các tác động môi trường và đề ra giải pháp cải thiện, chứ không phải là dùng kết quả đánh giá ấy để chứng minh GW đã đưa ra một bản báo cáo sai sự thật.

Thứ hai, mục tiêu của những tuyên bố này của HAGL là gì? Những lời tuyên bố này sẽ không có mấy tác dụng với dư luận trong nước. HAGL là một tập đoàn lớn và nổi tiếng nhiều năm qua, những hoạt động kinh doanh của HAGL đã sớm được dư luận trong nước đem ra mổ sẻ rõ ràng. Đối với những tổ chức đầu tư nước ngoài, họ làm việc thận trọng và có nguyên tắc nên chắc chắn sẽ có những bước đánh giá kỹ càng trước bất cứ động thái nào. Thêm nữa, mục tiêu của GW không phải là những tổ chức đầu tư này, cũng không phải dư luận nước ta. Họ muốn tạo ra dư luận trên trường quốc tế, với mục tiêu cuối cùng là đánh vào lương tâm của người tiêu dùng quốc tế. Bằng cách đó, trong dài hạn nếu HAGL không chứng minh được sự vô tội của mình hoặc không cho thấy những nỗ lực sửa sai thì những đối tác lớn sẽ khó mà hợp tác cùng HAGL.

Như một bài báo đã phân tích, không thể xem thường tác động của dư luận thế giới, mà Nestle là một ví dụ. Năm 2010, tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) phát động chiến dịch tẩy chay bánh Kit Kat của Nestle với lý do Nestle dùng dầu cọ mua từ Sina Mars để làm bánh, và Sina Mars lại trồng cọ dầu trên khu vực trước là đất sống của loài đười ươi. Kết quả là Nestle đã loại Sina Mars ra khỏi danh sách nhà cung cấp vì những tổn thất mà hãng này phải gánh chịu. Mà người tiêu dùng nước ngoài, họ có đầy đủ thông tin và kinh nghiệm để nhìn nhận sự việc hơn.

Không bàn đến tính đúng sai của vụ việc, rõ ràng đây có thể xem là một bài học cho doanh nghiệp về cách ứng phó những rủi ro truyền thông, nhất là khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam vươn ra tầm quốc tế.

Xem thêm bài viết về: Ông Đoàn Nguyên Đức
Tiêu Dao
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.