Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua có 4 chương với 35 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật quy định rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên tắc hỗ trợ, nguồn vốn hỗ trợ và các hành vi bị nghiêm cấm trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật được thiết kế theo hướng các hỗ trợ trọng tâm chỉ tập trung cho 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Ảnh minh họa
Các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật gồm:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng 01 trong 02 tiêu chí sau: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
Về hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thuế, kế toán, hỗ trợ mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung, mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Luật quy định rõ, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế. Bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân tài trợ được thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân đó nhưng không được trái quy định của pháp luật.