Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã xây dựng website riêng của doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm và tham gia các Sàn TMĐT để tiếp cận gần hơn với khách hàng của mình. Tuy vậy, đa số website lại bị bỏ ngỏ, số liệu không cập nhật.

Thương mại điện tử (TMĐT) theo mô hình B2B (Business to Business – Doanh nghiệp tới Doanh nghiệp) hiện nay đang được coi là một phân khúc phát triển tiềm năng nhất trong lĩnh vực TMĐT trên toàn cầu. Sự phát triển của công nghệ thông tin, cùng với sự bùng nổ của Internet đã mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội tham gia vào môi trường TMĐT với chi phí thấp hơn và tiếp cận với nhiều bạn hàng hơn, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu và thu được lợi nhuận.

DN Việt vẫn… chờ đợi

Trong năm 2013, mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi nhưng TMĐT lại mang đến nhiều tín hiệu tốt và được nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế đánh giá tình hình khá lạc quan. Theo một nghiên cứu của trung tâm Forrester, doanh thu từ TMĐT B2B ở thị trường Hoa Kỳ đến cuối năm 2013 dự kiến vào khoảng 559 tỷ USD, gấp đôi doanh thu từ TMĐT B2C (Business to Consumer – Doanh nghiệp tới Người tiêu dùng). Cũng theo một nghiên cứu của eMarketer, doanh thu từ TMĐT B2B tại Việt Nam năm 2012 là 700 triệu USD và được kỳ vọng sẽ đạt mức 1,3 tỷ USD trong năm 2015.

Tuy nhiên, cũng do những ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, những nhà nhập khẩu không còn mạo hiểm với những đơn hàng khổng lồ qua TMĐT như trước mà họ chia thành những đơn hàng nhỏ hơn và đặt thường xuyên hơn. Theo những số liệu có được từ Sàn Thương mại điện tử Alibaba.com, trong vòng 3 năm, số lượng nhà nhập khẩu ở Hoa Kỳ tham gia trên Alibaba đã tăng từ 2 triệu lên 7 triệu và ở số lượng nhà nhập khẩu đến từ Anh là 1.6 triệu. Cũng với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của các nhà nhập khẩu ở các thị trường nhập khẩu chính trên là sự đa dạng hóa về các nhu cầu nhập khẩu và giá trị đơn hàng có xu hướng chia nhỏ ra. Những quốc gia ít chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế như Nga, Ấn Độ và Brazil lại tăng số lượng đơn hàng và tập trung vào những mặt hàng công nghiệp, nguyên liệu thô.

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đã quan tâm hơn đến kinh doanh qua TMĐT bằng việc xây dựng các website hay gửi thư điện tử giới thiệu sản phẩm tới khách hàng, tham gia các Sàn TMĐT trong nước, quốc tế và rất nhiều hình thức khác. Nhưng trước thực tế những đơn hàng không còn lớn như trước, những nhà nhập khẩu có thể tiếp cận với nhiều nhà cung cấp với mức giá hợp lý hơn, đàm phán và giao dịch thuận tiện hơn; doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng im một chỗ để chờ đợi đơn hàng về và thu lợi nhuận.

Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã xây dựng website riêng của doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm và tham gia các Sàn TMĐT để tiếp cận gần hơn với khách hàng của mình. Tuy vậy, đa số website lại bị bỏ ngỏ, số liệu không cập nhật. Tin tức trên website từ năm 2009, 2010; các sản phẩm không được sản xuất nữa nhưng vẫn trưng bày trên website; khách hàng muốn liên hệ với doanh nghiệp thì số điện thoại thay đổi, email không gửi được… Dường như các doanh nghiệp đó làm website theo phong trào chứ không hề coi trọng vai trò của website doanh nghiệp trong kinh doanh TMĐT. Trong TMĐT, website doanh nghiệp không chỉ thể hiện bộ mặt của công ty mà còn thể hiện phong cách làm việc và là phương tiện để liên hệ với khách hàng. Nếu không được quan tâm và cập nhật thông tin đầy đủ, website lại trở thành rào cản đối với doanh nghiệp khi doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, tiếp cận với những nhà nhập khẩu trên toàn thế giới.

Thêm nữa, có những doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Sàn TMĐT và phàn nàn về việc mặc dù có tài khoản rồi nhưng kinh doanh không hiệu quả, hỏi hàng ít, số lượng hợp đồng thu về qua tài khoản Sàn TMĐT hầu như không có. Theo ông Nghiêm Văn Thành, bộ phận Chăm sóc khách hàng của Công ty OSB – Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam cho biết: “Có một số doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả trên sàn TMĐT, phần lớn là do một số nguyên nhân như: đã có tài khoản Gold Supplier nhưng không sử dụng, bỏ không gian hàng không hoạt động 2-3 tháng; đăng ít sản phẩm trên gian hàng (dưới 50 sản phẩm); ít khi đăng nhập vào tài khoản Gold Supplier, khoảng 2 đến 3 tuần mới đăng nhập 1 lần; đăng một loạt sản phẩm rồi không chăm sóc gì thêm; nhận được hỏi hàng nhưng không trả lời ngay...”

Hay chủ động ?

Với những công cụ đắc lực sẵn có trong tay như website, tài khoản trên Sàn TMĐT, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động thực hiện tiếp cận và giao dịch với khách hàng.

Bà Cao Hoàng Thảo Ly, Giám đốc Công ty TNHH Aurora chuyên kinh doanh mặt hàng gốm sứ và thủ công mỹ nghệ chia sẻ: “Khi mới đăng ký thành viên, thời gian đầu rất khó khăn khi số lượng hỏi hàng chưa nhiều, tuy nhiên sau một thời gian số lượng hỏi hàng ngày một nhiều hơn, cho đến bây giờ 100% khách hàng tôi có được là từ Alibaba.com.” Ngay khi trở thành Gold Supplier trên Alibaba.com, Aurora đã rất tích cực hoạt động với việc đưa gần 1.000 sản phẩm lên gian hàng của mình chỉ trong 03 tháng. Từ đó, số lượng và chất lượng hỏi hàng tăng lên đáng kể, trung bình 1 tháng công ty nhận được 100 hỏi hàng.

Ông Nguyễn Gia Hùng, Phó giám đốc Công ty E.U.R.E.K.A Việt Nam – thành viên Gold Supplier trên Alibaba.com đã đưa ra bí quyết cho các doanh nghiệp như sau: “Bí quyết thành công của chúng tôi đó chính là trả lời nhanh chóng các hỏi hàng của khách, thường xuyên cập nhật sản phẩm, sử dụng các từ khóa hợp lý và chính xác. Bên cạnh đó việc sử dụng thêm các dịch vụ giá trị gia tăng như công cụ nâng thứ hạng tìm kiếm cũng giúp chúng tôi quảng bá tốt hơn các sản phẩm của mình. Chúng tôi cho rằng thương mại điện tử nói chung và Alibaba.com nói riêng là một kênh giao thương rất tiềm năng DN XK Việt Nam không nên bỏ qua.”

Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, số lượng nhà cung cấp rất nhiều, cạnh tranh trên thương trường rất khắc nghiệt, doanh nghiệp xuất khẩu không thể đứng im một chỗ chờ đợi những đơn hàng đến mà phải có những hành động tức thì và tận dụng triệt để những công cụ mình có để tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn và phát triển kinh doanh.

N.Hương (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.