Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ, chia sẻ về mối quan hệ hợp tác dễ khiến dư luận liên tưởng đến tính “gia đình trị” giữa PNJ và Ngân hàng Đông Á.
Bà Cao Thị Ngọc Dung nói gì về Ngân hàng Đông Á?

Nhiều năm qua, nhắc đến Ngân hàng Đông Á mà Tổng Giám đốc là ông Trần Phương Bình, giới đầu tư lại liên tưởng đến Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ, với nhà lãnh đạo cao nhất là bà Cao Thị Ngọc Dung, vợ ông. Nếu không xét đến điểm mạnh trong quá trình phát triển của hai đơn vị, thì sự song hành này đã và đang tạo nên dư luận rằng, Ngân hàng Đông Á phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến của PNJ khi hoạch định chiến lược, mà cụ thể là bà Dung. Điều này được lý giải ở việc PNJ vừa là nhà sáng lập, vừa là một trong những cổ đông lớn của Ngân hàng Đông Á và là đối tác của ngân hàng này trong một số dự án.


Bên lề Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 18 của Ngân hàng Đông Á, NCĐT đã trao đổi với bà Dung về việc này.


Đông Á vẫn đề cập đến việc trẻ hóa Ban lãnh đạo ngân hàng, song hình như việc tìm một gương mặt mới đủ sức thay ông Bình là quá khó đối với Hội đồng Quản trị, trong đó có bà?


Đông Á đang tăng tốc đào tạo một đội ngũ lãnh đạo trẻ để có thể tiếp tục sự nghiệp mà chúng tôi đã dày công xây dựng. Nhiều người hỏi tôi tại sao Đông Á không tuyển chọn ngay một tổng giám đốc trẻ từ bên ngoài vào, để người này sẽ tuyển chọn lại một đội ngũ phù hợp và tiến hành cải cách nhằm rút ngắn giai đoạn. Đây là giải pháp hay, nhưng chúng tôi không tự tin khi thực hiện một cuộc cải cách mà mình chưa có đủ thời gian cọ xát để biết chắc đó là người mình cần tìm.


Ngoài ra, để một doanh nghiệp phát triển được thì cần phải nhờ vào cả một đội ngũ, chứ hiếm khi dựa vào một cá nhân.


Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã có đối tác chiến lược nước ngoài. Đông Á thì sao?


Các cổ đông lớn của Đông Á đã nhất trí với nhau là chưa nhất thiết phải có cổ đông nước ngoài.


Vậy theo bà, mối quan hệ PNJ - Đông Á có phải là rào cản khiến nhà đầu tư nước ngoài chưa thể đến gần hơn, hay vì lý do nào khác?


Thực tế, Ngân hàng Đông Á từng đàm phán và từ chối nhiều đối tác nước ngoài muốn tham gia góp vốn, trong giai đoạn các ngân hàng nước ngoài tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, trước khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra. Đông Á cũng đã từ chối hợp tác với một trong những ngân hàng hàng đầu của Mỹ dù việc đàm phán gần như đã hoàn tất. Lý do là chúng tôi thấy chưa cần thiết phải có sự hỗ trợ từ ngân hàng nước ngoài, nếu điều đó chỉ khiến chúng tôi phải gánh lấy tỉ lệ thua thiệt không đáng có.


Nhưng chắc bà cũng nhận thấy tốc độ phát triển của Đông Á quá thận trọng so với các ngân hàng khác?


Ba năm gần đây, tốc độ phát triển của Đông Á vẫn đạt được chỉ tiêu Hội đồng Quản trị đề ra và đã được Đại hội Cổ đông biểu quyết. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận trong tương quan chung của ngành ngân hàng cả nước thì đúng là Ngân hàng Đông Á có phần thận trọng.


Sự thận trọng đó, có người cho là chắc, có người thấy là quá chậm và chính điều này đã khiến Đông Á có phần thụt lùi so với các ngân hàng cổ phần khác. Bà nghĩ sao về điều này?


Trong thời kỳ tôi làm Chủ tịch Ngân hàng Đông Á vào những năm 1990, cũng có một vài lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước góp ý với tôi rằng, Đông Á hoạt động chắc nhưng hơi bảo thủ, phải tăng tốc hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi muốn xây dựng một ngân hàng vững bền. Đó là lý do vì sao chúng tôi có thể trụ được bên ngoài các tâm bão tài chính và tín dụng tại Việt Nam.


Đôi lúc tôi cũng sốt ruột khi thấy tốc độ phát triển của Đông Á có vẻ chậm so với một số ngân hàng khác, ngay cả với những ngân hàng mới. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại thì chúng tôi vẫn đi đúng định hướng của mình. Và tương lai cũng sẽ như thế.


