Dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) quy định tất cả các công trình đều phải xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD) kể cả các công trình thuộc dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, theo Luật Xây dựng hiện hành những công trình này thuộc đối tượng được miễn GPXD.
Dự thảo Luật xây dựng sửa đổi quy định tất cả các công trình đều phải xin cấp GPXD.

Theo Bộ Xây dựng, quy định công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt thì không phải xin giấy phép xây dựng là nội dung không được quy định trong Luật Xây dựng, nhưng được quy định tại Nghị định 16/2005/NĐ-CP và Nghị định 12/2009/NĐ-CP là nhằm mục đích cải cách thủ tục hành chính đối với các công trình xây dựng thuộc các loại dự án này.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư đã thay đổi các chỉ tiêu về quy hoạch, như mật độ xây dựng, chiều cao công trình, mục tiêu đầu tư mà cơ quan quản lý nhà nước không quản lý được.

Do vậy, việc miễn GPXD cho các công trình thuộc dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở,... các cơ quan quản lý sẽ không có căn cứ để quản lý việc xây dựng tuân thủ theo quy hoạch, kiến trúc và các quy định khác của pháp luật.

Vì thế, để thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và bình đẳng giữa các dự án sử dụng các nguồn vốn, dự thảo quy định tất cả các công trình đều phải xin cấp GPXD bao gồm cả các công trình thuộc dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, mà theo Luật xây dựng hiện hành những công trình này thuộc đối tượng được miễn GPXD.

Để tạo điều kiện cho chủ đầu tư có thể triển khai xây dựng công trình sớm, khi chưa hoàn thiện thiết kế, dự thảo bổ sung thêm 2 trường hợp được cấp GPXD, đó là đối với công trình quy mô lớn được cấp giấy phép theo giai đoạn, có nghĩa không bắt buộc phải thiết kế xong toàn bộ công trình mới được xin cấp GPXD, mà có thể xong từng phần để xin cấp GPXD.

Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ quy định hiện hành còn nêu chung chung, chưa nêu cụ thể trường hợp khi điều chỉnh thiết kế đến mức độ nào thì phải xin cấp giấy phép điều chỉnh, dẫn đến thực hiện không thống nhất; việc điều chỉnh giấy phép tuỳ tiện, đặc biệt là việc điều chỉnh chiều cao, mật độ xây dựng nên cơ quan thanh tra không có đủ căn cứ để xử lý vi phạm.

Thực trạng hiện nay, tỷ lệ quy hoạch đặc biệt là quy hoạch chi tiết chưa được phủ kín nên cũng gây vướng mắc và dễ dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu trong công tác cấp phép xây dựng. Ở những khu vực yêu cầu quản lý về kiến trúc nhưng chưa có thiết kế đô thị hoặc chưa có các quy định về quản lý kiến trúc cũng gây khó khăn cho công tác cấp phép, dễ gây tùy tiện khi thỏa thuận về kiến trúc công trình.

Góp ý tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) ngày 16/7, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: đối với quản lý nhà nước về xây dựng, GPXD có tầm quan trọng hàng đầu, vì nó kiểm tra lần cuối tính hợp pháp của hoạt động xây dựng và công trình xây dựng trước khi khởi công xây dựng, thông qua việc kiểm tra thực hiện quy hoạch và tính hợp pháp của thửa đất sắp xây dựng công trình, kiểm tra công tác khảo sát thiết kế công trình xây dựng đã được thẩm định việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn…

Do vậy, chỉ nên quy định các yêu cầu và thủ tục cấp phép chứ không nên quy định chi tiết của GPXD, vì công trình xây dựng rất đa dạng như nhà cửa, đường, hầm, đường ống, cột truyền tải điện…

Minh Thư (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.