Trong chiến lược phát triển 2005-2015, Đông Á đặt mục tiêu trở thành “ngân hàng tốt nhất”, chứ không phải là “ngân hàng lớn nhất” Việt Nam như định hướng trước đó. Chúng tôi đã xây dựng những tiêu chí để phấn đấu và cải cách hoạt động của mình, hạn chế các hoạt động “bề nổi”. Dù bị góp ý là bảo thủ nhưng chúng tôi không cảm thấy phải cấp tốc thay đổi, vì cái gì cũng có tính hai mặt.


Nếu bà, ông Bình và cả Ban lãnh đạo thử làm một cuộc “phát triển nóng” cho Đông Á thì chuyện gì sẽ xảy ra?


Phát triển “nóng” khi nguồn nhân lực còn yếu là một rủi ro. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, Đông Á không chọn con đường phát triển “nóng” khi chưa chuẩn bị kỹ nguồn nhân lực, mặc dù trong thời gian qua Ngân hàng cũng đã đầu tư rất lớn cho việc đào tạo và phát triển đội ngũ.


Việc niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng Đông Á liên tục bị hoãn lại trong 2 năm qua có ảnh hưởng đến khoản lợi nhuận thu về trong đầu tư tài chính của PNJ hay không, khi tính thanh khoản cổ phiếu Ngân hàng Đông Á không được cải thiện?


Những năm trước, khi hoạt động của ngành chế tác và kinh doanh nữ trang còn bị hạn chế thì chính khoản lời từ Ngân hàng Đông Á đã góp phần tạo ra lợi nhuận và sức mạnh tài chính cho PNJ. Còn hiện nay, khi ngành kinh doanh chính của PNJ đang góp phần tạo ra lợi nhuận cao thì thu nhập cổ tức từ Ngân hàng Đông Á là 15-18%/năm vẫn là một khoản thu không nhỏ.


Việc Ngân hàng Đông Á chưa lên sàn không có ảnh hưởng gì đến lợi nhuận của PNJ, vì trong chiến lược hoạt động của mình PNJ luôn tính toán hài hòa giữa các khoản đầu tư dài hạn và ngắn hạn. Và PNJ cũng chưa bao giờ có ý định giảm vốn đầu tư vào Ngân hàng Đông Á.
Theo Tàng Long (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chân dung “nữ hoàng vàng bạc” Cao Thị Ngọc Dung

    Chân dung “nữ hoàng vàng bạc” Cao Thị Ngọc Dung

    26/10/2020 7:25 AM

    Cao Thị Ngọc Dung được biết đến là một nữ doanh nhân thép trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Thế nhưng tiểu sử của bà vẫn chứa đầy những biến cố chưa bật mí.

  • 3 nữ CEO Việt lọt top doanh nhân quyền lực nhất châu Á

    3 nữ CEO Việt lọt top doanh nhân quyền lực nhất châu Á

    07/04/2016 10:56 PM

    Danh sách của Forbes năm nay có tên bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch kiêm CEO PNJ, bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Sovico Holdings.

  • Chủ tịch PNJ: Phải len mình vào cái tốt của thế giới

    Chủ tịch PNJ: Phải len mình vào cái tốt của thế giới

    23/04/2015 10:02 PM

    Thuộc lớp doanh nhân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, trải qua không ít thăng trầm trên thương trường theo từng thời kỳ phát triển của đất nước, nhưng ở tuổi 58, Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung vẫn hết mình với kinh doanh.

  • Bà Cao Thị Ngọc Dung được bầu làm Chủ tịch HAWEE

    Bà Cao Thị Ngọc Dung được bầu làm Chủ tịch HAWEE

    05/04/2015 9:43 PM

    Đại hội Nữ Doanh Nhân TP HCM (HAWEE) lần thứ nhất đã bầu chọn bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận làm Chủ tịch đầu tiên - Nhiệm kì I của HAWEE.

  • "Sếp lớn" nào nhận lương ”khủng” nhất Việt Nam?

    "Sếp lớn" nào nhận lương ”khủng” nhất Việt Nam?

    14/11/2012 5:03 PM

    Đứng đầu các DN lớn, mức thù lao của các sếp cao ngất ngưởng, người ít thì vài chục triệu đồng, có người phải tính tiền tỷ mỗi tháng.

  • Chủ tịch PNJ: Không ngủ quên trên hào quang quá khứ

    Chủ tịch PNJ: Không ngủ quên trên hào quang quá khứ

    17/07/2012 10:46 AM

    Gây dựng lên một thương hiệu trang sức PNJ hàng đầu trong nước, đưa Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận thành công ty đại chúng có tổng tài sản lên tới trên 2.500 tỷ đồng và tham gia sáng lập nên Ngân hàng Đông Á, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung chỉ gói gọn bí quyết thành công trong một chữ “tín”.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.